Phóng sự: Mai đây rừng xanh còn bóng dược liệu?

21/10/2014 00:00

(TN&MT) - Trong mấy năm trở lại đây, nhiều khu rừng tại các huyện miền Tây xứ Nghệ đang bị người dân tàn phá để tận thu dược liệu đem bán.

   
(TN&MT) - Trong mấy năm trở lại đây, nhiều khu rừng tại các huyện miền Tây xứ Nghệ đang bị người dân tàn phá để tận thu dược liệu đem bán. Tình trạng trên diễn ra tràn lan nhưng ngành kiểm lâm đành “bó tay” vì chưa có chế tài xử lý...
   
Đa dạng loại dược liệu
   
  Nói về sự đa dạng, phong phú về hệ động thực vật ở các cánh rừng Miền Tây Nghệ An thì khó có nơi nào sánh bằng. Còn nhớ những năm trước, các thương lái Trung Quốc thu mua một số loại dược liệu khá quen thuộc với cái giá rất “bèo” như hạt sa nhân, tuyết nhung, sâm rừng...đã khiến cho các cánh rừng ở các huyện miền núi Nghệ An bị một phen chao đảo bởi hàng ngày có hàng nghìn lượt người vào rừng để khai thác các loại dược liệu này đem bán. Sự đa dạng về hệ sinh thái thực vật cứ thế giảm dần...
   
  Sau khi các loại dược liệu này cạn kiệt dần, những năm gần đây thương lái lại chuyển hướng sang thu mua nhiều loại mới với chủng loại ngày càng đa dạng. Có thể kể đến các loại cây có dược tính cao như củ ba mươi, máu chó, hoàng đằng, chua ke, quả bo bo, thiên niên kiện...chính vì sự săn lùng gắt gao của các thương lái với giá thu mua ngày càng cao nên người dân ở các huyện miền núi đã không ngần ngại “xới tung” từng mét một những khu rừng già để “tận diệt” các loại cây dược liệu đem bán.
   
   
Dược liệu được tập kết và phơi khắp nơi
   
   
  Có mặt tại QL 7A, đoạn qua thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông), cảnh tượng đường QL biến thành sân phơi, nơi tập kết các loại dược liệu đã trở nên quá quen thuộc với người dân huyện miền núi cáo này. Chị Đinh Kiều Trinh, ỏ Khối 7, thị trấn Con Cuông, tiết lộ: “Từ mấy năm gần đây tình trạng khai thác, thu mua cây dược liệu đã trở nên quá phổ biến ở phố huyện chúng tôi. Hầu hết dược liệu đều được thu mua ở các xã vùng sâu như Môn Sơn, Lục Dạ, Chi Khê, Bình Chuẩn, Thạch Ngàn...với giá rẻ nhưng số lượng lớn. Trung bình mỗi ngày những cơ sở thu mua tại thị trấn này mua được hàng chục tấn”. Thử nhẩm tính theo lời chị Trinh có thể thống kê sơ bộ với hàng chục cơ sở thu mua tại huyện Con Cuông thì hàng ngày có đến hàng trăm tấn dược liệu quý bị triệt hạ.
   
  Ghé thăm một cơ sở thu mua ở cuối thị trấn Con Cuông (nằm ngay sát cổng vào Vườn Quốc gia Pù Mát), đập vào mắt PV là những đống dược liệu chất cao vút, xe máy, xe tải nườm nượp vào ra, người mua, kẻ bán rất tấp nập. “Tôi mở cơ sở thu mua này đã 3 năm nay, thu mua đủ loại cây từ cây máu chó, quả bo bo, thiên niên kiện, lá chua ke...trước đây mỗi ngày mua được hàng chục tấn với giá rẻ nhưng nay mỗi ngày chỉ được dăm bảy tấn nhưng giá cao hơn nhiều vì dược liệu giờ đã hiếm rồi” – Chị M, chủ cơ sở, cho biết.
   
  Cũng theo tiết lộ của chị M thì chủng loại dược liệu mà thương lái người miền Bắc thu mua càng ngày càng đa dạng. Mấy năm trước chỉ mua một số loại phổ biến như hạt sa nhân, máu chó, thiên niên kiện... nhưng nay đã mua thêm những loại cây lạ khác như lá chua ke, củ cu li, củ quành, quả mây...
  “Cứ cạn kiệt loại dược liệu này thì thương lái đầu nậu lại yêu cầu thu mua loài khác khá mới nên chúng tôi nhiều khi cũng không biết được” – Chị M tiết lộ thêm.
   
Mất dược liệu quý vì cái lợi nhỏ
   
  Hiện nay, hầu khắp các huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong...ở đâu người dân cũng vào rừng lùng sục dược liệu để bán. Tuy nhiên, người dân trực tiếp đi khai thác cũng như thương lái người bản địa đều không hiểu người ta thu mua các loại cây dược liệu này với mục đích gì. Chỉ biết chung chung là mua về làm thuốc!
   
  Anh Vi Văn Xuân, một chủ thu mua lá cây chua ke ở xã Châu Hoàn (huyện Quỳ Châu), cho biết: “Mình nhận làm đại lý thu mua dược liệu cho một người tên Bắc ở Quảng Ninh. Thường thì khoảng 2 tuần người này cho người đưa xe ô tô tải vào gom hàng. Chủng loại hàng trước đây khá đa dạng nhưng nay đã cạn kiệt, thời gian gần đây họ lại yêu cầu thu mua lá cây chua ke và quả mây...nhưng thú thục tôi không hiểu họ mua làm gì?”.
   
   
Phóng viên báo TN&MT bên đống lá chua ke sau khi được phơi khô chuẩn bị đem bán
   
  Ông Lô Văn Quân, người ở xã Quang Phong (huyện Quế Phong), một trong những người sống chủ yếu bằng nghề rừng, cho hay: “Mỗi ngày gia đình tôi với 4 lao động chính vào rừng từ sáng sớm để hái lá chua ke. Loại này là cây thân gỗ nên để hái được chúng tôi thường chặt tận gốc xong mới hái. Khi họ mới thu mua, mỗi ngày gia đình hái được hàng mấy tạ, với giá tươi 3.000 đồng/kg thì mỗi ngày kiếm được cả triệu đồng”.
   
  Được biết, những người dân vào rừng săn dược liệu lúc đầu chủ yếu vào các cánh rừng sản xuất hay khu đệm của các rừng phòng hộ, vườn quốc gia. Thế nhưng càng ngày nguồn cây dược liệu càng cạn kiệt, cứ thế họ lấn vào tận vùng lõi của các rừng phòng hộ, thậm chí là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên để phá rừng tìm dược liệu. Vì thế, ngoài nguồn dược liệu ở các khu rừng cấm bị săn hái vô tội vạ thì một số lượng lớn cây thân gỗ, cây rừng...cũng vì thế mà bị tàn phá theo. Những vùng rừng đặc dụng như Vườn Quốc gia Pù Mát; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt...đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi nạn săn dược liệu trái phép.
   
Khó xử lý do chế tài
   
  Trước đây việc quản lý, cấp phép cho người dân khai thác các loại lâm sản phụ (trong đó có dược liệu) thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện nên số lượng người đi khai thác dược liệu không nhiều. Nhưng từ khi thông tư số 35 (ngày 20/5/2011) của Bộ NN&PTNT có hiệu lực, việc cấp phép khai thác dược liệu thuộc về UBND cấp xã với cơ chế thông thoáng hơn. Người dân chỉ cần lập bản dự kiến sản phẩm khai thác, bản đăng ký khai thác lâm sản phụ rồi nộp về UBND xã. Sau đó, UBND xã rà soát các loại lâm sản phụ bà con đăng ký khai thác.
   
   Nếu các loại lâm sản phụ này không thuộc danh mục cấm khai thác, UBND xã phải cấp phép cho người dân vào rừng khai thác lâm sản phụ như đã đăng ký. Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn thường quen khai thác tự do, mạnh ai náy làm chứ hầu hết không hề xin ý kiến của cơ quan chức năng. Đặc biệt, hiện nay ngành chức năng chưa có chế tài xử phạt và cách quản lý hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng bà con khai thác dược liệu quá mức, tận thu, tận diệt, ảnh hưởng đến an ninh rừng tự nhiên.
   
   
Hàng tấn dược liệu tập kết tại cổng chợ xã Tan Thái (huyện Tương Dương)
   
  Ông Lê Xuân Đình – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quỳ Châu, cho biết: “Hiện nay việc khai thác lâm sản phụ, trong đó có dược liệu diễn ra ở hầu khắp các xã của huyện. Tuy nhiên, nhiều nhất phải kể đến các xã vùng trong như Châu Phong, Châu Hoàn, Diễn Lãm, Châu Nga...Việc khai thác ồ ạt quá mức đã khiến cho nhiều loại trở nên cạn kiệt, tuy nhiên để ngăn chặn tình trạng trên cũng là vấn đề hết sức khó khăn đối với ngành chức năng”.
   
  Theo ông Trần Xuân Cường – Phó giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát thì tình trạng khai thác dược liệu trong khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát là có thật nhưng cũng khó xử lý. “Việc người dân khai thác các loại cây dược liệu trên địa bàn để bán lại cho thương lái diễn ra trong thời gian qua là có thật. Chúng tôi đang tìm cách kiềm chế tình trạng này, nhưng về mặt pháp lý, đây là lâm sản phụ, do chưa có chế tài nào xử phạt nạn khai thác loại lâm sản này nên nếu có bắt về thì cũng phải thả. Do vậy, dù biết đây là hiểm họa khó lường, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái nhưng ngành kiểm lâm cũng đành để người dân tận diệt và thương lái tận thu. Nếu quá trình họ vào khu vực chúng tôi quản lý mà có dấu hiệu làm tồn hại đến Vườn thì mới xử lý theo hình thức khác được” – Ông Cường, nhấn mạnh.
   
  Trao đổi với PV, ông Lê Cao Bính – Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Nghệ An cũng cho biết những khó khăn của ngành do chế tài xử lý về khai thác dược liệu: “Muốn xử lý nạn khai thác lâm sản phụ đang diễn ra tràn lan ở các huyện miền núi như hiện nay thì phải chờ đợi Nghị định mới ra đời, khi đó có thể xử lý; còn Nghị định 99 trước đây không có chế tài để xử phạt nạn khai thác lâm sản phụ. Hơn nữa, đặc thù của người dân miền núi là sống dựa vào rừng nên muốn họ không vào rừng khai thác lâm sản phụ cũng như lâm sản trái phép thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành, các cấp. Trong đó đặc biệt là tạo công ăn việc làm tại chỗ ổn định cho bà con”.
   
  Trước những gì chứng kiến về tình trạng khai thác dược liệu ồ ạt rồi đem bán thô với giá rẻ mạt, không ít người đã vô cùng xót xa, tiếc nuối. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để hạn chế và ngăn chặn tình trạng trên đang là một bài toán quá khó.
   
  Và, ngày rừng xanh sạch bóng dược liệu quý chắc đã đến gần?
   
Phạm Tuân
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phóng sự: Mai đây rừng xanh còn bóng dược liệu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO