Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng

31/05/2019 15:56

(TN&MT) - Đó là nhận xét của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi ông phát biểu kết luận sau 1,5 ngày Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước diễn ra từ 30/5 đến hết sáng 31/5

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận phiên họp

Trong thời gian thảo luận tại hội trường đã có 77 vị Đại biểu Quốc hội phát biểu, có 9 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu giải trình, cung cấp thông tin thêm một số vấn đề có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Nhìn chung, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung, ý kiến rất phong phú, đa dạng, sâu sắc và bao quát mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh… phản ánh nhiều vấn đề, nội dung, vụ việc được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Trong phiên thảo luận, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội đều cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.

“Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 theo Nghị quyết của QH, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Đi vào cụ thể nội dung thảo luận, về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2018, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét: các đại biểu đều đánh giá rằng năm 2018 là năm đạt được nhiều kết quả tích cực, so với số đã báo cáo QH tại Kỳ họp thứ Sáu thì các chỉ số đều đạt và vượt mức với kết quả là hoàn thành 12/12 chỉ tiêu QH giao, tăng thêm một chỉ tiêu vượt kế hoạch, 6 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo QH. Kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây, kinh tế vĩ mô duy trì ở mức ổn định. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Năm 2018 là năm đầu tiên của giai đoạn 2016-2018, thu ngân sách trung ương vượt dự toán, kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách được tăng cường, bội chi thấp hơn so với dự toán được QH quyết định, nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố. Quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển. Các lĩnh vực xã hội khác đạt kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại được mở rộng, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Quang cảnh
Quanhg cảnh phiên họp sáng 31/5

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng cần đánh giá đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn về kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, những khó khăn, khiếm khuyết trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp cơ khí chế tạo, sự đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài đối với nền kinh tế. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tính bền vững của việc tăng thu NSNN; cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; sự xuống cấp của đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội; vấn đề tai nạn giao thông, phòng, chống cháy nổ; những hạn chế trong quản lý giáo dục và sai phạm trong tổ chức thi THPT, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông ở những vùng còn khó khăn như Tây bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ, vấn đề ô nhiễm môi trường, công tác quản lý đất đai...

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu phản ánh những bất cập về hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long chậm được khắc phục như cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, cầu Mỹ Thuận 2, đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, và các tuyến giao thông đường sông ở vùng Tây Nam bộ... đề nghị Chính phủ lưu ý đẩy nhanh thực hiện các dự án đã được phê duyệt và khẩn trương chuẩn bị đầu tư cho các dự án mới; tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực đầu tư các dự án chống xâm nhập mặn, sạt lở đê biển, bờ sông...

Đồng thời các Đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm đến tính thực chất trong cắt giảm thủ tục hành chính, hiệu quả của cải cách bộ máy, cải cách tư pháp, công tác thanh tra, kiểm tra, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Các đại biểu đề nghị phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Về tình hình KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2019, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình những tháng đầu năm 2019 và cho rằng vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018, tốc độ tăng trưởng đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát... Thu NSNN đạt kết quả tích cực, chi NSNN cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Đây là kết quả từ nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp ngay từ đầu năm.

Có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, làm rõ các yếu tố chất lượng tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính, các điều kiện hạn chế kinh doanh không cần thiết; có giải pháp để kịp thời tăng hiệu quả đầu tư và vấn đề kiểm soát CPI, việc tăng giá một số mặt hàng như giá điện, xăng.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, tình hình sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến chăn nuôi. Cần đánh giá về kinh tế nông nghiệp gắn với nông dân, nông thôn bảo đảm phát triển bền vững; Một số ý kiến quan tâm đến các vấn đề xuất khẩu liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, trong đó có vấn đề thủ tục xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đã phản ánh những vụ việc, hiện tượng cụ thể liên quan đến vấn đề xuống cấp của đạo đức, văn hóa; hiệu quả trong đổi mới giáo dục; các vụ án thương tâm, các vụ án ma túy với khối lượng lớn, quy mô rộng; vấn đề thu hồi đất, ổn định chỗ ở cho đồng bào các vùng dân tộc như khu vực Tây Nguyên, bồi thường, tái định cư ở một số dự án thủy điện.

Các đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực và việc làm của học sinh, sinh viên mới ra trường, vấn đề đời sống vật chất, văn hóa của đồng bào các dân tộc, công tác xóa đói, giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa; điều kiện sinh hoạt, thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động còn nhiều khó khăn; vấn đề bảo vệ môi trường với xây dựng các chỉ tiêu định lượng cụ thể, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt… Tình hình cháy nổ, vấn đề chất lượng, quản lý và công tác phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và các tệ nạn xã hội làm cho nhân dân lo lắng.

Các đại biểu mong muốn Chính phủ sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng trên để tạo niềm tin, góp phần an dân, ổn định xã hội, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế, tạo nền tảng để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm nay, chuẩn bị bước vào năm cuối của kế hoạch 5 năm với một tâm thế mới…

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN năm 2019 như báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến việc hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành các luật như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; có các giải pháp xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư công tư (PPP);

Các Đại biểu cũng đề nghị giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông; đổi mới thủ tục giải ngân đầu tư công và khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án, công trình.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất, vấn đề quy hoạch và cung cấp thông tin đầy đủ để phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, người dân; giải quyết các vướng mắc về đất đai. Có giải pháp căn cơ về đào tạo, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chú ý đến các bệnh viện ở vùng biên giới, hải đảo như bệnh viện quân dân y ở đảo Lý Sơn xuống cấp nghiêm trọng chưa được đầu tư… Có giải pháp kịp thời để giải quyết các vướng mắc trong và sau quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy ở các địa phương.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng mặc dù quản lý NSNN năm 2017 đã có nhiều tiến bộ, bội chi NSNN giảm so với dự toán được QH quyết định, song cơ cấu thu NSNN chưa thực sự bền vững, tăng thu chủ yếu từ tài nguyên và đất đai, việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán NSNN vẫn còn những tồn tại, yếu kém xảy ra khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành và địa phương. Việc chấp hành kỷ luật tài chính còn chưa nghiêm, một số khoản chi quan trọng tiếp tục không đạt dự toán, tình trạng chi sai định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn xảy ra; công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, nợ đọng, giải ngân chậm, ứng trước, chuyển nguồn lớn và hiệu quả đầu tư thấp… Các đại biểu yêu cầu cần phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường quản lý tài sản công, tài chính công…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO