Sáng 24/7, Đoàn công tác của Chính phủ do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dẫn đầu làm việc tại tỉnh Bình Phước về khảo sát thực trạng và giải pháp ổn định di dân tự do trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh, việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh Bình Phước đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2017.
Hình thành nhiều điểm dân cư mới
Về tình hình di dân tự do và việc sắp xếp ổn định di dân tự do theo Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổng số hộ dân di cư tự do giai đoạn 2013-2016 là 20.630 hộ, bao gồm bố trí ổn định cho 2.935 hộ với 10.803 nhân khẩu di cư tự do, ngoài ra còn có 17.695 hộ hưởng lợi sống lân cận vùng dự án.
Cụ thể, số hộ đã thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định đến vùng dự án là 16.579 hộ, bình quân diện tích đất ở là 1.000 m2/hộ, diện tích đất sản xuất 1 ha/hộ. Số hộ dân di cư tự do đã đưa vào quy hoạch nhưng chưa thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định đến vùng dự án là 4.051 hộ.
Kết quả thực hiện việc bố trí, sắp xếp ổn định di dân tự do giai đoạn với dự án đầu tư, bố trí, sắp xếp ổn định di dân tự do với 16 dự án, gồm: 2 dự án đã hoàn thành với 8.154 hộ, 1 dự án đang thực hiện với số hộ đã bố trí, sắp xếp ổn định 8.425 hộ, 1 dự án đã phê duyệt nhưng chưa có vốn giải ngân và dự kiến mở mới đến năm 2025 là 12 dự án với 1.751 số hộ cần bố trí.
Theo đánh giá của tỉnh Bình Phước, chương trình bố trí, ổn định dân cư đã và đang được Chính phủ tiếp tục hỗ trợ đầu tư điều kiện cho người dân trong vùng dự án phát huy những thế mạnh của địa phương, giúp nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cộng đồng dân cư phát triển, đặc biệt là các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Tỉnh đã bố trí, sắp xếp đối với từng đối tượng thông qua thực hiện các dự án, các dự án ổn định dân cư trên địa bàn tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, tạo cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người dân sinh sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới.
Các dự án đầu tư đã hình thành những điểm dân cư mới và kết hợp với những khu dân cư sẵn có đã ổn định phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nhiều dự án còn dang dở do thiếu nguồn lực
Tuy nhiên, tỉnh Bình Phước cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình ổn định di dân tự do.
Đó là, tiến độ bố trí dân cư và công tác di dời dân cư thực hiện chậm, do nguồn vốn đầu tư chương trình rất lớn, ngân sách của tỉnh hạn chế không đủ cân đối để thực hiện. Các dự án phần lớn xin hỗ trợ từ Trung ương, phải tuân thủ quy trình thủ tục nên kéo dài thời gian thực hiện dự án. Cơ sở hạ tầng khu tái định cư xây dựng gắn liền với xây dựng nông thôn mới nhưng vùng quy hoạch bố trí dân cư tập trung còn nhỏ hẹp nên sự kết nối với các điểm dân cư nông thôn mới còn rời rạc, thiếu đồng bộ.
Về kế hoạch thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định di dân tự do giai đoạn 2017-2020, tỉnh Bình Phước cho biết: Giai đoạn này sẽ sắp xếp ổn định cho 4.051 hộ. Dự kiến một số chỉ tiêu đạt được tại các dự án bố trí, sắp xếp dân cư tự do giai đoạn này là diện tích bình quân đất ở 1.000 m2/hộ, diện tích đất nông nghiệp bình quân là 0,5 ha/hộ, thu nhập bình quân là 102 triệu đồng/hộ/năm, tỷ lệ hộ dân có nước sạch 79%, tỷ lệ hộ có điện sinh hoạt là 78%, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,3%, tỷ lệ hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố 72%.
Theo kế hoạch, bố trí nguồn vốn cho các dự án này là trên 600 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được trên 400 tỷ đồng, nhiều dự án còn dang dở, có dự án chưa được cấp vốn để tiến hành ổn định di dân tự do trên địa bàn.
“Tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch về đất đai, quản lý rừng, phục vụ sản xuất, lo cơ sở hạ tầng cho đồng bào và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm như cao su, hạt điều, hồ tiêu. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số như phát triển vùng đồng bào khó khăn, cơ cấu cán bộ lãnh đạo là đồng bào dân tộc trong hệ thống chính trị”, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước Nguyễn Văn Lợi cho biết.
Ưu tiên bố trí dự án tại các “điểm nóng”
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Bình Phước trong việc quan tâm, chăm lo cho đồng bào di dân tự do đến Bình Phước thời gian qua, góp phần ổn định đời sống, sản xuất, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn.
Từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã bố trí, sắp xếp ổn định đời sống cho hơn 32 nghìn hộ, hiện còn 4.051 hộ chưa bố trí ổn định. Người dân đến thường là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí chưa cao nên cuộc sống còn nhiều khó khăn khi dân di tự do đến Bình Phước. Tiến độ bố trí dân chậm, hạ tầng rời rạc, bố trí quỹ đất cho di dân tự do còn vướng.
Về kế hoạch bố trí dân di tự do thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực cơ bản tán thành việc bố trí sắp xếp cho 4.051 hộ, xây dựng đường cứu hộ-cứu nạn, dự án bố trí dân cư…
“Bình Phước có diện tích đất rộng, màu mỡ khi tách tỉnh năm 1997 dân số chưa tới 500 nghìn dân nhưng sau 20 năm tái lập tỉnh, dân số gần 1 triệu người với 41 dân tộc anh em chung sống, trong đó có di dân tự do từ 62 tỉnh thành đến Bình Phước tạo lập cuộc sống mới, tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hoá, phong tục, tái cơ cấu lao động và góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, quá trình này cũng nảy sinh nhiều vấn đề xã hội như vẫn còn 4.051 hộ di dân tự do chưa được bố trí, sắp xếp ổn định đời sống, phát sinh các tranh chấp đất đai, phá vỡ quy hoạch (quy hoạch rừng, quy hoạch đất canh tác) dẫn đến hậu quả khó lường. Điều này đòi hỏi phải có quy hoạch, tổ chức, sắp xếp, tăng cường quản lý nhà nước đối với vấn đề này”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Do đó, phải tuyên truyền vận động đến nhân dân về quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời cũng xử lý nghiêm việc phá rừng, ổn định dân cư, duy trì quan hệ tốt đẹp trên tuyến biên giới, hạn chế tình trạng di dân tự do không theo quy hoạch, ưu tiên đầu tư các dự án bố trí dân cư là điểm nóng về an ninh trật tự, tranh chấp đất đai, phá rừng, liên quan đến tuyến biên giới, giải quyết những khó khăn, bức xúc của người dân về y tế, giáo dục, cấp thẻ tạm trú KT3 cho bà con di dân tự do.
Điều chỉnh bổ sung quy hoạch, ưu tiên bố trí đối với các dự án ổn định dân cư cấp bách, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ không để xảy ra giao dịch đất của Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào sinh kế, thực hiện nghiêm chỉ đạo “đóng cửa rừng” của Thủ tướng trên địa bàn, xây dựng quy hoạch về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đưa dân ra khỏi vùng xung yếu của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Kiên quyết không để phát sinh du canh, du cư
Về giải pháp cho thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ: Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, quản lý nhà nước về dân cư, đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Xử lý nghiêm việc phá rừng, buôn lậu gỗ, chống người thi hành công vụ, nâng cao năng lực của hệ thống chính trị gắn với ổn định dân cư và chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị hợp tác và quan hệ phối hợp chặt chẽ với nước bạn có chung đường biên giới, duy trì an ninh trật tự và kịp thời giải quyết các phát sinh liên quan đến di dân tự do khu vực biên giới.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành Trung ương có liên quan trong việc ban hành chính sách, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, giữa các địa phương, bảo đảm phù hợp, khả thi. Đồng thời việc thực hiện các dự án bố trí, ổn định di dân tự do phải gắn với các chương trình, dự án trên địa bàn để khi thực hiện phải bảo đảm được các điều kiện sản xuất, công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, người dân có cuộc sống lâu dài, nhằm hạn chế tình trạng di dân không có sự kiểm soát.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của hệ thống chính trị nhằm quản lý tốt địa bàn, đất đai, dân cư, xoá đói giảm nghèo, công tác quy hoạch, kế hoạch, rà soát việc bố trí dân cư phù hợp với quy hoạch, đặc biệt là các hộ dân di cư tự do. Sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, hoàn thành các dự án bố trí ổn định di dân tự do đang dở dang. Hoàn thiện chính sách phát triển nông thôn bền vững, lồng ghép một cách có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư cho phát triển nông lâm nghiệp với các loại cây, con giống sinh lợi cao, nhằm giảm bớt sự khác biệt trong phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng, hướng dân bà con thay đổi tập quán canh tác theo hướng tiến bộ. Kiên quyết không để phát sinh du canh du cư trên địa bàn, rà soát việc dành quỹ đất để cấp đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo.
"Đối với các nông lâm trường sử dụng đất không hiệu quả thì kiên quyết thu hồi đất cấp cho dân phát triển sản xuất. Các nông lâm trường phải bố trí công ăn việc làm cho người dân, với người dân tộc tại chỗ gắn bó với cách mạng phải được quan tâm chu đáo. Giải quyết dứt điểm các khiếu kiện của dân liên quan đến đất đai, thành lập các tổ liên ngành để tăng cường quản lý nhà nước, giải quyết các vấn đề dân sinh, bảo đảm quy hoạch và phát triển rừng, thực hiện nghiêm việc “đóng cửa rừng” xử lý các hành vi phá rừng”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
* Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực đã về thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tà Thiết, Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trước đây, tặng 200 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho các cháu học sinh nghèo vượt khó tỉnh Bình Phước, tặng quà cho các thương binh tiêu biểu huyện Bù Gia Mập và khảo sát khu tái định cư cho đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Bù Gia Mập.