Nghệ An: Vấn đề phá rừng làm “nóng” phiên chất vấn HĐND tỉnh

Trong nước - Ngày đăng : 09:07, 20/12/2017

(TN&MT) - Chiều 19/12, các đại biểu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ V, HĐND tỉnh Nghệ An tại Hội trường. Vấn đề tình hình giao đất, giao rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; Công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng được đưa ra để chất vấn giám đốc sở NN&PTNT.“Nóng” phiên chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã đạt nhiều kết quả tốt, diện tích rừng tăng nhanh, ổn định; công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều chuyển biến tích cực.

Quang cảnh buổi chất vấn
Quang cảnh buổi chất vấn

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, bất cập: Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân còn đạt tỷ lệ khá thấp; Tình trạng chuyển nhượng, sử dụng trái phép đất lâm nghiệp có rừng vẫn xẩy ra tại một số địa phương như Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông; Tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất lâm nghiệp giữa các chủ rừng diễn ra tương đối phức tạp và không được giải quyết dứt điểm;

Trong thời gian gần đây, vẫn để xảy ra một số vụ việc khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng tự nhiên giàu tài nguyên, khu vực biên giới Việt Nam – Lào như ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và tình trạng chặt phá rừng tự nhiên đối với diện tích đã giao, diện tích do UBND xã quản lý là rừng nghèo, rừng phục hồi để lấy đất trồng rừng nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở một số nơi như Quỳ Hợp, Thanh Chương, Tân Kỳ...

Đại biểu Nguyễn Văn Hải (huyện Tương Dương) chất vấn tại Hội nghị
Đại biểu Nguyễn Văn Hải  (huyện Tương Dương) chất vấn tại Hội nghị

Một số nguyên nhân được đưa ra: Việc giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay chưa tiến hành đồng thời với việc giao rừng, cho thuê rừng (đánh giá tài sản trên đất). Công tác phối kết hợp giữa các lực lượng liên huyện để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, đặc biệt là các lực lượng 2 vùng giáp ranh giữa các huyện. Một số cán bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn, chính quyền cấp xã chưa bám sát địa bàn cơ sở, thiếu sâu sát, tinh thần trách nhiệm chưa cao, ít đi tuần tra rừng, nắm bắt thông tin trong nhân dân.

Đại biểu Đặng Quang Hồng (huyện Nghi Lộc) bày tỏ băn khoăn vể tính hiệu quả trong công tác quản lý của cấp xã đối với diện tích 280 nghìn ha rừng chưa bàn giao. Để tăng tính hiệu quả trong quản lý, sử dụng hiệu quả đất rừng, sắp tới, Sở có giải pháp nào để tiếp tục bàn giao số diện tích này?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, Nghệ An là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn trong cả nước, vì vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn có những bất cập.

Rừng ở miền núi Nghệ An những năm qua bị tàn phá nghiêm trọng
Rừng ở miền núi Nghệ An những năm qua bị tàn phá nghiêm trọng

Về 280ha đất rừng chưa được bàn giao, nguyên nhân do không đủ nguồn lực để thực hiện phát quan, cắm mốc đất. Mặc dù Trung ương và tỉnh có nhiều cơ chế chính sách nhưng nguồn lực không đủ; các địa phương chưa quan tâm đến việc giao đất, đặc biệt là các huyện miền núi.

Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp đã nêu các giải pháp: Chủ động nguồn kinh phí thực hiện công tác giao đất, giao rừng; Tuyên truyền, vận động người dân đứng ra nhận đất theo phương thức xã hội hoá, người dân tự phát ranh giới, thực hiện phát quang, cắm mốc; Đồng thời Sở sẽ phối hợp các các ngành liên quan xây dựng đề án giao đất, giao rừng, trong đó sẽ chỉ rõ nguồn kinh phí lấy ở đâu, trách nhiệm địa phương, tập thể, cá nhân, cố gắng đến năm 19 – 20 hoàn thành giao đất, giao rừng cho dân.

Về việc để xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Sở xin nhận trách nhiệm và hiện đang truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể để xử lý.

Đại biểu Hoàng Lân – Diễn Châu bày tỏ băn khoăn: Việc chặt phá rừng thuộc vùng biên giới thuộc nhóm đối tượng, cán bộ đơn vị nào?  Với người dân khi khoanh nuôi bảo vệ rừng theo quy định khai thác các sản phẩm phụ, tối đa hưởng 12 triệu đồng/năm. Mong muốn sở là cơ quan tham mưu có giải pháp gì có thu nhập từ nguồn sản phẩm phụ để nâng cao đời sống người dân sắp tới.

Về nội dung này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu trả lời: Trong 14 vụ được đưa ra về chặt phá rừng, vụ lớn nhất ở Tương Dương 189 cây và 289m3, đối tượng là một số người dân của huyện Kỳ Sơn; Ở Kỳ Sơn cũng là người dân tham gia chặt phá rừng. Một số cán bộ địa phương cấp xã đánh dấu “chủ quyền” cây rừng. Một số vụ án thuốc biên giới, thuộc bộ đội biên phòng quản lý, ban quản lý phòng hộ tương dương, kỳ sơn, một số kiểm lâm có trách nhiệm liên đới đang được xem xét: Chủ rừng, địa phương, kiểm lâm.

Trong khai thác sản phẩm phụ: chúng ta đã giao đất, giao rừng, có thể khai thác sản phẩm phụ, chăn nuôi; Người dân được quy định hỗ trợ ở 3 mức, bảo vệ có 4 mức hỗ trợ. Sau năm thứ 35 người dân được khai thác rừng, trước đó không được khai thác, chịu sự quản lý của kiểm lâm. 

Nguyễn Văn Hải (Tương Dương): Phía Tây Nghệ An rừng nhiều, diện tích lớn nhưng chủ rừng mỏng. Ông đề xuất liệu có thể chuyển đổi một số khu vưc có trữ lượng giàu và cây di sản thành lập thành khu quản lý bảo tồn như: Phuxailaileng để thay thế lực lượng bảo vệ có hiệu quả hơn. Tuyến đường tuần tra biên giới rộng khiến cho công tác bảo vệ rừng khó khăn, việc khai thác rừng ở dọc dự án này như thế nào?

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu giải trình: Hiện nay chưa có biên chế về nhân lực nên chưa thể thành lập khu bảo tồn. Theo luật đất đai, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên không được giao cho cá nhân quản lý. Trước mắt ban quản lý rừng phòng phộ chịu khó làm việc căng hơn bình thường. Với các cửa khẩu phụ cần nghiên cứu đóng bớt để quản lý rừng tốt hơn, không gây khó khăn cho quản lý. 

Phát biểu tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Hữu Cầu – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, những năm gần đây, tình trạng lấn chiếm, khai thác rừng trái phép diễn ra phức tạp, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo Công an vào cuộc xử lý nghiêm, không phân biệt ai. Trong năm 2017, công an phát hiện hơn 700 vụ phá rừng, trong đó có nhiều dấu hiệu của tội phạm tập trung các huyện miền núi như: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tân Kỳ, Tương Dương,…

Công an tỉnh đã khởi tố 14 vụ, 39 đối tượng các tội danh vi phạm quy định khai thác trái phép rừng, huỷ hoại rừng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hữu Cầu đề xuất thời gian tới cần xâu chuỗi 4 nhóm đối tượng: chủ rừng, kiểm lâm, Chủ tịch UBND các xã có rừng, lực lượng biên phòng để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc bảo vệ rừng; Đồng thời đề nghị tỉnh và các Sở liên quan cho phép bà con người dân miền núi tận thu khai thác cát sỏi để bớt dùng gỗ, giảm hành vi khai thác rừng trái phép.


Kỷ luật 50 cán bộ liên quan phá rừng

Trên địa bàn Nghệ An vẫn liên tục xảy ra các vụ phá rừng lớn. Cũng theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, năm 2017 riêng ngành công an đã khám phá ra 170 vụ phá rừng với 170 đối tượng tham gia. Với hơn 500 khối gỗ, 15 tấn gỗ các loại, có 17 vụ có dấu hiệu hình sự. Ngành chức năng đã khởi tố 14 vụ với 39 đối tượng, trong đó tội danh vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng là 7 vụ 24 bị can, hủy hoại rừng 3 vụ 8 bị can, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đang khởi tố dự khiến nhiều bị can, đã khởi tố 4 bị can.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An trả lời chất vấn
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An trả lời chất vấn

Nổi lên các vụ phá rừng thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Lào như: Na Ngoi, Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn; Tam Hợp, Lưu Kiền của huyện Tương Dương; Nam Sơn, Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp… Hàng loạt cán bộ liên quan đã bị ngành chức năng xử lý nhưng vẫn không hạn chế được tình trạng phá rừng xảy ra.

Mới đây nhất ngày 15/12, Công an Nghệ An tiếp tục khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 trạm trưởng: Trạm Quản lý bảo vệ rừng bản Ang và trạm Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Tam Hợp, thuộc ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương để phục vụ điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hai đối tượng này bị bắt vì liên quan đến vụ việc tại tiểu khu 697 và tiểu khu 683 thuộc xã Tam Hợp, có 38 cây gỗ bị chặt hạ và ở một số tiểu khu khác, lực lượng chức năng cũng phát hiện rải rác các gốc cây bị chặt, chưa kịp tẩu tán tang vật.

Tỉnh Nghệ An cũng đã xử lý kỷ luật gần 50 cán có liên quan đến các vụ phá rừng, trong đó kỷ luật 2 phó chủ tịch xã, 2 cán bộ địa chính xã Châu Nga, Châu Hội của huyện Quỳ Châu; bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch xã Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn; 2 bí thư xã Nam Sơn và Bắc Sơn… và 1 ủy viên ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp.

Ngành kiểm lâm cũng kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo hạt kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn và xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách đến hạ bậc lương cán bộ vi phạm như: 1 hạt trưởng, 1 hạt phó và 1 kiểm lâm địa bàn của hạt Kiểm lâm Tương Dương; kỷ luật về Đảng đối với 1 hạt trưởng và 2 hạt phó hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn…

Phạm Tuân – Tưởng Cao