Phước Long (Bạc Liêu): Ban hành Nghị quyết lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế

14/06/2017 00:00

(TN&MT) - Theo BCH Đảng bộ huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), mặc dù thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng (cuối năm 2016) đạt 38 triệu đồng/người/năm, nhưng kết quả đó vẫn chưa ngang tầm với khả năng và tiềm năng hiện có của huyện. Đặc biệt, nếu đối chiếu với bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới thì đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người phải đạt 50 triệu đồng/năm. Mới đây Đảng bộ huyện đã bàn, thảo luận, thống nhất ban hành nghị quyết lãnh đạo nhân  dân làm giàu, nâng cao cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Từ Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ huyện, ban hành bà nông trong toàn huyện hăng hái tập trung tham gia sản xuất làm giàu trên quê hương
Từ Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ huyện, ban hành bà nông trong toàn huyện hăng hái tập trung tham gia sản xuất làm giàu trên quê hương

Sau Nghị quyết 03 về xây dựng huyện xanh - sạch - đẹp, Phước Long tiếp tục cho ra đời Nghị quyết 05 về đẩy mạnh phát triển kinh tế từ nay đến năm 2020. Mục tiêu được huyện xác định là để trở thành NTM thì huyện phải mạnh và dân phải giàu, giàu lên bằng chính bàn tay, khối óc ngay trên thửa ruộng, ao tôm, mảnh vườn của mình. Các cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò trợ lực tích cực và cán bộ, đảng viên phải là những hộ gia đình tiên phong, gương mẫu.

Nghị quyết 05 nhấn mạnh, từ nay đến năm 2020, huyện Phước Long tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng NTM kiểu mẫu, bền vững. Bằng các giải pháp, huyện sẽ sát cánh cùng nông dân nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên cả hai vùng sản xuất. Trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chủ lực là cây lúa và con tôm theo hướng đa cây, đa con với nhiều mô hình sản xuất kết hợp mang tính bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trong cơ cấu kinh tế, nếu như năm 2017, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 43% thì đến năm 2020 giảm xuống còn 40%; và thay vào đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng dần từ 32% lên 35%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 24% lên 25% và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%/năm đến cuối nhiệm kỳ. Bằng tinh thần chỉ đạo kỳ quyết, sự chung sức chung lòng từ Đảng bộ đến quần chúng nhân dân, trong năm 2017, huyện Phước Long quyết tâm đạt thu nhập bình quân đầu người 40,9 triệu đồng/năm và tăng dần đến năm 2020 phải đạt 52,1 triệu đồng.         

Sự đầu tư của nhà nước và của huyện đã giúp cho sản xuất vùng sông nước ngày càng phát triển

Sự đầu tư của Nhà nước và của huyện Phước Long đã giúp cho sản xuất vùng sông nước ngày càng phát triển, nông sản giao thương tấp nập, trên bến dưới thuyền.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Trần Văn Ân (Phó chủ tịch UBND huyện ) cho biết: Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ huyện, giải pháp ưu tiên hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản được UBND huyện đưa ra là phát huy tối đa lợi thế cả hai vùng sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất cánh đồng lớn, vùng sản xuất lúa nguyên liệu chất lượng cao. Một số sản phẩm hàng hóa sẽ được huyện xây dựng thương hiệu là tôm càng xanh và rau cần nước. Các mô hình sản xuất kết hợp bền vững mang lại hiệu quả cao cần được nhân rộng là: lúa - tôm, lúa - cá, lúa - màu, tôm - cá, tôm - cua, trồng màu trên bờ vuông tôm… Các mô hình này đều nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích.

Cụ thể hóa chủ trương giúp dân làm giàu, UBND huyện Phước Long tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế hộ gia đình, phấn đấu mỗi hộ có một mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, trong đó, cán bộ, đảng viên phải là những hộ gia đình đóng vai trò tiên phong, gương mẫu.        

Ở vùng ngọt ổn định, huyện khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất đa canh, xen vụ: 2 vụ lúa + 1 vụ màu, 2 vụ màu + 1 vụ lúa và xen canh một số cây trồng thích nghi nhằm phát huy tối đa tiềm năng đất đai, lao động trong vùng. Huyện sẽ tạo điều kiện cho nông dân sản xuất từ 2 - 3 vụ lúa/năm. Thực hiện mô hình trồng rau sạch, rau chất lượng cao, có nhà lưới. Khai thác tối đa mặt đất, ao hồ của từng hộ gia đình để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp với lao động sở trường, đồng thời đưa một số đối tượng cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. UBND huyện cũng đề nghị các địa phương tổng kết một số mô hình trong chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao để định hướng quy mô phát triển phù hợp với yêu cầu thị trường, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cung vượt cầu làm cho người sản xuất bị thua lỗ.

Ở vùng chuyển đổi, huyện sẽ hỗ trợ nông dân phát triển mạnh các mô hình sản xuất kết hợp trong nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: tôm - lúa, tôm - cá, tôm - cua… Song, chủ đạo vẫn là mô hình tôm - lúa. Để khai thác tốt vùng chuyển đổi, BCH Đảng bộ huyện chủ trương mở rộng mô hình tôm - lúa của huyện từ 9.500ha như hiện nay lên 15.000ha vào năm 2020. Lộ trình mở rộng diện tích tôm - lúa hàng năm sẽ gắn liền với đầu tư kết cấu hạ tầng gồm: hệ thống thủy lợi - thủy nông nội đồng, đê đập phù hợp đảm bảo nuôi tôm, trồng lúa, đảm bảo trữ nước ngọt cho diện tích ở những tháng cuối vụ. Khuyến khích nông dân áp dụng mô hình tôm - lúa; những hộ có tâm huyết, sản xuất có hiệu quả, chính quyền sẽ hỗ trợ giống, vốn và kỹ thuật.

Cùng với đó, huyện Phước Long sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác trong nông nghiệp, nhất là hợp tác tưới tiêu ở các ô đê bao thủy lợi khép kín. Theo đó, huyện sẽ xây dựng thêm một số ô đê bao thủy lợi khép kín, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có trên 70% diện tích sản xuất nông nghiệp ở vùng ngọt được chủ động tưới tiêu.

Trong chiến lược phát triển kinh tế, Nghị quyết 05 xác định kinh tế trang trại, gia trại và kinh tế hộ gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng NTM. Để khắc phục hạn chế trong sản xuất ở vùng ngọt ổn định, huyện sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cánh đồng lớn, liên doanh liên kết với các công ty, doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Không chỉ ở lĩnh vực sản xuất, nghị quyết phát triển kinh tế toàn diện mà huyện vừa ban hành còn đặc biệt chú trọng đầu tư các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… tạo diện mạo cảnh quan NTM ngày càng văn minh, hiện đại. Điểm nhấn trong phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch là tới đây, Phước Long sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề, sinh thái vườn cò, làng nghề đan đát gắn kết với điểm du lịch di tích lịch sử Khu căn cứ Tỉnh ủy Cái Chanh - những địa danh du lịch vốn dĩ chưa được đánh thức.

Theo lộ trình, huyện Phước Long sẽ đầu tư hơn 800 tỷ đồng để đầu tư các công trình phúc lợi, hỗ trợ sản xuất, giúp nông dân phát triển kinh tế. Ngoài các nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước và các thành phần kinh tế, vốn nhân dân đầu tư cho sản xuất ước tính khoảng 60 tỷ đồng. Ông Phan Thành Đông, Phó Bí thư Huyện ủy Phước Long, nhấn mạnh: “Khi đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên thì NTM ở huyện Phước Long chắc chắn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa. Và mục tiêu đó, khát vọng đó đang từng ngày trở thành hiện thực ở một huyện vùng sâu”/.   

Thạch Bình

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phước Long (Bạc Liêu): Ban hành Nghị quyết lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO