Phúc Thọ (Hà Nội): “Nợ” giấy phép, các bãi tập kết, trung chuyển VLXD vẫn ngang nhiên hoạt động

26/06/2018 16:08

(TN&MT) - Hiện nay, dọc tuyến sông Hồng thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) còn tồn tại 6 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) không phép hoạt động rầm rộ. Tuy nhiên, điều đáng nói là chính quyền cơ sở hiện đang “tạo điều kiện” cho các bến bãi hoạt động trong thời gian chờ đợi được cấp phép.

Chưa có phép và có dấu hiệu trốn thuế

Theo ông Lê Anh Chiến – Phó phòng TN&MT huyện phúc Thọ, trên địa bàn huyện, có 6 bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD hoạt động trái phép kéo dài nhiều năm, trong đó có 1 bãi ở xã Sen Chiểu, 2 bãi ở xã Phương Độ, 2 bãi ở xã Cẩm Đình và 1 bãi ở xã Vân Phúc.

Mặc dù cuối năm 2017, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện thị trấn trên địa bàn Hà Nội phải giải tỏa các bến bãi hoạt động không phép hoặc sai phép, tuy nhiên, theo quan sát của PV, hiện nay các chủ kinh doanh bến bãi ở huyện Phúc Thọ chưa thực hiện việc giải tỏa, thậm chí vẫn hoạt động tấp nập với những núi cát cao sừng sững.
 

Các bãi tập kết VLXD không phép ở Phúc Thọ, đều vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều
Các bãi tập kết VLXD không phép ở Phúc Thọ đều vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều (Ảnh chụp cuối tháng 5/2018)


Qua tìm hiểu, được biết, năm 2003, UBND xã Cẩm Đình cho các ông Đoàn Văn Thiêm, Ngô Xuân Hùng, Đặng Măng thuê khoảng 50.000m2 đất thôn Vân làm bãi tập kết VLXD. Do trong quá trình hoạt động, các xe quá khổ, quá tải chở cát cho các bãi đã làm rơi vãi cát ra đường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân quanh khu vực nên vào cuối năm 2013, UBND xã Cẩm Đình đã thanh lý các hợp đồng cho thuê đất làm bãi VLXD.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, đến nay, chỉ có bãi của ông Măng đã dừng tập kết VLXD còn bãi của ông Thiêm và ông Hùng vẫn đang hoạt động rầm rộ, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân trong khu vực. Phải chăng có điều gì uẩn khúc đằng sau sự thật hợp đồng đã thanh lý nhưng các bến bãi vẫn đang tồn tại với quy mô lớn?
 

Xã Cẩm Đình đã thanh lý hợp đồng cho thuê đất, nhưng bãi tập kết VLXD không phép của ông Đoàn Văn Thiêm vẫn hoạt động với quy mô lớn
Xã Cẩm Đình đã thanh lý hợp đồng cho thuê đất, nhưng bãi tập kết VLXD không phép của ông Đoàn Văn Thiêm vẫn hoạt động với quy mô lớn (Ảnh chụp cuối tháng 5/2018)


Một nhân viên làm việc tại bãi cát của ông Thiêm thuộc doanh nghiệp tư nhân Cường Thịnh cho biết: “Mỗi ngày doanh nghiệp mua khoảng 200-300m3 cả cát đen và cát vàng, bán trong một hoặc hai ngày là hết. Có tàu họ xuất hóa đơn cho mình nhưng cũng có tàu không xuất hóa đơn. Người ta mua ở đâu rồi bán cho mình mình cũng có biết đâu?”

Theo chị Nguyễn Thị Phương, nhân viên của doanh nghiệp tư nhân Cường Thịnh, doanh nghiệp thường mua cát của công ty cổ phần Quảng Tây và đều có hóa đơn, chứng từ. Trong buổi làm việc, chị Phương cho biết sẽ cung cấp bản photo các loại giấy tờ trên cho PV vào cuối buổi làm việc. Tuy nhiên, khi PV chuẩn bị ra về thì nhân viên này không thể cung cấp các loại hóa đơn, chứng từ như đã nói ở trên với lý do “không có chìa khóa” để mở tủ (két) lấy hóa đơn, chứng từ. Liệu rằng, doanh nghiệp này khi mua cát thực sự có hóa đơn, chứng từ không hay câu trả lời của nhân viên chỉ là lời chống chế cho hành vi trốn thuế?

Ngoài 2 bãi của ông Thiêm và ông Hùng, còn bến bãi của ông Cường cũng đã tồn tại nhiều năm nay và hoạt động tập kết, trung chuyển VLXD tại bến bãi này vẫn diễn ra tấp nập. Hàng loạt “núi cát” cao ngất ngưởng chồng chất án ngữ trong bãi chứa như thách thức người dân khu vực xung quanh và chính quyền địa phương.

Chính quyền địa phương có thực sự vào cuộc?

Ông Lê Anh Chiến – Phó Phòng TN&MT huyện Phúc Thọ thừa nhận các bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa bàn huyện hoạt động không phép và cho rằng các bãi hoạt động từ những năm 1980 nên yêu cầu họ dừng lại là khó. “Để có thể hoàn thiện các thủ tục cho đúng và đủ, phù hợp theo quy định của pháp luật cần phải có thời gian” – ông Chiến lý giải.

Khi PV yêu cầu được cung cấp các văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý các bến bãi, ông Lê Anh Chiến không thể cung cấp và cho rằng việc kiểm tra, xử lý liên quan đến đê điều là chính; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ chỉ đóng vai trò là thành phần tham gia vào các cuộc kiểm tra khi Phòng Kinh tế của huyện chủ trì các cuộc liên quan đến hành lang đê.
 

Các cơ quan chức năng của huyện Phúc Thọ đang bất lực trước các bãi tập kết VLXD hoạt động không phép?
Các cơ quan chức năng của huyện Phúc Thọ đang bất lực trước các bãi tập kết VLXD hoạt động không phép?
Các cơ quan chức năng của huyện Phúc Thọ đang bất lực trước các bãi tập kết VLXD hoạt động không phép? (Ảnh chụp cuối tháng 5/2018)


“Thời gian trước, Phòng Quản lý đô thị huyện quản lý các bến bãi này. Khoảng tháng 8 - tháng 10 năm ngoái, Phòng TN&MT huyện mới bắt đầu quản lý các bến bãi. Từ thời điểm đó đến giờ, Phòng không kiểm tra và ra biên bản xử phạt đối với các bến bãi này vì thực ra Phòng vẫn biết chủ các bến bãi không có thủ tục thì đương nhiên kiểm tra họ cũng sẽ không có!” – ông Lê Anh Chiến cho biết.
 

Việc kinh doanh cát trái phép của các chủ bãi tập kết VLXD dường như không bị lực lượng chức năng kiểm soát
Việc kinh doanh cát trái phép của các chủ bãi tập kết VLXD dường như không bị lực lượng chức năng kiểm soát (Ảnh chụp cuối tháng 5/2018)


Về việc yêu cầu các bến bãi hạ độ cao theo quy định, ông Chiến thanh minh: “Phòng TN&MT chỉ có 9 người, trong đó có 2 chuyên viên đi học, lượng công việc quá nhiều, “bơi” ra cũng không hết việc nên chưa triển khai được việc kiểm tra và yêu cầu các bến bãi hạ độ cao”.

Hiện là cơ quan quản lý trực tiếp các bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa bàn nhưng Phòng TN&MT huyện Phúc Thọ lại không lưu các văn bản kiểm tra và biên bản xử phạt các bến bãi vi phạm. 

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phúc Thọ (Hà Nội): “Nợ” giấy phép, các bãi tập kết, trung chuyển VLXD vẫn ngang nhiên hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO