Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Đây là thời điểm “vàng” để Thừa Thiên Huế thực hiện các biện pháp chống bão số 5

Văn Dinh| 17/09/2020 15:46

(TN&MT) - Bão số 5 dự kiến đổ bộ vào các tỉnh Trung Bộ trong đó có Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định rằng đây là khoảng thời gian “vàng” mà chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cần thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiệt hại của người dân đến mức thấp nhất...

Chiều 17/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cùng đoàn công tác Trung ương đã đến Thừa Thiên Huế kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 5.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo với Phó Thủ tướng về công tác phòng chống bão và cho biết đã hoàn tất công tác chuẩn bị, đang thực hiện khẩn trương các biện pháp cụ thể đến từng nhà dân, khu vực... trên địa bàn.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 717 phương tiện tàu thuyền khai thác biển. Trong đó, có 420 tàu xa bờ, 228 tàu cỡ trung, 69 tàu cỡ nhỏ. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã đóng mới 40 chiếc tàu khai thác thuỷ sản có công suất từ 400 CV đến dưới 1.000 CV (theo Nghị định 67) và trên 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng chống bão số 5 tại Thừa Thiên Huế

Đến trưa 17/9, tại Thừa Thiên Huế đã bắt đầu có mưa, nhất là khu vực ven biển. Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện còn 9 phương tiện tàu thuyền đang trên đường vào đất liền. Tỉnh có 2 cảng cá, 5 khu neo đậu tàu thuyền, 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền.

Đến 16h ngày 17/9 sẽ kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào neo đậu an toàn; hướng dẫn nhân dân giằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; cảnh báo các lều trại, khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm phá, không để người dân ở trên các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản; đảm bảo an toàn an toàn lưới điện, thông tin liên lạc; sơ tán dân vùng ven biển, vùng có nguy cơ nước dâng do bão, lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối; vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn và đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID - 19.

Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã dự trữ 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo, 35.000 thùng nước đóng chai, 2,2 triệu lít xăng, 2,3 triệu lít dầu diezen, 30 ngàn lít dầu hỏa, 70 tấn tôn lợp, 2,5 tấn đinh vít, 2,5 tấn dây thép. Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có bão xảy ra.

Tàu thuyền tại Thừa Thiên Huế đang vào tránh bão

Kiểm tra trực tiếp tại khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Thuận An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị, ứng phó bão số 5 của chính quyền, ban ngành địa phương.

Phó Thủ tướng khẳng định cơn bão này đi khá nhanh và mạnh nên đề nghị tỉnh khẩn trương triển khai các công tác ứng phó. “Đây là khoảng thời gian “vàng” để các cấp, ngành triển khai các giải pháp bảo vệ sản xuất và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân”, Phó Thủ tướng nhận định.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương rà soát, kiểm đếm tất cả tàu thuyền còn hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên, có biện pháp kêu gọi, hướng dẫn để ngư dân vào nơi tránh trú an toàn và kiểm soát chặt chẽ việc ra vào cửa biển của tàu thuyền. Đặc biệt, phía tỉnh phải có phương án cụ thể, đảm bảo an toàn cho người dân. 

“Phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng để rà soát, đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện. Phải chú ý bão gây mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống nên chúng ta cần tập trung rà soát lại các khu dân cư miền núi. Thừa Thiên Huế 5.000 km2, trong đó khu vực miền núi chiếm phần lớn nên phải rà soát nhà nào ở khu vực xung yếu, dễ bị ảnh hưởng thì cho sơ tán ngay. Mưa bão xảy ra thì thiệt hại trực tiếp cơn bão thường ít hơn so với thiệt hại hậu cơn bão, hoàn lưu của bão” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra tình hình chống bão số 5 ở một số địa phương ven biển trong ngày 17/9

Dự báo ngày 18/9, bão số 5 sẽ đi vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, trọng tâm là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13...

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế trong ngày 17/9 đã đi kiểm tra các địa phương ven biển và cho rằng, đây là cơn bão lớn, đầu tiên trong năm, các địa phương phải tập trung, không được chủ quan, lơ là...

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế khoảng 28.100 hộ dân với trên 106.600 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão số 5 sẽ phải sơ tán tại chỗ hoặc sơ tán tập trung, dự kiến công việc này sẽ hoàn tất trước 19 h ngày 17/9.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa có công điện khẩn cho học sinh các cấp từ mầm non đến THPT nghỉ học trong hai ngày 18 và 19/9.

Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Đây là thời điểm “vàng” để Thừa Thiên Huế thực hiện các biện pháp chống bão số 5
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO