Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về xây dựng Chính phủ điện tử, quản lý mạng xã hội…

17/11/2017 00:00

(TN&MT) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 17/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, quản lý mạng xã hội, an toàn, an ninh mạng...

Đối với công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Có 3 nhóm tiêu chí chủ yếu là hạ tầng, nguồn nhân lực nói chung và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Phó Thủ tướng cho rằng, cả ba mặt này đều còn nhiều hạn chế và cần phải làm tốt hơn.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 17/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu. Ảnh: Quốc Khánh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 17/11. Ảnh: Quốc Khánh

Về dịch vụ công trực tuyến, Phó Thủ tướng cho biết: Chính phủ, Thủ tướng đã rất quyết liệt, giao  nhiệm vụ từng bộ phải có số liệu cụ thể dịch vụ công phải cung cấp ở cấp độ 4. Đây không chỉ liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin mà cả thanh toán điện tử, hoá đơn điện tử và là thước đo tổng thể của cải

Tính đến tháng 7/2017, cả nước có 109.644 dịch vụ công, trong đó 95% nằm ở từ cấp tỉnh, các bộ là 5%.

Mặc dù đã giao kế hoạch rất cụ thể nhưng đến tháng 7/2017 mới có 1% số dịch vụ công ở cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, 5% cấp độ 3.

Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp 4 ở các bộ cũng dao động khác nhau như Bộ Tài chính có tới 26%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 2%, Bộ LĐTB&XH chỉ có 0,4%.

cách hành chính.

Công nghệ thông tin là công cụ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử nên cần xác định quyết tâm, nhiệm vụ chính trị cụ thể. Đây không chỉ là vấn đề biên chế, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp mà quan trọng hơn hết là công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng…

Để phát huy hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến, Phó Thủ tướng cho rằng điều quan trọng hàng đầu là phải vượt qua tâm lý ngại dùng công nghệ hiện đại sẽ mất quyền kiểm soát và khi công khai, minh bạch sẽ bị giám sát. Bộ phận kỹ thuật thì cần khắc phục tâm lý cục bộ, không liên thông, chia sẻ dữ liệu; muốn tự làm hết từ mua máy tính đến phần mềm khi triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

“Chính phủ từ hai năm nay đã rất quyết liệt, đầu tiên là khuyến khích, tới đây là bắt buộc thuê dịch vụ công nghệ thông tin khi triển khai dịch vụ công trực tuyến. Chính phủ yêu cầu các địa phương, bộ ngành phải báo cáo cụ thể đã làm bao nhiêu dịch vụ công trực tuyến trong một năm…” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, bộ ngành phải căn cứ vào dịch vụ công sẽ triển khai để thuê dịch vụ, không nên tự làm, tự lập lên những cơ sở dữ liệu riêng biệt, nằm nguyên đó rất lãng phí.

Phát biểu về quản lý báo chí, mạng xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tinh thần chung của Chính phủ là tạo điều kiện phát triển mạnh nhưng đi đôi với quản lý thật tốt. Cụ thể, theo Phó Thủ tướng, chúng ta cần phát huy những điểm tốt, cương quyết ngăn chặn những điểm chưa tốt theo đúng pháp luật, xu thế thế giới, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Nêu những con số: Hiện trên thế giới có 52% trong số 7,5 tỷ người dùng mạng Internet và 42% dùng mạng xã hội. Ở Việt Nam hiện có 67% số người dùng Internet và 60% dùng mạng xã hội. Đáng chú ý các công ty nước ngoài chiếm thị phần từ 80-98%... Phó Thủ tướng phân tích: Ở nhiều nước như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc…, việc quản lý mạng xã hội được đặt ra và thực hiện từ nhiều năm nay cả về công cụ pháp luật, biện pháp kỹ thuật cũng như có các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội khác.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các Đại biểu bên hành lang Quốc hội chiều 17/11. Ảnh: Quốc Khánh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các Đại biểu bên hành lang Quốc hội chiều 17/11. Ảnh:Quốc Khánh

“Điều quan trọng cuối cùng là tuyên truyền cho người dân về những nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng mạng xã hội. Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết, dứt khoát về vấn đề này phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, các cam kết của Việt Nam bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, phát triển văn hoá, con người Việt Nam, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Không được xuyên tạc, gieo rắc những thông tin đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước và văn hoá của Việt Nam” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phát biểu về công tác an toàn, an ninh thông tin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là một vấn đề rất lớn bởi chúng ta không thể không ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng nếu không bảo đảm an toàn, an ninh thì sẽ nguy hại rất lớn...

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta có chủ quyền quốc gia về an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng và phải giữ chủ quyền này. Phó Thủ tướng cũng một số biểu hiện vi phạm chủ quyền không gian mạng như thông tin bôi nhọ, nói xấu; lộ lọt bí mật, lấy mất thông tin; phá hoại thông tin, hệ thống điều hành; chiếm quyền kiểm soát hệ thống; nguy hiểm nhất là “đội quân mã độc” đang nằm trong hàng triệu máy tính ở Việt Nam.Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề phải mất nhiều năm mới xử lý được, nhưng nếu chúng ta không ý thức từ bây giờ sẽ vô cùng nguy hiểm. Do vậy cần phải có những công cụ, lực lượng để thực hiện. Xây dựng hệ thống cảnh giới đến từng giây, thậm chí từng phần nghìn của giây. Và khi có sự cố xảy ra phải có khả năng ứng phó, khôi phục lại hệ thống khi bị tấn công…

Phó Thủ tướng cho rằng nhận thức về mối nguy hại của mặt trái công nghệ thông tin là vô cùng quan trọng nhưng đi kèm với đó là năng lực ứng phó với các cơ cấu, quy định phải rất rõ ràng, cụ thể khi việc xử lý trong thời gian rất ngắn. Khi ứng phó sự có an toàn, an ninh thông tin ngoài yêu cầu toàn vẹn, bí mật thì phải truy được trách nhiệm, dấu vết.

Cuối phần phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin”.

Việt Hùng(lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về xây dựng Chính phủ điện tử, quản lý mạng xã hội…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO