Thực hiện cơ chế đột phá huy động nguồn lực bảo vệ môi trường
Trong nước - Ngày đăng : 09:50, 28/12/2017
Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập trung thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trình bày Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008.
9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể
Theo dự thảo Nghị quyết, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành. Các nội dung chủ yếu trong chỉ đạo điều hành như:
Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững;
Tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với hiệu lực hiệu quả tổ chức thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản…
Tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế;
Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thực hiện đầy đủ, toàn diện các chính sách người có công, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nhà ở xã hội. Tập trung giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu;
Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo;
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cứu hộ, cứu nạn; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông. Phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí; chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, góp phần tạo đồng thuận xã hội;
Tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc VN và các đoàn thể, quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp đề ra… Đồng thời, Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 242 nhiệm vụ cụ thể…
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
Đối với nhóm nhiệm vụ giải pháp về “Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu”, dự thảo Nghị quyết nêu rõ:
Tăng cường quản lý tài nguyên quốc gia, triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý chặt chẽ đất đai, khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất, đất để hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Chống thất thoát ngân sách Nhà nước từ lời ích chênh lệch giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất do quy hoạch hoặc các dự án hạ tầng đem lại.
Khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, tăng cường hợp tác Quốc tế trong việc khai thác sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn nước xuyên biên giới, nhất là hệ thống sông Mê Kông.
Thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và các quy định pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Xử lý nghiêm, triệt để tình trạng khai thác và phá rừng bất hợp pháp, khai thác tài nguyên khoáng sản, cát, đá, sỏi… trái phép.
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ việc triển khai, hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành TN&MT, nhất là về đất đai, quan trắc tài nguyên và môi trường, cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL.
Xây dựng và xã hội hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo về tài nguyên và môi trường, kết nối giữa trung ương với địa phương. Thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cao. Triển khai hệ thống tiêu chí về môi trường. Hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về môi trường.
Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết cũng đề ra việc ban hành và thực hiện cơ chế đột phá phát huy nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng và hoàn thành phương án triển khai công tác điều tra, đánh giá phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải.
Phấn đấu đạt mục tiêu 88% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo
Dự thảo nghị quyết cũng xác định triển khai lồng ghép mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các cam kết quốc tế của Việt Nam vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của ngành và địa phương.
Chính phủ cũng đề ra nhiệm vụ tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Chủ ddoonhj phòng chống giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Rà soát lại quy hoạch, bố trí dân cư tại các khu vực có xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho người dân, thực hiện các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ, ngành nghề phù hợp, hiệu quả gắn với kinh tế thị trường tại các vùng tái định cư và vùng bị tác động bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn…
Dự thảo nghị quyết cũng xác định việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chống sạt lở bờ sông, nền đất, ngập lụt tại TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. Xây dựng quy hoạch tích hợp, phát triển hệ thống hồ chứa, điều tiết thích ứng với BĐKH, lũ lụt, hạn hán và triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long…