Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An, Lai Châu tập trung thực hiện xây dựng Đảng từ sau Đại hội XII tới nay, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt, triển khai kịp thời các nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Lai Châu triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập. Tỉnh tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, Đảng bộ tỉnh Lai Châu có 13 đảng bộ trực thuộc, 564 tổ chức cơ sở đảng, 2150 chi bộ, với gần 27.000 đảng viên. Thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Lai Châu đã tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và đến nay đã tinh giản 124 tổ chức, giảm 109 lãnh đạo và 1.049 biên chế...
Về phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 16,63%, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt gần 33 triệu đồng. Đến nay Lai Châu đã trồng gần 6.200 ha chè; trên 13.000ha cao su đại điền; gần 10.000ha quế, sơn tra, mắc ca; tỷ lệ chè phủ rừng đạt 49,11%.
Đến hết năm 2018, bình quân tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt 13,67 tiêu chí/xã và có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 9/16 dự án thủy điện quy hoạch đã hoàn thành, đóng góp cho ngân sách tỉnh trên 1.000 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 ước đạt 2.123 tỷ đồng...
Thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Lai Châu đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh vào nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; sắp xếp tin gọn bộ máy; giữ vững an ninh chính trị, an ninh nông thôn, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia...
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Ngọc An cho biết: “Lai Châu đã từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển với các tỉnh khác sau 15 năm tái lập”.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những thành tựu mà Lai Châu đã đạt được toàn diện trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, các nghị quyết của Trung ương, chính sách an sinh xã hội khi hầu hết các chỉ tiêu của giai đoạn 2015- 2020 đã hoàn thành, góp phần tích cực vào kết quả chung của cả nước. Lai Châu cần tập trung phát triển các cây trồng chủ lực như chè, cao su, táo mèo, mắc ca... ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã có hiệu quả, gia tăng độ che phủ của rừng. Đối với phát triển cao su, các bộ, ngành và tỉnh Lai Châu nghiên cứu cách thức phân chia lợi nhuận của hộ gia đình và công ty cao su, bảo đảm phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra bất cập trong phát triển của tỉnh Lai Châu là tăng trưởng dịch vụ thấp hơn tăng trưởng kinh tế và đề nghị tỉnh ưu tiên phát triển dịch vụ thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, hoạt động của các chợ nông thôn...
Tỉnh uỷ Lai Châu cần có Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn để tập trung huy động nguồn lực phát triển kinh tế.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giải đáp các kiến nghị của tỉnh liên quan tới bố trí vốn đầu tư các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn. Phó Thủ tướng cho biết trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu để triển khai các tuyến giao thông kết nối Đông-Tây ở miền núi phía bắc, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trong vùng và với vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã tới thăm Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ và bản văn hóa du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ tại huyện Phong Thổ./.