Phụ nữ triển khai hàng nghìn mô hình chống rác thải nhựa hiệu quả
(TN&MT) - 5 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã xây dựng, duy trì hơn 9 nghìn mô hình bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa. Trong đó, phổ biến là các mô hình “Phụ nữ không sử dụng túi ni lông”; “Phụ nữ nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần”; “Biến rác thành tiền”; “Phân loại rác thải đầu nguồn”...
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm phong trào "Chống rác thải nhựa" giai đoạn 2018-2023, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức ngày 14/11, tại Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, 5 năm vừa qua, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp phụ nữ, nhằm chung tay thu gom, tái chế, giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa dùng một lần, góp phần bảo vệ môi trường.
Với nhiều cách làm sáng tạo, các cấp Hội chủ động triển khai phong trào gắn với việc thực hiện các chương trình, cuộc vận động, đề án, dự án của Hội, bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt. “Có thể khẳng định rằng, với các hoạt động đa dạng, thiết thực, sáng tạo, cụ thể từ Trung ương đến địa phương, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội; góp phần giảm thiểu những vấn đề môi trường nổi cộm ở địa phương; hỗ trợ các tầng lớp phụ nữ cả nước trong thực hiện tốt hơn quyền và lợi ích của mình, phát huy tốt vai trò của người phụ nữ trong tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, hướng tới các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ” – bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Hội, từ năm 2020, Trung ương đã Hội đầu tư thí điểm thực hiện mô hình “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và chống rác thải nhựa” (5 tỉnh/thành ), mô hình “Phụ nữ sống xanh” tại cộng đồng và tại khu chợ (10 tỉnh/thành) với các nội dung trọng tâm: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội, tuyên truyền viên nòng cốt và ban quản lý khu chợ; phát động và hướng dẫn thực hiện phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ và hộ gia đình cho hội viên phụ nữ, hướng dẫn thực hành xử lý rác thải hữu cơ.
Mô hình đã giúp hội viên, phụ nữ và cộng đồng nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi về giảm thiểu túi ni lông và rác thải nhựa một lần khi đi chợ; thực hiện phân loại và xử lý rác thải hữu cơ, tích cực trồng cây xanh, xây dựng các tuyến đường hoa. Sự lan tỏa hành động tích cực hạn chế sử dụng túi ni lông của người đi chợ và tiểu thương đều thể hiện rõ nét đặc biệt vào các “Ngày cuối tuần xanh”.
Trong quá trình thực hiện, Trung ương Hội đã phối hợp với các chuyên gia thử nghiệm bộ công cụ đánh giá mức độ sử dụng túi ni lông tại các chợ của tiểu thương và người đi chợ để có những đánh giá bước đầu hiệu quả từ việc hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi chợ. Các số liệu về mức độ sử dụng túi ni lông của người đi chợ và tiểu thương cơ bản tại một số địa phương thông qua hoạt động thống kê, giám sát đều giảm và quy đổi ra lượng phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính cho thấy lượng khí CO2 giảm. Điều này cho thấy, tác động từ các hoạt động mô hình đã góp phần giúp cả tiểu thương, người đi chợ cùng nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen hàng ngày để chung tay BVMT.
Ở các địa phương, các cấp Hội đã kế thừa, thành lập các mô hình mới, sáng tạo hưởng ứng phong trào. Theo báo cáo của 41 tỉnh, thành, đơn vị, tổng số mô hình BVMT, chống rác thải nhựa do Hội chủ trì là 9.153 mô hình. Điển hình như: Mô hình 3R và mô hình “Thu gom bia đã qua sử dụng”, mô hình “3 có” (Đà Nẵng); mô hình “3S, 3 C, 3 T” và mô hình “Phân loại và xử lý rác thải gắn với vườn rau dinh dưỡng, xây xanh tại hộ gia đình” (Đắk Nông); “Mái nhà xanh”, “Mỗi hố rác, một cây xanh”, “Xách giỏ đi chợ”, “Phụ nữ với phong trào chống rác thải nhựa”, “Phân loại rác thải tại nguồn”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng rác thải nhựa” (Bình Định); mô hình “Từ gom phế liệu đến triệu phần quà”, “Đổi rác lấy cây”, “Dùng làn nhựa thay thế túi ni lông” (Thanh Hóa); 18 mô hình: “Đường hoa từ nhựa tái chế”, “Nhà sạch, vườn đẹp”; “Thu gom phế liệu BVMT”, “Phân loại rác thải tại nguồn”, “Biến rác thải thành con giống” (Hòa Bình)… Qua đó, góp phần thu gom, xử lý 85.407 tấn rác.
Song song với việc thành lập, duy trì các mô hình, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi/tổ phụ nữ, nhiều địa phương tổ chức tặng làn, túi đi chợ, bình thủy tinh, cặp lồng inox, xô/thùng đựng rác…; tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ, người tiêu dùng, người bán hàng sử dụng các sản phẩm như làn mây, tre, cói, lá và các vật dụng dễ tiêu hủy; giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi ni lông... Ngoài ra, các thành viên trong chi hội giám sát lẫn nhau và tuyên truyền vận động người thân, gia đình, hàng xóm cùng nhau tham gia thực hiện mô hình.
Các mô hình chống rác thải nhựa tại cộng đồng không chỉ góp phần hiệu quả thực hiện BVMT, chống rác thải nhựa mà còn có ý nghĩa hỗ trợ các cấp Hội thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Tiêu biểu, thông qua các mô hình phụ nữ thu gom phế liệu để bán gây quỹ thăm hỏi hội viên, phụ nữ và đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, theo số liệu của 45/65 tỉnh, thành, đơn vị, các cấp Hội đã gây được nguồn quỹ 5,7 tỷ đồng và trao tặng học bổng, bảo hiểm y tế cho hàng chục nghìn phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Nhìn chung, các mô hình đã tạo sự lan toả trong cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức hướng tới chuyển đổi hành vi cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường; chia sẻ các sáng kiến, giải pháp của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng về chống rác thải nhựa, khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống hàng ngày.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Hội Phụ nữ một số địa phương đã có chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình, giải pháp, nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động quản lý rác thải nhựa... Hội nghị cũng đã tuyên dương 64 cá nhân và 65 tập thể đã có những thành tích xuất sắc trong phong trào "Chống rác thải nhựa" giai đoạn 2018 - 2023.