Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời chất vấn chiều 7/11. Ảnh: Quốc Khánh |
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới chế độ công vụ, công chức là chủ trương lớn, quan trọng được đề cập trong các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW, số 26-NQ/TW và số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền….
Mục tiêu, quan điểm xuyên suốt là xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, cấp chính quyền, thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu lực của bộ máy chính quyền các cấp. “Công tác này nhận được sự quan tâm của Quốc hội và cử tri cả nước” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực trong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức hành chính nhà nước và cải cách chế độ công vụ, công chức theo các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Những kết quả tích cực nổi bật đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã báo cáo với Quốc hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình tổ chức thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc. Chính phủ cũng đã nắm được và đang từng bước có giải pháp xử lý.
Nhấn mạnh đến công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính nhà nước là nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các việc sau:
Ban hành các văn bản về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và công vụ, công chức để thể chế hóa chủ trương của Đảng, các Luật mới sẽ được Quốc hội thông qua; trong đó đặc biệt lưu ý những vấn đề mà đại biểu đã nêu như: về văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng, xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ, xử lý cán bộ sau khi nghỉ hưu, sắp xếp cán bộ dôi dư do tinh giản biên chế, về vị trí việc làm, chính sách đặc thù, phù hợp đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số, phương thức thi nâng ngạch công chức,…
Chỉ đạo các Bộ, ngành không quy định việc thành lập tổ chức trong các văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Nhân đây, Chính phủ đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ để triển khai thống nhất chủ trương này;
Tiếp tục rà soát, sắp xếp thu gọn đầu mối tổ chức của các cơ quan, bố trí số lượng cấp phó phù hợp. Đối với việc thí điểm hợp nhất các Sở ở địa phương, căn cứ ý kiến của các cơ quan, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, khả thi, thận trọng trong công tác sắp xếp tổ chức và bố trí cán bộ;
Đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII gắn với nâng cao chất lượng và thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Chỉ đạo các Bộ hoàn thiện định mức biên chế giáo dục, y tế cho phù hợp với thực tế;
Rà soát, ban hành Nghị quyết của Chính phủ đẩy mạnh phân cấp quản lý theo ngành, lĩnh vực giữa trung ương và địa phương. Tới đây, Chính phủ mong Quốc hội tiếp tục quan tâm, kịp thời xem xét, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định trong các văn bản luật tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện phân cấp;
Thực hiện có hiệu quả tinh giản biên chế. Quan tâm công tác cán bộ khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư; Riêng khối giáo dục và y tế, để thực hiện nghiêm Nghị quyết 19-NQ/TW, bảo đảm nguyên tắc đáp ứng dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho xã hội, “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, có bệnh nhân phải có cán bộ y tế”, đã bổ sung giáo viên mầm non cho các tỉnh có mức tăng dân số cơ học cao và các tỉnh Tây Nguyên. Các địa phương còn lại vẫn thiếu biên chế, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ và địa phương để giải quyết.
Đối với các cấp học khác, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về sắp xếp, giảm đầu mối đơn vị, rà soát, sửa đổi quy định về định mức, bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Các địa phương còn chỉ tiêu biên chế thực hiện tuyển dụng các trường hợp đã ký hợp đồng trước năm 2015, đã đóng bảo hiểm xã hội;
Chấn chỉnh các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm đề bạt người thiếu tiêu chuẩn, sai quy trình, người nhà; làm đúng chức trách của người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, phát hiện và xử lý vi phạm;
Tăng cường trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong công tác đánh giá cán bộ, bảo đảm thực chất, tạo cơ sở thực hiện tinh giản biên chế, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tránh ý kiến trái chiều trong dư luận và xã hội về kết quả đánh giá…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phân tích: Những vấn đề về sắp xếp tổ chức bộ máy, về tinh giản biên chế theo hướng thu gọn đầu mối là vấn đề động đến tổ chức, con người và rất phức tạp.
Trong quá trình thực hiện phải giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại, đã tồn tại một thời gian dài nên Chính phủ xác định phải làm từng bước, thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật, nhưng đồng thời phải hợp tình, hợp lý, cá biệt có những vấn đề phải hợp đạo lý.
Chính phủ đang có những chủ trương giải quyết phải vừa đạt được yêu cầu các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, vừa không tạo ra những vấn đề xã hội bức xúc, ví dụ giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng, sắp xếp cán bộ dôi dư, vấn đề sáp nhập một số cơ quan…
“Sắp xếp cải tiến bộ máy, tinh giản biên chế không phải là vấn đề mới, trong các giai đoạn phát triển của đất nước chúng ta đã tiến hành một số lần nhưng vấn đề này chưa bao giờ là dễ dàng. Chính phủ xác định đây là vấn đề khó khăn phức tạp nên phải có bước đi phù hợp, thận trọng. Rất mong các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.