Ảnh minh họa |
Đối tượng nghiên cứu của quy hoạch bao gồm khu bảo tồn thiên nhiên; hành lang đa dạng sinh học; cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; khu vực đa dạng sinh học cao; cảnh quan sinh thái quan trọng; vùng đất ngập nước quan trọng.
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, chủ trương, đường lối, chính sách, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, định hướng, chiến lược phát triển ngành tài nguyên môi trường.
Bảo đảm tính liên kết tổng thể trên phạm vi từng vùng và toàn quốc, tính đồng bộ về phạm vi, thời kỳ quy hoạch, thứ tự ưu tiên và khả năng đáp ứng nguồn lực theo các giai đoạn; dựa trên kết quả các nghiên cứu, đánh giá về khoa học và thực tiễn; kết quả thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ trước; tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch cần đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến đa dạng sinh học các vùng sinh thái trên đất liền và các vùng biển; đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học các vùng sinh thái trên đất liền và các vùng biển; đánh giá hiện trạng các rạn san hô, thảm cỏ biển và vùng nước trồi; đánh giá hiện trạng các đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học các vùng sinh thái trên đất liền và các vùng biển; xây dựng các bản đồ hiện trạng rạn san hô, thảm cỏ biển và vùng nước trồi trên phạm vi toàn quốc; xây dựng các bản đồ hiện trạng đa dạng sinh học, hiện trạng các đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cho từng vùng sinh thái; bản đồ xác định các khu vực ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học trong kỳ quy hoạch cho từng vùng sinh thái.
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các tiêu chí quy hoạch khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng; nghiên cứu đề xuất các đối tượng quy hoạch tiềm năng cho từng vùng sinh thái trên đất liền và biển; xây dựng nội dung định hướng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; xây dựng hướng dẫn lập nội dung quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, xác định các mục tiêu cụ thể bảo tồn đa dạng sinh học toàn quốc và theo từng vùng sinh thái; xác định các chỉ tiêu cụ thể đối với các đối tượng nghiên cứu của quy hoạch; xác định tên gọi, vị trí địa lý, quy mô diện tích, loại hình, mục tiêu, chế độ và phân cấp quản lý các đối tượng nghiên cứu của quy hoạch; xây dựng các kế hoạch phát triển (phân kỳ), biện pháp tổ chức, quản lý và phát triển bền vững đối với từng đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán của dự án và lựa chọn đơn vị lập quy hoạch theo đúng quy định hiện hành. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện lập quy hoạch theo Nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả.
Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ TN&MT lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định hiện hành, bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả.