Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Thực hiện tốt chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh

02/11/2017 00:00

(TN&MT) - Phát biểu làm rõ những vấn đề mà các vị Đại biểu Quốc hội nêu trong 2,5 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội vừa qua, bên cạnh các vấn đề khác, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng: Cầntập trung để lồng ghép việc phòng, chống thiên tai trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương; Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, thực hiện tốt chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu trước Quốc hội sáng 2/11. Ảnh: daibieunhandan.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu trước Quốc hội sáng 2/11. Ảnh: daibieunhandan.vn

Mở đầu bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Tại phiên họp ở tổ và thảo luận ở hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu rất nhiều ý kiến sâu sắc, rất cần sự tiếp thu của Chính phủ và các thành viên của Chính phủ.

Những vấn đề đó có liên quan đến tăng trưởng kinh tế, đến giải ngân vốn đầu tư công, đến lĩnh vực đầu tư, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là giao thông, những vấn đề liên quan đến đầu tư và kinh doanh, cơ cấu lại các ngành kinh tế, trong đó có cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công, sử dụng vốn vay; các vấn đề liên quan đến phòng, chống thiên tai, bảo vệ rừng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...

Theo Phó Thủ tướng, những vấn đề liên quan đến sắp xếp bộ máy hành chính, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội, về giảm nghèo, giải quyết việc làm, tình trạng tai nạn giao thông, những vấn đề chống tham nhũng, lãng phí cũng như vấn đề ứng xử với người dân...

“Các vấn đề này đã được các đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và hôm nay đặc biệt đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến giải trình một số nội dung cụ thể. Sau đây, tôi xin báo cáo Quốc hội để làm rõ và nhấn mạnh thêm một số nội dung” - Phó Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm rõ vấn đề ĐBQH nêu về môi trường khu công nghiệp. Ảnh: Quốc Khánh
Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm rõ vấn đề ĐBQH nêu về môi trường khu công nghiệp. 

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng được 5 bậc

Về tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 được Quốc hội thông qua là 6,7%. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ năm 2017, bên cạnh rất nhiều những cơ hội, thuận lợi thì không ít khó khăn, đặc biệt là tình hình thiên tai xảy ra liên tiếp, diễn biến rất phức tạp.

“Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải tập trung để cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh nhằm huy động tối đa các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài cho đầu tư phát triển. Đồng thời Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư, trong sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng” - Phó Thủ tướng nói.

Từ kết quả đó, theo đánh giá của diễn đàn kinh tế thế giới thì năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, 2018 của Việt Nam đã tăng được 5 bậc, tức là xếp hàng 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, năm 2018 dự kiến sẽ tăng 14 bậc, tức là lên 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hãng đánh giá quốc tế Madi cũng nâng mức tín nhiệm của ngân hàng Việt Nam lên mức tích cực, đây là những tín hiệu rất mừng của môi trường đầu tư kinh doanh cũng như môi trường phát triển của Việt Nam…

Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng cao hơn thì nước ta mới rút ngắn được khoảng cách với các nước trong khu vực, thế giới. Đây là yêu cầu chúng ta phải khắc phục tụt hậu so với các nước trong khu vực. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản cụ thể cho từng quý, đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, đặc biệt rà soát cụ thể đối với 31 sản phẩm chủ lực, những sản phẩm này tạo ra giá trị khoảng hơn 1 tỷ đô la cho xuất khẩu, cho phát triển kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng, nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước thì tăng trưởng kinh tế đã đạt được kết quả rất tích cực, 9 tháng đầu năm đạt 6,41%, ước cả năm sẽ đạt 6,7%. Trong đó khẳng định rõ đạt kết quả này nhờ tăng trưởng cao và khá đồng đều ở cả 3 khu vực, khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ.

Như vậy, kết quả tăng trưởng đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, chẳng hạn như phụ thuộc vào Samsung hay phụ thuộc vào một vài sản phẩm thép... mà nó tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế cả 3 khu vực và có đóng góp của các sản phẩm, đặc biệt là ngành khai khoáng giảm mạnh như vậy mà chúng ta vẫn đạt được tăng trưởng. Lần đầu tiên nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng không phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành khai khoáng. Điều đó nói lên chúng ta vừa tăng trưởng tích cực nhưng đồng thời chất lượng tái cơ cấu nền kinh tế chúng ta đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã làm rõ những vấn đề Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Ảnh: Quốc Khánh
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã làm rõ những vấn đề Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. 

Tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng hợp lý

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, báo cáo Quốc hội, tăng trưởng kinh tế đạt cao song chất lượng tăng trưởng thì rất nhiều đại biểu Quốc hội nói chung chúng ta chưa hài lòng, tức là chất lượng tăng trưởng còn thấp, thể hiện ở hiệu quả đầu tư chưa cao đặc biệt là hệ số ICOR. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, dịch vụ vẫn còn ít, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm.

Đặc biệt hỗ trợ cho ôtô, cho lĩnh vực điện tử, công nghiệp mà phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay chỉ có ngành xây dựng là phát triển công nghiệp hỗ trợ được nhiều nhất như vật liệu xây dựng, gạch ngói, sắt thép... Giá trị gia tăng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn thấp. Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với việc lựa  chọn mô hình tăng trưởng phù hợp còn chậm và lúng túng, khá nhiều  ở những ngành, những lĩnh vực, địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Trung ương và đặc biệt thực hiện Nghị quyết Trung ương V của Ban Chấp hành Trung ương, cũng như tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và của cử tri. Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo để tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng hợp lý ở các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm.

Đặc biệt là tái cơ cấu nền nông nghiệp phát triển kinh tế nông thôn gắn với việc xây dựng nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra, trong đó phải tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trước hết, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến các lĩnh vực tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai... các luật liên quan đến thuế, phí, ngân sách…

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ rà soát điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Ở đây yêu cầu quy hoạch không giới hạn địa giới hành chính mà có liên kết vùng, tổng hợp vùng, để thể hiện sự liên kết, sự hợp tác, sự phân công vùng. Gắn quy hoạch với tái cấu trúc lại các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương. Gắn quy hoạch với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Gắn quy hoạch với thị trường, lấy thị trường để quy hoạch những sản phẩm mềm, những sản phẩm mà chúng ta xuất khẩu. Lấy thị trường thế giới, thị trường quốc tế làm mục tiêu, nhưng coi trọng thị trường nội địa. Lấy thị trường thế giới để chúng ta cạnh tranh vì hiện nay chúng ta mở cửa, cạnh tranh ngay trong thị trường nội địa của chúng ta. Trong đó, một mặt vừa mở rộng thị trường quốc tế, giữ vững thị trường truyền thống.

Đồng thời, chúng ta phải tổ chức lại thị trường nội địa, trong đó chú ý thị trường bán lẻ. Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, nhằm xác định lộ trình, cơ cấu vốn đầu tư một cách khoa học, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Xác định những dự án ưu tiên,  tổ chức lại để sản xuất  theo hướng phát triển mạnh những doanh nghiệp, đây là quan điểm của Chính phủ, của Thủ tướng, phải lấy doanh nghiệp làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội vì doanh nghiệp sẽ tạo ra tăng trưởng, tạo việc làm và nộp ngân sách. Cùng với đó thì sự tham gia của người dân với tư cách là những người quyết định thành công của sự sản xuất, hưởng lợi trong quá trình phân phối.

Đại biểu Dương Minh Tuấn - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: Tinh giản biên chế không có nghĩa là tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải giảm. Ảnh: Quốc Khánh
Đại biểu Dương Minh Tuấn - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại Hội trường tại Kỳ họp thứ 4

Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu

Về phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí  hậu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và tác động rất nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Trung bình hàng năm thiên tai đã làm chết và mất tích trên 300 người và thiệt hại về kinh tế khoảng xấp xỉ 1% GDP. Tính từ đầu năm đến nay chúng ta thiệt hại khoảng 36.000 tỷ đồng Việt Nam và làm chết 245 người. Nếu nền kinh tế chúng ta khoảng 5 triệu tỷ thì hiện nay chúng ta khoảng độ trên 0,7% GDP.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trong công tác phòng chống thiên tai ứng phó biến đổi khí hậu.

Đã triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp từ chủ động phòng ngừa ứng phó để khắc phục  hậu quả, để khôi phục hệ thống hạ tầng, không phục sản xuất và ổn định đời sống của người dân sau thiên tai. Từ đó, giảm thiểu đến mức thấp nhất về tính mạng và tài sản của người dân, những thiệt hại của nhà nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là lần đầu tiên tổ chức một hội nghị rất lớn gồm nhiều vị chuyên gia, nhà khoa học, vị khách quốc tế và lãnh đạo đầy đủ của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long để đưa ra các quan điểm, các mục tiêu, các giải pháp để ứng phó với thiên tai biến đổi khí hậu mà có tầm nhìn dài hạn, tầm nhìn đến năm 2050 và có thể định hướng xa hơn đến năm 2100 theo kịch bản biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là việc ứng phó với các cơn  bão mạnh trong thời gian gần đây thì cơn bão số 10 thiệt hại về người là rất ít. Chúng ta thấy cơn bão số 10 tâm bão đổ bộ vào Hà Tĩnh nhưng vì chúng ta đảm bảo các yêu cầu ứng phó rất kịp thời chủ động nên thiệt  hại rất nhẹ. Nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra về người và tài sản còn rất lớn trong thời gian gần đây, đặc biệt là mưa lũ gây ra thiệt hại rất nặng nề ở khu vực các tỉnh miền núi Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân là do lũ quét, lũ ống và sạt lở đất mà chúng ta không chủ động để đề phòng ứng phó được kịp thời.

Phó Thủ tướng đề cập đến các nguyên nhân: Thứ nhất, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo. Dự báo, cảnh báo có thể nói rất tốt, kịp thời đối với những cơn bão mạnh trong thời gian vừa qua. Nhưng dự báo lũ ống, lũ quét và các khu vực sạt lở đất do mưa lũ tại khu vực miền núi còn rất bị động và rất hạn chế. Đây là nguyên nhân chính mà chúng ta không thể chủ động ứng phó được với những thiệt hại khi thiên tai ở những khu vực này xảy ra; Thứ hai, nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu còn rất hạn chế; Thứ ba, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng rất nghiêm trọng, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai còn nhiều, chậm được khắc phục. Nổi cộm là việc khai thác cát trái phép, lấn chiếm lòng sông, bờ sông, kênh rạch gây sạt lở đê, kè, cống... Bên cạnh đó, việc sắp xếp bố trí dân cư vào các vùng an toàn chậm được thực hiện và còn lúng túng bị động, việc này rất rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp sáng 31/10
Quang cảnh phiên thảo luận về KT-XH tại Kỳ họp thứ 4

Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: Hiện nay, Chính phủ đang tập trung để hoàn thiện chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, trong đó lấy phòng ngừa là chính. Cần phải tập trung để lồng ghép việc phòng, chống thiên tai trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Sẽ nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, thực hiện tốt chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Quy hoạch và phân bổ lại dân cư, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch bao gồm lộ trình thực hiện, thứ hai là cân đối các nguồn lực để thực hiện. Vì hiện nay thực hiện các việc này tốn nguồn lực rất lớn mà chúng ta không cân đối nguồn lực, không có lộ trình trung và dài hạn thì chúng ta không thể thực hiện được việc này. Tập trung vào khu vực miền núi, các tỉnh vùng núi ở Trung bộ, Bắc bộ và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần phải tập trung bảo vệ nguồn nước, đặc biệt khu vực đồng bằng Sông Cửu Long bảo vệ nguồn nước ngọt. Bảo vệ lòng sông, bờ biển, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đê điều, hồ đập...

Đặc biệt cần hết sức chú ý để xây dựng, phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long, đây là khu vực sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. “Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị ở trong khu vực này, trong đó tập trung để đánh giá tác động đến đồng bằng sông Cửu Long từ bên ngoài và từ bên trong. Bên ngoài là những yếu tố của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vấn đề khai thác thủy lợi ở thượng nguồn sông Mê Kông, yếu tố thiên tai. Bên trong là những yếu tố tác động của chính con người khi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng, v.v. cũng tác động rất lớn đến khu vực này” - Phó Thủ tướng nói.

Đối với việc xây dựng các dự án, Phó Thủ tướng cho rằng: một là phải ứng phó, ví dụ nước biển làm bờ biển bị xói mòn chúng ta ứng phó bằng các giải pháp cứng và mềm để chống xói lở bờ biển. Hai là ứng phó với việc thiếu nguồn nước ngọt, phải xây dựng các công trình để ứng phó. Các giải pháp thích nghi, ở đây tập trung chủ yếu là phải cấu trúc lại nền kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

“Vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ có nghị quyết rất quan trọng, trong đó lựa chọn mô hình tăng trưởng phù hợp, từ đó lập các quy hoạch, huy động các nguồn lực để đầu tư pháp triển. Trong đó xem xét việc thành lập quỹ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” - Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Hiện vẫn còn nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, thay mặt Thủ tướng Chính phủ tôi đề nghị các đồng chí Bộ trưởng tiếp thu, nghiên cứu để trả lời tại phiên chất vấn hoặc có văn bản trả lời với đại biểu và cử tri.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương để tập trung chỉ đạo, điều hành, thực hiện những ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và cử tri yêu cầu, để phát huy mặt tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém để hoàn thành nhiệm vụ được Trung ương và Quốc hội giao” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Việt Hùng(lược ghi)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Thực hiện tốt chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO