Phú Yên: Nắng nóng đang đe dọa tôm nuôi, cây trồng

20/03/2015 00:00

(TN&MT) - Mới vào đầu mùa hè, song nắng nóng nhiều tháng qua đang đe dọa trực tiếp cây trồng cạn tại các địa phương của tỉnh Phú Yên. Trong khi đó, người nuôi...

 

(TN&MT) - Mới vào đầu mùa hè, song nắng nóng nhiều tháng qua đang đe dọa trực tiếp cây trồng cạn tại các địa phương của tỉnh Phú Yên. Trong khi đó, người nuôi tôm cũng lo lắng sợ độ mặn nước tăng cao, tôm khó lột xác, ảnh hưởng đến năng suất. Nhiều người tỏ ra lo ngại, rất có thể năm nay nắng hạn kéo dài tái diễn, đời sống dân tiếp tục gặp khó khăn.

Hàng ngày, ông Trần Quế phải gánh từng đôi nước từ giếng tự đào để cứu dưa
Hàng ngày, ông Trần Quế phải gánh từng đôi nước từ giếng tự đào để cứu dưa

Nhiều ngày qua, ngoài nhiều diện tích lúa đông xuân bị khô hạn, nông dân các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) đã phải bơm nước từ mương thủy lợi, ao tù, sông suối chống hạn, nhất là cây trồng cạn mới xuống giống như bắp, đậu phộng, dưa các loại… Trong khi đó, hai bên trục đường ven biển qua địa bàn xã An Phú (TP Tuy Hòa) đến các xã An Mỹ, An Phú, An Hòa (huyện Tuy An), nông dân phải gánh từng đôi nước từ những giếng đất tự đào giữa đồng khô cạn hoặc khoan giếng tưới hoa màu đầu vụ.

 

Tại đồng Ô Loan thuộc thôn Tân Hòa, xã An Phú, hiện đã có khoảng 300ha cây trồng, chủ yếu là bắp, dưa, bầu, bí đang có hiện tượng khô héo, tỷ lệ chết cao nếu vài ngày tới trời không mưa. Theo người dân, những năm trước đây, từ tháng Chạp đến thời điểm này có ít nhất 5 đến 6 trận mưa, nhưng năm nay chưa có cơn mưa nào đáng kể. “Các giếng đào giữa ruộng sắp cạn kiệt nước, không thể dùng máy bơm hút. Vì vậy, gần một tháng nay, ngày nào tôi cũng phải múc từng gàu nước, gánh tưới cho khoảng 3.500m2 dưa gang và dưa bơm, cầm cự chờ mưa xuống”, ông Trần Quế ở thôn Tân Hòa thở dài ngao ngán, nói. Cũng theo ông Quế, trước đây, nước từ đập Phú Vang về đến tận đồng Ô Loan, nông dân trồng cây bông vải cho năng suất trung bình khoảng 500kg/sào, thu hơn 6 triệu đồng. Hai năm trở lại đây thời tiết khô hạn, nước không về tới cánh đồng này nữa do mương chưa được bê tông hóa. Vì vậy, bà con chuyển sang trồng các loại hoa màu, nhưng rất bấp bênh vì thường xuyên phải đối mặt với nắng hạn, thiếu nước tưới.

 

Nắng hạn, nguồn nước sinh hoạt tại các địa phương trên đã bắt đầu trở nên khan hiếp. Tại một giếng nước có đường kính khoảng 1,5m nằm giữa ngã 3 đường liên thôn thuộc thôn Tân Hòa, người dân phải ghi dòng chữ lên thành giếng với nội dung “cấm bơm nước, tắm giặt” (cấm bơm nước tưới hoa màu, cỏ và người tắm giặt – PV). Mục đích là để giữ nước cho bò uống vì nguồn nước ngọt tự nhiên tại các cách đồng đã bắt đầu khô cạn.

Giếng nước để dành ưu tiên cho bò uống
Giếng nước để dành ưu tiên cho bò uống

Trong khi đó, ven đầm Ô Loan, hoạt động thả giống nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm thẻ chân trắng cũng chậm 1 tháng so với năm 2014. Theo lý giải của ngư dân ven đầm, năm ngoái, tôm vụ 1 mới thả giống gặp thời tiết lạnh dẫn đến hao hụt cao. Vì vậy, bình quân 10 hồ tôm, chỉ khoảng 3 hồ có lãi, còn lại hòa vốn hoặc thua lỗ, nên năm nay người nuôi thả giống chậm hơn. Tuy nhiên, nếu thời tiết nắng nóng kéo dài làm độ mặn tăng cao, nguồn nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất.

 

Thôn Tân Hòa có hơn 100 hồ tôm, đến thời điểm này mới chỉ có chưa đầy 10 hồ thả giống. Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến khoảng 10 ngày tới, ngư dân sẽ đồng loạt thả giống cho kịp thời vụ. Ônh Nguyễn Văn Lai, chủ hồ tôm rộng 5.000m2 ở thôn Tân Hòa lo lắng: “Tôi mới thả 40 vạn tôm giống được 1 tuần, chi phí hết 70 triệu đồng. Hiện độ mặn của nước trong hồ khoảng 10/1.000 nên không ảnh hưởng đến tôm. Tuy nhiên, nếu nắng nóng kéo dài, độ mặt vượt ngưỡng 25/1.000, tôm sẽ khó lột xác dẫn đến rát thân, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Theo ông Lai, năm nay, người nuôi thả tôm giống thưa hơn mọi năm để giảm chi phí, đề phòng thời tiết diễn biến bất thường và ô nhiễm nguồn nước.

 

Năm 2014, nắng hạn nghiêm trọng làm 187ha lúa vụ đông xuân mất trắng, 576ha lúa hè thu không thể sản xuất, 17.532ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng nặng, tổng thiệt hại gần 200 tỉ đồng. Ngoài huy động tổng lực các phương tiện, nhân lực tại chỗ với chi phí gần 40 tỉ đồng, UBND tỉnh đã cấp tốc phân bổ 10,9 tỉ đồng của Chính phủ hỗ trợ công tác chống hạn. Hiện UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan và địa phương triển khai phương án chống hạn, vận động nhân dân chủ động tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, ao, hồ cứu cây trồng.

 

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước trên các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đang biến đổi chậm. Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông chính ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 25 đến 45%. Tình hình khô hạn và thiếu nước cục bộ xảy ra ở nhiều nơi. Dự báo mùa đông xuân năm 2014-2015 sẽ xuất hiện El Nino, được đánh giá vào khoảng 50 đến 60%; tổng lượng mưa toàn mùa đông xuân ở Trung Bộ có khả năng thiếu hụt từ 10-40% so với trung bình nhiều năm.

 

Bài & ảnh: Phương Nam

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Nắng nóng đang đe dọa tôm nuôi, cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO