Đẩy nhanh công tác khắc phục sự cố tại công trình thủy điện Đắk Kar

Trong nước - Ngày đăng : 11:30, 10/08/2019

(TN&MT) - Trong những ngay qua, sự cố van hồ thuỷ điện Đắk Kar (giáp giữa địa bàn 2 xã Hưng Bình và Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông với 2 xã Phú Sơn và Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) không mở được đang được dư luận hết sức quan tâm. Trước thực trạng trên, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Nông và huyện Đắk R’Lấp đang tích cực phối hợp với chủ đầu tư và các tỉnh ở khu vực hạ du (Lâm Đồng và Bình Phước) cùng di dời hơn 5.000 hộ dân đến nơi an toàn để tránh gặp phải “bất trắc” khi sự cố xảy ra.
ka3
Lực lượng công nhân kỹ thuật của Công ty CP Thủy điện Đắk Kar làm việc liên tục để khắc phục sự cố

Mực nước hồ chứa đã giảm nhưng chưa an toàn

Những ngày qua, mưa lớn kéo dài dẫn đến nguồn nước từ các hệ thống suối nhỏ đổ về nhanh nên lượng nước ở các hồ đập thuỷ điện từ đó cũng tăng nhanh đột biến. Qua quan sát, tại hồ thuỷ điện Đắk Kar mực nước đã giảm xuống dưới thân đập khoảng 2m. Hiện tại, Công ty CP Thủy điện Đắk Kar vẫn đang cho xả nước qua đường ống áp lực và tràn xả lũ để nhằm giảm tối đa lượng nước trong hồ chứa.

Trao đổi với Phóng viên tại khu vực hồ chứa, ông Chu Văn Quyền, Giám đốc Điều hành Công ty CP Thủy điện Đắk Kar cho biết: Tính đến 17h ngày 9/8, mực nước hồ chứa thủy điện Đắk Kar đã giảm hơn nhiều so với ngày 8/8 nhưng vẫn cao hơn mức nước dâng bình thường 1m. “Mặc dù, nước đã giảm nhưng hệ thống van xả vẫn đang sữa chữa. Hiện tại, đang tập trung lực lượng để khắc phục”, ông Chu Văn Quyền thông tin thêm.

Theo báo cáo của Công ty CP Thủy điện Đắk Kar (Chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Đắk Kar), ngày 6/8, mực nước hồ ở ngưỡng trình 467m. Đến 11 giờ ngày 7/8, mực nước hồ là 496,5m. Thủy điện đã tiến hành xả tràn để đón lũ với lưu lượng nhỏ. Tuy nhiên, sau đó lượng nước đổ về nhiều mang theo nhiều cây cối nên cửa van bị kẹt không thể mở được cửa xả tràn.

ka1
Mực nước ở lòng hồ thuỷ điện Đắk Ka đã xuống thấp hơn 2m so với ngày 8/8.

Cũng theo lãnh đạo Công ty CP Thủy điện Đắk Kar, do lượng mưa kéo dài đến sáng 8/8 xảy ra sự cố sạt lở đất đồi cách chân hạ lưu đập khoảng 50m làm đường ống dẫn nước (ông thép, đường kính 2,32m) về Nhà máy bị vỡ một đoạn 70m, khiến nước hồ chảy qua đường ống cũng gây sạt lở một ít ở khu vực hạ lưu đập dâng. Đến 13 giờ cùng ngày, mực nước bắt đầu giảm. Cho đến 12 giờ ngày 9/8, mực nước đã giảm về cao trình 476,63m và đang tiếp tục giảm.

Trao đổi với Phóng viên, ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, mực nước tại hồ thủy điện Đắk Kar đã hạ xuống 2,5m và đạt ngưỡng an toàn. Hiện nay, các đơn vị vẫn đang khẩn trương khắc phục sự cố van xả tràn nên việc xả nước vẫn phải thực hiện bằng cách xả qua đường ống áp lực. Nếu trong những ngày tới, trời vẫn tiếp tục mưa lớn thì mức độ nguy hiểm lại tăng lên.

“Ngay sau khi nhận được Công điện khẩn từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về sự cố đập thủy điện Đắk Kar, UBND huyện Đắk R’lấp đã nhanh chóng di đời 2 hộ dân ở phía hạ du và phối hợp với huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) tuyên truyền, cảnh báo và yêu cầu người dân tuyệt đối không đến vùng hạ du thủy điện Đắk Kar vào thời điểm này và tổ chức di dời các hộ dân ở vùng bị ảnh hưởng nằm ở hạ du thủy điện này đến nơi  an toàn”, ông Lê Văn Thị thông tin thêm.

ka2
Hệ thống ống xả chạy hết công suất trong nhiều giờ qua

Khẩn trương khắc phục sự cố để điều tiết nước

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cùng Đoàn công tác khi đi kiểm tra sự cố kẹt van đập thủy điện Đắk Kar vào lúc 17h ngày 9/8. Sau khi đi kiểm tra một vòng tại khu vực bờ đập và hệ thống vãn xã, ông Nguyễn Văn Tỉnh yêu cầu Công ty Thủy điện Đắk Ka nhanh chóng khắc phục sự cố kẹt van xả lũ để điều tiết nước, đảm bảo an toàn hồ đập và người dân.

“Bên cạnh đó, phải có phương án để làm giảm lưu lượng nước trong hồ, tránh nguy cơ gây vỡ đập. Mưa có thể đổ xuống bất cứ lúc nào nên không thể lơ là, chủ quan được vì van xả vẫn kẹt. Với lượng nước gần 13 triệu m3 trong lòng hồ, nếu xảy ra sự cố vỡ đập là rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tính mạng của hàng ngàn người dân phía hạ du”, ông Nguyễn Văn Tỉnh nhấn mạnh.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông Chu Văn Quyền, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Kar cho biết: Hiện đơn vị đang huy động nhân lực và thiết bị chống lũ như dùng phương án nâng cửa đập sử dụng bằng pa - lăng tay và tời nâng điện tử kết hợp xe nâng để kéo cửa xả lên. Ngoài ra, đơn vị cũng đã dùng bao cát để gia cố bổ sung bờ đập các vị trí xung yếu; chuẩn bị các vật dụng cụ hỗ trợ như máy đào, máy phát dự phòng, khống chế không cho nước tràn qua mặt đập. Trong trường hợp nguy cơ vỡ đập, cơ quan chức năng đã khoan lỗ sẵn ở vai đập để khi nước về thì nổ mìn tạo dòng chảy xả lũ điều tiết, không xả đột ngột xuống hạ du.

ka4
Đoàn kiểm tra của Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) kiểm tra hiện trường vào chiều 9/8

Sơ tán hơn 5.000 hộ dân ở khu vực hạ du tỉnh Bình Phước

Chiều 9/8, trao đổi với Phóng viên, ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Sau khi nhận đươc Công điện khẩn của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về sự cố van xã không mở được của đập thủy điện Đắk Kar, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo cho huyện Bù Đăng nhanh chóng sơ tán 5.000 hộ dân thuộc 4 xã Đồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất và Đăng Hà ở vùng hạ lưu thủy điện Đắk Kar. Trong đó, có 200 hộ dân và số người ở trong các chòi rẫy. Những hộ này được sắp xếp tới nhà ở các khu vực cao và nhà người quen. Hiện tại, huyện Bù Đăng đã bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân trong quá trình chờ xử lý sự cố tại thuỷ điện Đắk Ka.

Qua tìm hiểu, Công trình Thủy điện Đắk Kar có công suất 12 MW, nằm trên địa bàn 2 xã Đắk Ru, Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) và 2 xã Đồng Nai, Phú Sơn, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước). Lòng hồ thủy điện Đắk Kar có dung tích thiết kế 11,4 triệu m3 nước, thân đập có chiều cao 34m, dài hơn 200m và đang trong quá trình thi công. Công trình được khởi công xây dựng năm 2014 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, mấy ngày qua, do trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và các tỉnh Tây Nguyên có mưa rất to, nước đầu nguồn đổ về lớn và nhanh, trong khi công trình xảy ra sự cố kẹt van xả đáy, khiến mực nước hồ dâng cao dẫn đến nguy cơ mất an toàn.