Phó Thủ tướng: Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài

03/11/2017 00:00

(TN&MT) - Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 3/11 - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng dự thảo luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cho các cơ quan đại diện ngoại giao của chúng ta ở nước ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó

Thay mặt Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao cho biết: Trong cuộc thảo luận sáng 3/11, đã có 17 vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu đóng góp, bổ sung dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và trong cuộc thảo luận ở tổ ngày 26/10 có rất nhiều các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp. Các ý kiến cơ bản đã tán thành sự cần thiết bổ sung Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và tán thành nhiều nội dung của dự thảo luật.

Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng 3/11. Ảnh: Quốc Khánh
Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng 3/11. Ảnh: Quốc Khánh

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí rất nhiều nội dung bổ sung đối với dự thảo luật như việc quản lý các dự án đầu tư, xây dựng cơ quan đại diện ở nước ngoài phù hợp với luật nước sở tại, công ước quốc tế và luật của Việt Nam áp dụng tại các nơi. Các đại biểu đã cơ bản nhất trí bổ sung chính sách đối với thành viên, người đi theo của cơ quan đại diện. Trong luật 2009, Điều 26 có 1 điều riêng về chế độ cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng thành viên cơ quan đại diện. Do đó, những điều bổ sung về chính sách cũng rất phù hợp với những nội dung đã quy định trong luật cơ quan đại diện năm 2009.

Phó Thủ tướng cho biết, các đại biểu cũng đã đóng góp rất nhiều điểm cụ thể về câu chữ. Ban soạn thảo xin hoàn toàn tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu để hoàn thiện Luật Cơ quan đại diện ngoại giao. Tuy nhiên, tôi cũng xin báo cáo giải trình thêm với Quốc hội về một số vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội có nêu.

Việt Nam có 96 cơ quan đại diện bên ngoài, có đại sứ và tổng lãnh sự. 76 sứ quán và trên 20 cơ quan tổng lãnh sự.

Mô hình của từng cơ quan đại diện có khác nhau. Có những sứ quán với mức 40, 50 cán bộ, công nhân, viên chức. Có những sứ quán, tổng lãnh sự chỉ có 3 người cho đến 5 người là cơ bản, đặc thù.

Do đó, việc quy định chức năng thành viên trong Luật Cơ quan đại diện cũng quy định nhiệm vụ của các cơ quan đại diện trên từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch... trong luật đều có.

Trước hết, liên quan đến đại sứ. Các ý kiến của các vị đại biểu thể hiện rất rõ mong muốn nước ta có 1 đội ngũ đại sứ ở nước ngoài có tầm, có đủ năng lực đại diện cho đất nước chúng ta. Điều đó hoàn toàn phù hợp trong việc bổ sung vào luật lần này về tiêu chuẩn của các đại sứ. Đặc biệt, qua ý kiến, trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung đã tiếp thu những ý kiến đó, làm sao tuyển dụng, cử được các đại sứ đại diện ở nước ngoài là cán bộ có năng lực phục vụ tốt đất nước và tất cả tiêu chuẩn phải đáp ứng được tiêu chuẩn quy định của Đảng, Nhà nước đối với các đại sứ. Đây cũng chính là mối quan tâm của Chính phủ, của Ban soạn thảo đã đưa vào các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước về các tiêu chuẩn này.

Quy trình đề cử đại sứ của chúng ta là một quy trình hết sức chặt chẽ, rất công phu và qua nhiều cấp; được Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Ban Tổ chức Trung ương, trình Ban Bí thư, sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm các đại sứ; Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm. Đây là một quy trình hết sức chặt chẽ, do đó đảm bảo lựa chọn các đại sứ của chúng ta xứng đáng.

Từ trước đến nay, các đại sứ của chúng ta không phải chỉ trong lĩnh vực của Bộ Ngoại giao mà đại sứ được lựa chọn trên tiêu chuẩn đó sẽ lựa chọn của các bộ ngành để đáp ứng tiêu chuẩn. Từ Ban Đối ngoại, từ Quốc hội, từ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, từ các bộ ngành nếu có tiến cử các đại sứ. Thông thường các quy trình này cũng được thông báo đến các cơ quan để cử đại sứ và qua quá trình lựa chọn đó trình qua các khâu phê duyệt.

Cử các đại sứ của chúng ta làm hết sức chặt chẽ, đó là tiêu chuẩn được đưa ra ở đây là quy định và cụ thể hóa chặt chẽ trong Luật Cơ quan đại diện và bổ sung tại Luật Cơ quan đại diện lần này.

Đối với các tiêu chuẩn của các thành viên, các đại biểu cũng có ý kiến nêu, cơ quan đại diện cũng có vị trí hết sức đặc thù trong hệ thống hành chính nhà nước và không phải là một cơ quan ngang bộ.

Do đó, các cơ quan đại diện do Chính phủ thành lập nhưng giao cho Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý. Ngoài đại sứ thì theo tiêu chuẩn như luật quy định, các thành viên khác cũng được quy định cụ thể trong quyết định của Bộ Ngoại giao về từng thành viên.

Quy định chức năng từng thành viên ở các cơ quan trên cơ sở đề án được Thủ tướng Chính phủ thông qua, quy định cụ thể từng cơ quan có những thành viên với chức năng để phù hợp với từng nước và địa bàn, từng mô hình của sứ quán hoặc tổng lãnh sự. “Đó là trong quy định của chúng ta đã hết sức chặt chẽ đối với từng thành viên của các cơ quan đại diện” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật sáng 3/11. Ảnh: Quốc Khánh
Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật sáng 3/11. Ảnh: Quốc Khánh

Thứ hai, có đại biểu cho rằng gia hạn nhiệm kỳ đại sứ cũng cần được phê chuẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong quy trình bổ nhiệm thì đã quy định rõ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Chủ tịch nước bổ nhiệm triệu hồi đại sứ cũng như trong tranh luận các đồng chí cũng nêu, một số ít các trường hợp không thể kết thúc nhiệm kỳ đúng thời hạn, có thể chậm một vài tháng về những lý do khách quan như phải tiếp tục ở lại khi có đoàn cấp cao sang hoặc nước tiếp nhận chưa chấp thuận, hoặc đại sứ khi trình quốc thư thì bắt đầu mới tính nhiệm kỳ đại sứ, thay đổi do từng nước khác nhau.

Theo giải trình của Ủy ban Đối ngoại thì nói là đại sứ có thể về và để người thứ hai, trên thế giới hiện nay chúng ta cũng như các nước là việc một nước không có đại sứ lâu thì có thể được hiểu là trong quan hệ giữa 2 nước có vấn đề, do đó luôn luôn có đại sứ tại nước đó.

Chính vì vậy, Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, trong dự thảo luật này đã quy định rất rõ và thực hiện đúng theo Hiến pháp năm 2013 quy định là thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Điều này được thể hiện tại Điều 20 của dự thảo luật và Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm đối với đại sứ.

Thứ ba, có một số đại biểu có nêu ý kiến việc phối hợp giữa cơ quan đại diện với các đoàn công tác cho rằng nếu quy định tất cả các đoàn đi công tác phải báo cáo cơ quan đại diện là không khả thi. Dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này cũng quy định rất linh hoạt về việc thông báo kết quả của đoàn công tác bảo đảm khả thi và thực hiện đúng yêu cầu của Bộ Chính trị về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đại biểu nhấn mạnh là cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan đại diện hỗ trợ các đoàn trong nước sang. Về vấn đề hỗ trợ các đoàn thì đó là chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đại diện phải thực hiện, đó là nhiệm vụ đã được trao cho các cơ quan đại diện. Trên thực tế thì các cơ quan đại diện này cũng đã hết sức quan tâm và cơ bản thực hiện tốt.

Kết thúc phần phát biểu của mình - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: “Cơ bản dự thảo Luật Cơ quan đại diện ở nước ngoài năm 2009 đã góp phần hết sức quan trọng vào công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài lần này nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi để cho các cơ quan đại diện ngoại giao của chúng ta ở nước ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó. Chúng tôi mong rằng dự thảo luật lần này sẽ được Quốc hội thông qua”.

Việt Hùng (lược ghi)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng: Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO