Phục hồi rừng mập mặn cửa biển Quảng Nam

18/02/2016 00:00

(TN&MT) - Những năm gần đây người dân ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã tích cực trồng và bảo vệ các cánh rừng ngập mặn với suy nghĩ bảo vệ rừng ngập mặn chính là bảo vệ cuộc sống của mình. Hàng chục hecta rừng ngập mặn hồi sinh trở thành lá chắn che chở cho dân làng mỗi mùa mưa bão về.

Người dân xã Tam Hải tích cực trồng rừng ngập mặn
Người dân xã Tam Hải tích cực trồng rừng ngập mặn

Mất rừng vì con tôm

Từ bến đò của xã Tam Hải, chúng tôi đi trên một chiếc ghe để tới thôn Long Thạnh Tây, một ốc đảo nhỏ, nơi có những cánh rừng ngập mặn gồm các loại cây mắm, cây đước… đang được hồi sinh mạnh mẽ với tôm cá, chim chóc kéo về từng đàn, hàng chục ngàn cây đước đã được người dân trong thôn trồng mới cách đây 3 năm, đang vươn lên xanh tốt trong làn nước biển. Đó là kết quả của quá trình thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của rừng ngập mặn.

Theo ông Trần Quốc Cường, một cán bộ thôn Long Thạnh Tây, ngày trước ốc đảo có tới vài chục héc ta diện tích rừng ngập mặn với những cây mắm cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm. Nhưng do phong trào nuôi tôm trên cát nở rộ, người dân ở đây đã tự ý chặt phá nhiều diện tích rừng ngập mặn để làm ao nuôi tôm.

Mất đi những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh đã khiến sóng biển ngày càng lấn sâu vào khu vực dân cư sinh sống và hệ sinh thái tự nhiên trên ốc đảo bị thay đổi, nhiều ao tôm của người dân phải bỏ hoang do dịch bệnh… “Rừng mất, mỗi mùa gió bão xã rất lo sợ khu vực đê chắn sóng bị xói lở. Như cơn bão số 9 năm 2009, bờ đê chắn sóng và khu vực rừng miếu bị sóng đánh cuốn phăng, sông ăn sâu vào đất liền. Việc phá rừng của người dân cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến động, thực vật sinh sống trong rừng, nhất là tôm, cua, cá, chim, cò,…” – ông Cường cho biết.

Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống

Đầu năm 2014, Trường Đại Học Khoa học Huế hỗ trợ địa phương về cây giống để phục hồi 1hecta rừng ngập mặn. Với sự hỗ trợ này cùng với nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn đối với môi trường sống và hệ sinh thái, người dân đã cùng nhau đứng ra trồng, chăm sóc và bảo vệ; hiện nay khu rừng trồng này đã bén rễ, phát triển tốt. Đến đầu năm 2015 này, dự án ứng phó biến đổi khí hậu của huyện Núi Thành hỗ trợ trồng thêm trên 27ha cây đước, bần, mắm tại 4 thôn Đông Xuân, Đông An, Đông Bình và Đông Mỹ của xã và hiện nay cây đang phát triển rất tốt.

Đồng thời, người dân cũng tranh thủ các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ để phục hồi rừng ngập mặn. Hiện nay, diện tích trồng mới rừng ngập mặn của xã Tam Hải được hơn 20 ha, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn trên đảo lên hơn 60 ha phân bố nhiều ở thôn Long Thạnh Tây, thôn Bình Trung và thôn Xuân Mỹ. Hàng trăm cây mắm cổ thụ còn sót lại trên ốc đảo bây giờ, được người dân ở đây xem như những “cây di sản” được cộng đồng bảo vệ.

Tại thôn Long Thạnh Tây cũng đã thành lập một tổ bảo vệ rừng ngập mặn gồm 8 thành viên. Tổ này có trách nhiệm tuần tra và không cho những người lạ ở nơi khác vào rừng ngập mặn khai thác củi làm chất đốt và bắt hàu bám vào thân cây đước mới lớn để tránh làm cây bị chết. Trên những con đường chính dẫn vào khu rừng ngập mặn đều có dựng những bảng nghiêm cấm người dân về những điều không được xâm hại đến rừng.

UBND xã Tam Giang cũng đã quyết định ban hành quy chế cộng đồng quản lý và sử dụng rừng ngập mặn. Theo đó, đối tượng được áp dụng là các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân liên quan đến việc quản lý, phát triển và sử dụng rừng ngập mặn trên địa bàn xã, bao gồm cả diện tích rừng đã được giao cho cá nhân quản lý và diện tích rừng, đất rừng do UBND xã quản lý.

Bảng nghiêm cấm người dân về những điều không được xâm hại đến rừng.
Bảng nghiêm cấm người dân về những điều không được xâm hại đến rừng.

Quy định nêu rõ: Khai thác thủy hải sản không gây hại đến rừng ngập mặn như lưới cào, bắt ốc và hàu bằng tay... Chỉ được thực hiện ở những khu vực rừng ngập mặn có tuổi cây lớn hơn 5 năm. Chặt tỉa cây ngập mặn phục vụ công tác chăm sóc rừng có sự cho phép và được giám sát của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Tấn Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, sau khi một số diện tích rừng ngập mặn được phục hồi, tôm, cua bắt đầu tìm về trú ngụ và sinh sôi nảy nở. Chim chóc cũng kéo về tìm mồi, làm tổ. Nhận thấy được điều này nên người dân càng ra sức bảo vệ khu rừng này.

Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục vận động và hỗ trợ người dân trồng thêm diện tích rừng ngập mặn, kết hợp với rừng phòng hộ để bảo vệ vùng đất của xã đảo. Hiện nay, xã cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Núi Thành tiến hành cắm mốc quy hoạch vùng nuôi tôm tập trung trên đảo rộng 30 héc ta để quản lý vấn đề thu gom, xử lý nước thải từ các ao nuôi; đồng thời, qua đó bảo vệ bền vững diện tích các loại rừng trên đảo không bị xâm hại.

Trước sự biến đổi khí hậu nói chung và sự tàn phá rừng ven biển của người dân địa phương, dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn ở Tam Giang đang đem lại hiệu quả cao trong bảo vệ xói lở đất và hạn chế rủi ro thiên tai. Do đó dự án cần được nhân rộng.

Bài & ảnh:Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phục hồi rừng mập mặn cửa biển Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO