Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu 6 nội dung lớn phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hải Ngọc (lược ghi)| 10/11/2020 19:19

(TN&MT) - Ngày 10/11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trả lời đại biểu Quốc hội về chính sách phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: chinhphu.vn

Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc trong tình hình mới

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Vương Ngọc Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) về sự quan tâm đối với chính sách phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm, đặc biệt quan tâm và đã có Kết luận số 65 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều sự đầu tư lớn nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội đồng bào dân tộc và miền núi, nhưng so với nguyện vọng của đồng bào cũng như so với yêu cầu thì chưa đáp ứng được.

Đđể tiếp tục thực hiện kết luận của Bộ Chính trị cũng như nghị quyết Trung ương, Phó Thủ tướng cho biết: Chính phủ dự kiến trình một dự án luật về đồng bào dân tộc và miền núi, nhưng sau thấy sẽ rất lâu và khó khả thi, nên đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thống nhất xây dựng một đề án.

Từ đề án này trình Quốc hội thì Quốc hội đã thông qua bằng Nghị quyết số 88 về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số và miền núi. Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết số 12 để triển khai nghị quyết của Quốc hội và trên thực tế Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt vấn đề này. Đây là một nghị quyết mang dấu ấn lịch sử, là một quyết sách ý Đảng, lòng dân.

Vì vậy, Chính phủ xác định có 4 mục tiêu sau: Phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, góp phần thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau; Giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển; Khắc phục những hạn chế, bất cập của các chính sách trước đây;

Đồng thời, tăng cường niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Mục tiêu là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Làm thế nào để nâng cao dân trí, nâng cao khả năng, tạo công ăn việc làm, tiếp cận với các kỹ năng lao động, sản xuất ngành nghề, nhất là đào tạo một lớp trẻ, xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế…

“Dự kiến đầu tư cho việc thực hiện đề án này trên một trăm nghìn tỷ, chia ra 2 kế hoạch 5 năm từ 2021-2026 và 2026-2030, theo dự kiến là trong 10 năm và đề ra trong một khoảng thời gian dài như thế với số vốn rất lớn nên cử tri băn khoăn về tính khả thi của nó là đúng” - Phó Thủ tướng Trường Hòa Bình cho biết.

Phát triển KT_XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ quan tâm

Chuẩn bị tích cực, bố trí đủ nguồn vốn theo tiến độ

Phó Thủ tướng cho biết, đây là một quyết tâm rất lớn, Chính phủ đã đề ra và thông qua nghị quyết với 8 giải pháp. Trong khuôn khổ thời gian phiên chất vấn có hạn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày 6 nội dung lớn:

Một là, nghiên cứu xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2030. Như vậy, xác định đây là một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính phủ đã chuẩn bị tích cực, bố trí đủ nguồn vốn theo tiến độ, về cơ bản sẽ triển khai thực hiện ngay từ năm 2021, các chỉ tiêu đưa ra trong chương trình mục tiêu quốc gia thấp hơn so với Nghị quyết 88 của Quốc hội vì Nghị quyết xác định thực hiện 10 năm, chương trình mục tiêu quốc gia xác định là 5 năm 2021-2025. Phần còn lại tiếp theo cho kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2026-2030. Do vậy, kết thúc năm 2030 cơ bản sẽ đạt được mục tiêu của Quốc hội đã xác định.

Thứ hai, nội dung cử tri quan tâm hơn nữa là huy động nguồn lực thế nào để thực hiện Đề án đã được Nghị quyết xác định rất rõ là huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó nguồn lực nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác.

Phó Thủ tướng cho rằng đây là một điểm rất mới, rất quan trọng vì chính sách thì phải đi liền với ngân sách, nếu không thì không đạt được mục tiêu. Mặt khác, các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi đều là địa phương khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Do vậy, bổ sung nguồn lực từ Trung ương là một điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu của Nghị quyết.

Thứ ba, về tổ chức thực hiện đề án chương trình mục tiêu quốc gia thì Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cấp tỉnh, các bộ, ngành chỉ thực hiện chức năng hướng dẫn, kiểm tra. Ban chỉ đạo sẽ chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để làm đối chứng, một việc không hoàn thành hoặc có sai sót, chậm tiến độ thì sẽ xác định trách nhiệm của người chịu trách nhiệm.

Thứ tư, đề án chương trình mục tiêu quốc gia với một lượng vốn ngân sách khá lớn, nhưng đối với từng công trình nhỏ hoặc là vừa, đầu tư ở địa bàn đặc biệt khó khăn Chính phủ sẽ chỉ đạo ban hành cơ chế đặc thù, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, phù hợp với thực tiễn, tăng cường sự giám sát của nhân dân thay cho sự ràng buộc các thủ tục hành chính rườm rà mà vẫn không đạt được hiệu quả.

Thứ năm, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, tới đây sẽ hướng dẫn các tỉnh giao trách nhiệm cho một đầu mối theo dõi, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện đề án. Định kỳ sơ kết, tổng kết, hàng năm báo cáo với Quốc hội kết quả thực hiện để Quốc hội giám sát và có ý kiến. Chính phủ sẽ điều chỉnh cho phù hợp và cố gắng sẽ triển khai đầy đủ nghị quyết này bằng những kế hoạch cụ thể, từng hạng mục công trình, từng yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Thứ sáu, Chính phủ sẽ có những giải pháp phù hợp, hiệu quả, kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lãng phí, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trực tiếp đến đối tượng được thụ hưởng. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Với các nội dung giải pháp nêu trên, chúng ta có một niềm tin là với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, của các vị đại biểu Quốc hội, quyết tâm của Chính phủ thì chắc chắn nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống và chúng ta sẽ quyết tâm để đạt được mục tiêu đã đề ra” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu 6 nội dung lớn phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO