Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Công tác quản lý TN&MT chuyển biến khá toàn diện

08/01/2018 13:18

(TN&MT) - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch công tác năm 2018 của ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá: Công tác quản lý TN&MT đã có những chuyển biến khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.   

Phó Thủ tướng phát biểu
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT nói chung, Bộ TN&MT nói riêng trong việc đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Theo Phó Thủ tướng, bước vào năm 2017, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Trong thành tích chung của cả nước, có sự đóng góp quan trọng của Ngành TN&MT cũng như Bộ TN&MT.

Công tác quản lý TN&MT đã chuyển biến khá toàn diện

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ TN&MT trong các lĩnh vực như: Làm tốt công tác tham mưu, giúp Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc tổng kết, đánh giá, sửa đổi một số chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là hai lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường;

Ban hành; trình Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp; Đã có những bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính;

Công tác quản lý TN&MT đã có những chuyển biến khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; Thu từ đất đai tăng mạnh. Nếu như cả năm 2015 thu từ đất là 54,2 nghìn tỷ, chiếm 8% thu nội địa; thì trong 11 tháng đầu năm 2017 đã đạt 92,1 nghìn tỷ, chiếm 11,65% thu ngân sách nội địa. Vấn đề lãng phí đất đai được giải quyết tốt;

PTTg trao Bằng khen TTg
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Bằng khen của Thủ tướng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Đã chủ động kiểm soát tốt, phòng ngừa không để phát sinh các sự cố, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Đã giám sát, yêu cầu hoàn thiện các biện pháp bảo đảm môi trường trước khi đưa một số dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đi vào vận hành như Công ty Formosa Hà Tĩnh, Công ty Lee&Man Hậu Giang v.v. đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và có đóng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội…

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng tài nguyên được đẩy mạnh; chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn ngày càng được cải thiện;

Bộ TN&MT đã hoàn thiện một bước công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng tài nguyên trên đất liền, trên biển; Đã theo dõi chặt chẽ, dự báo sát diễn biến của tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước;

Dự báo chính xác các hiện tượng thời tiết cực đoan giúp các cấp chính quyền chủ động triển khai các biện pháp đối phó, góp phần giảm thiểu đáng kể các thiệt hại có thể xảy ra.

Đặc biệt Bộ TN&MT đã tham mưu trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, đề ra tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp có tính chiến lược, lâu dài đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long để có thể phát triển bền vững trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu;

“Nghị quyết số 120/NQ-CP, với các nhiệm vụ, giải pháp có tính chiến lược, lâu dài sẽ góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra các vùng khác trên cả nước trong thời gian tới” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ TN&MT trong việc tích cực vận động tài trợ quốc tế, tăng thêm nguồn lực hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ cho ngành. Nhiều dự án biến đổi khí hậu, kết hợp phòng chống thiên tai được triển khai và tranh thủ được sự hợp tác, hỗ trợ của nhiều đối tác…

Bộ trưởng trao cờ thi đua
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao Cờ thi đua của Bộ TN&MT cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong năm 2017

Bên cạnh biểu dương những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng phân tích những mặt tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục như: Công tác Quản lý đất đai còn nhiều bất cập, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện phức tạp;

Tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép xảy ra ở một số nơi; Tình hình ô nhiễm môi trường ở một số khu, cụm công nghiệp, ở đô thị và cả nông thôn có nơi còn rất nghiêm trọng; Nguồn lực đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường còn rất hạn hẹp…

Ngoài ra, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tập trung thực hiện, song việc lồng các chương trình, đề án ứng phó biến đổi khí hậu với các chương trình, đề án của các lĩnh vực khác còn thiếu hiệu quả; Tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước xảy ra ở nhiều nơi; Tài nguyên biển chưa được khai thác sử dụng hiệu quả và đóng góp tương xứng cho phát triển KT-XH của đất nước; Ở một số địa phương, năng lực thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế, buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật nhất là trong quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường...

Giao 8 nhiệm vụ đối với ngành trong năm 2018

Về nhiệm vụ năm 2018 của ngành, Phó Thủ tướng nhấn mạnh năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thời kỳ 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.

Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 đã yêu cầu phải thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, cùng với đó phải tái cấu trúc lại nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực tài nguyên, đất đai, gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ngành TN&MT, Bộ TN&MT cần thực hiện tốt các yêu cầu: Tập trung quản lý có hiệu quả tài nguyên đất đai, chống lãng phí, thất thoát, nâng cao hiệu quả tài nguyên đất đai;  

Quản lý chặt chẽ quá trình tài nguyên khoáng sản, vừa chống thất thoát, lãng phí, vừa đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển, chế biển; Kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường; “Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm”. Khắc phục có hiệu quả ô nhiễm môi trường do chiến tranh để lại”; Quản lý chặt chẽ, đi đôi với khai thác hiệu quả tài nguyên nước; Có các giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, tài nguyên biển; Có các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, từ đó giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân… 
 

Thứ trưởng Ngọc trao BK
Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2017

Để thực hiện được những yêu cầu nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành TN&MT tập trung sâu hơn vào 8 số nhiệm. Cụ thể:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về TNMT để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Đây là nhiệm vụ số một, bởi từ hoàn thiện thể chế sẽ giúp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.

Tập trung sửa đổi, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường; chuẩn bị sửa đổi Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước, Luật khí tượng thuỷ văn, Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Xây dựng, hoàn thiện các văn bản dưới luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Cải cách hành chính, nâng cao năng lực, trách nhiệm, thay vì quản lý, phải có trách nhiệm phục vụ, giải thích cho người dân.

Hai là, rà soát, cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; Rà soát lại tất cả các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực TN&MT để điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới cho phù hợp với thực tiễn phát triển, đặc biệt là các Quy hoạch quản lý, khai thác tài nguyên (đất, nước, khoáng sản, biển)..

Từ các quy hoạch đó, xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó chỉ rõ nguồn lực và thứ tự ưu tiên triển khai thực hiện, tránh tình trạng quy hoạch treo (như quy hoạch khai thác Titan, một số loại khoáng sản khác).

Ba là, tạo đột phá trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất: Quản lý chặt chẽ đất đai từ quy hoạch, kế hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, sử dụng…

Tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích việc tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao; Tập trung nguồn lực để hiện đại hóa hồ sơ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai, từng bước hiện đại hóa dịch vụ công về đất đai theo hướng Chính phủ điện tử; Tập trung chỉ đạo để hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với đất có nguồn gốc của các nông, lâm trường quốc doanh.

Bốn là, Có các giải pháp trước mắt và lâu dài đảm bảo an ninh nguồn nước; An ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức cấp bách đối với Việt Nam. Mặc dù được tự nhiên ưu đãi nguồn nước mặt, nước ngầm khá phong phú, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất do gia tăng về ô nhiễm nguồn nước, và đặc biệt là khan hiếm nguồn nước dưới tác động của biến đổi khí hậu. 

Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác điều tra, đánh giá đầy đủ tài nguyên nước, nâng cao ý thức của cộng đồng trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước; Thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy chế vận hành hồ chứa và liên hồ chứa; Bộ TN&MT chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ để đàm phán thiết lập cơ chế chia sẻ nguồn nước liên quốc gia.

0801 toan canh hn
Toàn cảnh Hội nghị

Năm là, tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch và kế hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường;

Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch khoáng sản để quản lý, khai thác có hiệu quả, phục vụ tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế xã hội (loại khoáng sản, khu vực dự trữ, khu vực khai thác trước mắt và lâu dài,....Đặc biệt là titan, vật liệu xây dựng...)

Các địa phương cần chú trọng tổ chức thực hiện tốt việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước;

Xây dựng cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm tạo ra cơ chế minh bạch, lợi ích tối đa và điều tiết hợp lý trong hoạt động khai thác khoáng sản, qua đó tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước;

Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản; đặc biệt là công tác hậu kiểm; kiểm soát có hiệu quả sản lượng khai thác; hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép;

Sáu là, thực hiện tốt công tác kiểm soát, bảo vệ môi trường. Tổng điều tra, rà soát, phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất là các nguồn thải ra sông, ra biển; cải tạo, phục hồi các khu vực ô nhiễm; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học;

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; triển khai mạnh các nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông, bảo vệ môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề;

Cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược (từ hình thức, sang thực chất, muốn vậy cần có sự đầu tư phù hợp về con người, công nghệ, thiết bị); công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn chi ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Phải đưa ra được các công nghệ xử lý chất thải, nước thải, khí thải phù hợp với trình độ, thu nhập, điều kiện tự nhiên, xã hội… của Việt Nam.

Bảy là, Tăng cường hơn nữa chất lượng công tác dự báo khí tượng, thủy văn, cảnh báo thiên tai. Đây là đòi hỏi thường xuyên, ngày càng cao.

Diễn biến các đợt thiên tai, bão lũ vừa qua cho thấy, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi ngành khí tượng thủy văn phải cố gắng hơn nữa để phục vụ yêu cầu ngày càng cao của xã hội, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Cần chỉ đạo tốt việc triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tám là, huy động nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh 2016 - 2020, đặc biệt xây dựng lộ trình hành động cụ thể đối với Kế hoạch triển khai thỏa thuận Paris về khí hậu tại Việt Nam, làm cơ sở để triển khai thực hiện các hoạt động.

Có kế hoạch triển khai hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và nghiên cứu các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các vùng chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu.

Bộ TN&MT phải là trung tâm để phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát huy tốt vai trò cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những quyết sách lớn liên quan đến các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu ở nước ta...

Để thực hiện được những nhiệm vụ hết sức nặng nề nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục sắp xếp lại bộ máy đảm bảo tinh gọn, phù hợp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh, tinh thần phục vụ doanh nghiệp và người dân

“Các nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2018 là rất nặng nề. Tuy nhiên, với sự đồng thuận và quyết tâm cao các đồng chí ở Trung ương cũng như ở địa phương, tôi tin tưởng rằng ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Công tác quản lý TN&MT chuyển biến khá toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO