Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi: Yên Bái chủ động triển khai các nhóm giải pháp

07/03/2019 20:33

(TN&MT) – Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với ông Trần Đức Lâm  - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái để thông tin về cách thức triển khai phòng chống tại địa phương này.

Ông Trần Đức Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái
Ông Trần Đức Lâm  - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái

PV: Thưa ông! Ông có thể cho biết tính chất nguy hiểm và mức độ lây lan của dịch tả lợn Châu Phi đối với người và gia súc?

Ông Trần Đức Lâm: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, bệnh xuất xứ từ Châu Phi. Bệnh đã xuất hiện tại Việt Nam từ ngày 17/2/2019 và đến nay đã xuất hiện tại 9 tỉnh thành: Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình và Điện Biên.

Theo tài liệu của tổ chức Thú y thế giới và các khuyến cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), loại bệnh này chưa có vắc xin phòng và chưa có thuốc đặc hiệu, do đó lợn mắc bệnh chết 100%. Chính vì vậy mà rất khó cho cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành tham mưu là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay chúng tôi cũng thống nhất ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của ngành Thú y cấp trên.

Thứ nhất, tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp, phải làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, diệt côn trùng, hạn chế người đi vào khu vực chăn nuôi và phải rắc vôi bột xung quanh chuồng trại. Người dân cần phải thực hiện ngay, đây cũng chính là biện pháp để người chăn nuôi có thể tự cứu lấy đàn gia súc của mình.

Thứ hai, Trong các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì có 3 loại bệnh cần phải tổ chức tiêm phòng ngay trong đợt này: Dịch tả lợn cổ điển, bệnh tụ huyết trùng và bệnh lở mồm long móng. Cần phải tiêm phòng ngay đối với những loại bệnh này với mục đích để tăng sức đề kháng cho đàn lợn để đàn lợn có thể chống trọi được nếu có dịch bệnh xảy ra.

Thứ ba, không nhập lợn và sản phẩm thịt lợn đưa vào thị trường, kể cả lợn nuôi tái đàn.

Mặt khác, cần quản lý các loại xe ô tô và các loại xe khách du lịch từ tỉnh khác đến. Tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ xử lý vùng, lập các chốt kiểm dịch nếu có nguy cơ cấp bách đối với tỉnh Yên Bái, phải lập ngay trạm phun tiêu độc khử trùng để hạn chế các mầm bệnh có thể đi vào tỉnh.

PV: Người dân có thể dựa vào những dấu hiệu nào để có thể nhận biết dịch bênh này? Thưa ông!

Ông Trần Đức Lâm: Lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh dịch tả lợn cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam). Do đó, việc chuẩn đoán dịch bệnh khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng; cần phải lấy mẫu gửi về phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút dịch tả lợn Châu Phi.

Khi lợn ở thể quá cấp tính là do vi rút có độc lực cao, khiến lợn chết nhanh, không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc lợn nằm và sốt cao trước khi chết. Tính chất bệnh dịch tả lợn Châu Phi này rất nguy hiểm đối với đàn lợn vì khi mắc bệnh khiến lợn chết 100% và không có thuốc chữa. Rất may là dịch bệnh này không lây sang người nên người tiêu dùng cũng yên tâm.

PV: Khi phát hiện dịch bệnh, người dân cần phải làm gì thưa ông?

Ông Trần Đức Lâm: Người chăn nuôi khi có những con lợn ốm, nghi mắc bệnh cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Hiện nay chúng tôi có lực lượng phản ứng nhanh của Sở, có lực lượng thú y của tỉnh sẽ đến để lấy mẫu bệnh gửi về các phòng thí nghiệm để xét nghiệm.

Hiện tại chúng tôi đã có những biện pháp cụ thể khi phát hiện dịch bệnh: Cần phải khoanh vùng, nếu có kết quả dương tính với dịch tả lợn Châu Phi, tiến hành tiêu hủy ngay lập tức trong phạm vi 24 giờ, tiêu hủy những đàn lợn trong ổ dịch và những đàn lợn xung quanh. Đồng thời bao vây, lập chốt kiểm dịch và phun tiêu độc khử trùng và định kỳ theo hướng dẫn của Bộ.

PV: Nếu trong trường hợp xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi thì số đàn lợn bị tiêu hủy là 100%, vậy người dân có được hỗ trợ không?

Ông Trần Đức Lâm: Hiện tỉnh Yên Bái chưa có dịch tả lợn Châu Phi nên chưa có trường hợp nào phải hỗ trợ. Còn theo Nghị định 02 của chính phủ về hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất khi bị thiên tai thì quy định đối với đàn lợn là 38.000 đồng/kg lợn hơi. Tuy nhiên, tại cuộc hợp trực tuyến ngày 4/3/2019 vừa qua, Thủ tưởng chính phủ đã chỉ đạo, sẽ xem xét hỗ trợ cho người dân 80% so với giá thị trường. Tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện theo đúng nghị định, quy định của chính phủ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi: Yên Bái chủ động triển khai các nhóm giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO