Sáng 16/9 tại thành phố Pleiku, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã làm việc với tỉnh Gia Lai về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển hợp tác xã và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp theo các Nghị quyết của Trung ương.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, địa phương này có 12.039 ha cao su trồng trên đất rừng tự nhiên nghèo kiệt bị chết và kém phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi cây trồng vào giữa năm 2018.
Bộ NN&PTNT hướng dẫn nếu chuyển sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp khác thì phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, đồng thời thực hiện việc trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định.
UBND tỉnh Gia Lai cho biết trong điều kiện hiện nay các doanh nghiệp trồng cao su gặp nhiều khó khăn về tài chính khi phải đầu tư trồng, chăm sóc một thời gian dài không có nguồn thu, nay phải tiếp tục đầu tư chuyển đổi cây trồng, trồng rừng thay thế gấp 3 lần diện tích chuyển đổi mục đích đất sử dụng (theo quy định tại Luật lâm nghiệp năm 2017) nên chưa đơn vị nào triển khai được.
Hiện nay trong diện tích đất rừng này, có doanh nghiệp xin chuyển một phần diện tích sang đầu tư điện mặt trời, điện gió. Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung các dự án điện mặt trời, điện gió vào quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nêu quan điểm cá nhân rằng rất khó chuyển diện tích đất này sang điện mặt trời, điện gió vì Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư và chương trình hành động của Chính phủ không cho phép. Còn chuyển sang trồng cây công nghiệp khác thì Bộ NN&PTNT phải có báo cáo cụ thể về tiêu chuẩn đánh giá, tính toán được khối cây chết, khối lượng gỗ nghèo kiệt,...trên diện tích này.
Bí thư tỉnh uỷ Gia Lai Dương Văn Trang cho biết: “Hơn 12.000 ha đất rừng tự nhiên nghèo kiệt trồng cao su kém hiệu quả này giờ là đồng cỏ chứ không phải rừng nữa. Rất lãng phí trong sử dụng đất đai. Gia Lai mong Chính phủ tháo gỡ vì đây là trường hợp đặc thù”.
Cũng vì diện tích rừng cao su nghèo kiệt chưa được chuyển đổi trồng cây khác được nên công trình thuỷ lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông được đầu tư gần 3.000 tỷ đồng đi vào hoạt động rồi mà chưa tưới được cho 7.000 ha đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Vẫn theo ông Dương Văn Trang: “4.000 ha đất của Đắk Lắk nhận nước từ Ia Mơr đã được chuyển đổi cây trồng rồi. Nhưng diện tích đất thuộc 3 xã biên giới của Gia Lai có 100% đồng bào dân tộc rất nghèo, trông chờ thuỷ lợi xong mà không tưới được vì cây cao su không hiệu quả trong khi chưa được chuyển sang cây khác”.
Ông Trang cũng thừa nhận “lỗi” cũng là của Gia Lai do chưa đưa diện tích 12.000 ha này vào quy hoạch đất giai đoạn 2016- 2020, nên tỉnh sẽ xúc tiến đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021- 2025 và đề nghị Chính phủ hỗ trợ.
“Diện tích đất cần trồng rừng của tỉnh vẫn còn lớn, nên nhà đầu tư nào chuyển đổi sang cây trồng khác hay đầu tư điện tái tạo ở vùng đất hoàn toàn có thể trồng rừng bù thay thế ở khu vực khác”, ông Dương Văn Trang nói.
Về việc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo đã ban hành của lãnh đạo Chính phủ, chủ trì phối hợp các bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, NN&PTNT,... phối hợp báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng chậm nhất trong tháng 10/2019 để Thường trực Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ xử lý để bổ sung quy hoạch điện năng lượng tái tạo quốc gia cho Gia Lai. Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ báo cáo chi tiết việc chuyển đổi cây trồng và xử lý vùng tưới tiêu cho công trình thuỷ lợi Ia Mơr.
Về tình hình chung của Gia Lai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của Gia Lai trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, sắp xếp, đổi mới hoạt động các công ty nông lâm nghiệp...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương đầu tư xây dựng quy hoạch phát triển các ngành hàng, khu vực kinh tế và cập nhật để phù hơp với quy hoạch vùng và quốc gia, tiếp tục sắp xếp đất đai của các nông lâm trường, nhanh chóng xây dựng phương án sử dụng đất nông lâm trường thu hồi và giao cho dân sử dụng; quan tâm phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển doanh nghiệp,...
Nhằm triển khai các dự án hạ tầng quan trọng và các dự án phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Gia Lai sớm xây dựng hồ sơ dự án để trình các cấp có thẩm quyền quyết định đưa vào chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai quan tâm thực hiện tổng kết và đề xuất các giải pháp để Trung ương và Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hợp tác và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp trong thời gian tới.