Cùng dự có Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Sóc Trăng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực thân ái gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng nồng nhiệt và mong những điều an lành, tốt đẹp nhất đến với đồng bào, đồng chí và các vị chư tăng dân tộc Khmer trên cả nước nói chung và đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt với nhiều sự kiện quan trọng, nhưng cũng là năm đất nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sóc Trăng là địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng nề với 32.885 ca mắc và 626 ca tử vong.
Tuy nhiên, với nghị lực và quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ, chung tay góp sức của doanh nghiệp, người dân, Sóc Trăng đã kiên cường vượt qua khó khăn. Năm 2021 GRDP tăng 1,18% và quý I/2022 tăng 3,15%; thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt 9,13% dự toán. Tỉ lệ bao phủ tiêm mũi 3 cho người lớn là 99,9%, tỉ lệ tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 99,7%. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa và thương mại, dịch vụ dần dần phục hồi và tăng so với cùng kỳ. Các chính sách về an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; tạo mới việc làm cho gần 6.000 lao động trong quý I/2022. Chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được ổn định.
Những thành tựu chung nêu trên là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Sóc Trăng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của hơn 420.000 đồng bào dân tộc Khmer.
Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, phấn đấu của đồng bào, đồng chí và các vị chư tăng dân tộc Khmer và đề nghị đồng bào, đồng chí, các vị chư tăng tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, trên nền tảng văn hóa, bản sắc và truyền thống yêu nước để đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2022 là năm bản lề quan trọng thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, mở ra nhiều thời cơ, vận hội mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có tỉnh Sóc Trăng và đồng bào dân tộc Khmer.
Phó Thủ tướng Thường trực tin tưởng và mong muốn đồng bào, đồng chí và các vị chư tăng dân tộc Khmer sẽ cùng các cấp, các ngành quyết tâm vượt mọi khó khăn, tận dụng tốt, sáng tạo tiềm năng, lợi thế sẵn có và các cơ hội mới, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội cổ truyền có ý nghĩa đặc biệt, là dịp đồng bào dân tộc Khmer đón mừng năm mới, thêm tuổi, thêm may mắn, cầu chúc cho vạn sự tốt lành và mùa màng bội thu.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã đến thăm, tặng quà Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu là đồng bào Khmer và thăm, động viên cán bộ, giáo viên Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, tại tỉnh Sóc Trăng.
Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng (Hội ĐKSSYN), được hình thành khá sớm (vào ngày 20/3/1963) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lúc đó là thành viên của Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khu Tây Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Khmer vận khu Tây Nam Bộ.
Sau ngày giải phóng đất nước, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Sóc Trăng, Hội ĐKSSYN tỉnh vẫn được duy trì và hoạt động, đến nay vừa trải qua kỳ Đại hội thứ 8 với tổng số ủy viên, Ban cố vấn được bầu là 58 vị.
Nhìn chung, tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong đồng bào, sư sãi Khmer đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện bảo đảm thực hiện theo đúng giáo lý, giáo luật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có tụ điểm văn hóa tại chùa Khmer, có nhiều di tích lịch sử văn hóa với kiến trúc nghệ thuật độc đáo và lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer (chùa Dơi, chùa Kh'leang, chùa Đất sét, chùa Bốn Mặt…).
Nhiều hoạt động từ thiện xã hội được các chùa tích cực thực hiện với tổng số tiền 8,46 tỷ đồng và hàng chục tấn gạo. Đặc biệt trong các đợt dịch COVID-19, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã vận động các nhà hảo tâm, người có uy tín, đồng bào phật tử hỗ trợ bà con gặp khó khăn và các chốt kiểm soát dịch COVID-19 với tổng số tiền trên 27 tỷ đồng; chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống ổn định; sư sãi và đồng bào Phật tử chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu của kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động, chống phá chính quyền và gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo...
Trong khi đó, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ được thành lập từ năm 1994 do cố cụ Maha Huỳnh Cương đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định thành lập, được hưởng chính sách như trường phổ thông dân tộc nội trú.
Trường có chức năng vừa dạy văn hóa (bổ túc từ lớp 6 đến 12), chuẩn bị cho các bậc học cao hơn (trung cấp, cao đẳng, đại học), vừa có nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng và dạy ngôn ngữ Khmer, Pali cho các tăng sinh hệ phái Nam tông, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Trường hiện có tổng số cán bộ - giáo viên và người lao động là 45 người (biên chế 30, hợp đồng 15), trong đó có 27 đảng viên.
Từ khi thành lập đến nay trường đã tiếp nhận được 1.230 tăng sinh và đã ra trường được 24 khóa với 747 tăng sinh (đang học tại trường 5 khóa với 189 tăng sinh), trong đó tốt nghiệp THPT là 654 tăng sinh, tỉ lệ 87%.
Trong 654 tăng sinh tốt nghiệp ra trường có khoảng 75 học viên đã theo học ngành sư phạm và đang tham gia giảng dạy từ cấp Tiểu học, THCS, THPT; khoảng 110 học viên tham gia công tác ở các ở cơ quan nhà nước; khoảng 20 học viên được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử đi du học ở Myanmar, Thái Lan và 30 học viên đang theo học ở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ và các trường cao đẳng, đại học trong cả nước./.