Phù Yên – Sơn La: Gian nan thực hiện tiêu chí môi trường

19/04/2017 00:00

(TN&MT) - Những năm qua, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm.

 Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hiện đạt 85,6%
Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hiện đạt 85,6%

Bộ mặt nông thôn mới nhiều khởi sắc…

Với xuất phát điểm là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, có 27 xã, thị trấn, 9 dân tộc anh em cùng chung sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Thái, huyện Phù Yên bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với rất nhiều khó khăn.

Ông Cầm Văn Chuân, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp, UBND huyện Phù Yên, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Phù Yên cho biết: Khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn huyện có 5 xã chưa đạt tiêu chí nào, các xã còn lại cơ bản mới chỉ đạt 4/19 tiêu chí.

Bởi vậy, làm thế nào để xây dựng nông thôn mới, để đời sống bà con nơi đây thực sự khởi sắc? Đó là vấn đề không hề đơn giản với chính quyền và nhân dân nơi đây.

Để huy động sự vào cuộc của người dân, chính quyền huyện, xã đã trực tiếp đến nhân dân tuyên truyền, hướng dẫn, bàn bạc, trao đổi tháo gỡ khó khăn, kết hợp vận động, động viên nhân dân tự nguyện và quyết tâm thực hiện. Nhờ đó, nhận thức, ý thức tự giác tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực và được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập tiếp tục được triển khai đồng bộ. Nhiều xã, bản đã phát huy được nội lực trong nhân dân. Đặc biệt, từ cuối năm 2015, phong trào thi đua “Phù Yên chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về yêu cầu xây dựng nông thôn mới hiện nay, từ đó tạo sự đồng thuận toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, quan tâm triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua.

Kết quả, đến nay, toàn huyện có 1 xã đạt từ 15-19 tiêu chí; 3 xã từ 10-14 tiêu chí; 22 xã từ 5-9 tiêu chí. Có 03 xã Gia Phù, Huy Hạ, Mường Cơi phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, trong đó, tới thời điểm này, xã Gia Phù đạt 15/19 tiêu chí, tăng 4 tiêu chí so với năm 2015, nỗ lực hoàn thành 19 tiêu chí vào cuối năm 2017.  Xã Huy Hạ đạt 14/19 tiêu chí, tăng 5 tiêu chí so với năm 2015. Xã Mường Cơi đạt 10/19 tiêu chí, tăng 3 tiêu chí so với năm 2015.

Phù Yên đang gặp khó trong xử lý chất thải rắn trên địa bàn.
Phù Yên đang gặp khó trong xử lý chất thải rắn trên địa bàn.

“Trắng” xã đạt chuẩn môi trường

Thế nhưng, trong số các tiêu chí, riêng về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, huyện Phù Yên hiện vẫn đang “trắng” xã đạt chuẩn.

Để thực hiện tiêu chí môi trường, huyện Phù Yên đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh vận động nhân dân làm nhà tiêu, hố rác, thu gom chất thải rắn, tạo cảnh quan từ nhà ra đường và các công trình công cộng; tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm sản và quản lý hướng dẫn thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh không gây chất thải ô nhiễm, không lạm dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật; tích cực chuẩn bị các điều kiện cho trồng rừng, huy động các lực lượng, nhân dân bảo vệ rừng trong những thời điểm cao điểm của mùa khô.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tổ chức hướng dẫn và thẩm định hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện.

Song, xét riêng từng chỉ tiêu, mới có chỉ tiêu về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đạt 85,6%. Chỉ tiêu chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất – kinh doanh được thu gom xử lý theo quy định là rất khó thực hiện, đa phần rác thải chỉ được cho vào hố rác của hộ gia đình chứ chưa được xử lý, nhiều xã chưa có điểm tập kết rác thải. Việc sử dụng đất nghĩa trang vẫn phụ thuộc phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu quan tâm đến chôn cất người qua đời mà chưa quan tâm đến vệ sinh môi trường. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch trên địa bàn huyện còn thấp.

Nguyên nhân của tình trạng trên có rất nhiều. Trong đó, một phần do các cấp cơ sở còn thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới chưa cao.

Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới là Chương trình rộng, bao quát nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, trong khi đó nguồn vốn để thực hiện Chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vốn theo Đề án và lộ trình đặt ra.

“Để thực hiện tiêu chí về môi trường, trong thời gian tới phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, các đoàn thể và hệ thống chính trị, song, quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm và sự tham gia của người dân. Do đó, huyện sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chỉ tiêu về môi trường và an toàn thực phẩm” – ông Cầm Văn Chuân, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp, UBND huyện Phù Yên, nhấn mạnh.

Nguyễn Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phù Yên – Sơn La: Gian nan thực hiện tiêu chí môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO