Lẽ dĩ nhiên, người đang sử dụng ô tô sẽ băn khoăn khi mình phải chịu thêm một khoản phí. Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng chống phá Nhà nước đã xuyên tạc khi cho rằng chúng ta lạm thu. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ sẽ thấy, việc thu phí vào nội đô là một quyết định không mới, đồng thời, rất có ý nghĩa với việc giảm tải giao thông cho các thành phố lớn.
Nhìn rộng ra thế giới, Singapore là đất nước đầu tiên áp dụng việc thu phí vào nội đô từ năm 1998. Cùng với các loại thuế phí khác, việc sở hữu xe tại đất nước này khá dễ nhưng để duy trì sự tồn tại của nó lại là cả một vấn đề. Do đó, cho đến ngày nay, sau khi thu phí nội đô, mật độ giao thông giảm 20%, 65%, người dân Singapore lựa chọn sử dụng phương tiện công cộng vì chi phí rẻ, tiện lợi hơn. Lượng khí thải CO2 và bụi giảm đáng kể.
Sau Singapore, nhiều đô thị khác như London (Anh), Stockholm (Thụy Điển), Seoul (Hàn Quốc), Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) cũng đã áp dụng thành công mô hình thu phí vào nội đô và nhận được đánh giá cao. Đơn cử như thành phố London, trong 3 năm đầu thực hiện, lưu lượng giao thông vào thành phố đã giảm 15%, tình trạng tắc nghẽn giảm 30%.
Như vậy, hiện nay, việc tìm cách giảm các phương tiện cá nhân, tăng cường, khuyến khích sử dụng các phương tiện công cộng đang trở thành xu thế tất yếu. Việc thu phí xe ô tô vào nội đô sẽ tạo ra nguồn kinh phí cần thiết để chính quyền thành phố trợ giá cho các phương tiện giao thông công cộng khác. Từ đó, khuyến khích, hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng cho người dân.
Có thể thấy rằng, việc đề ra chủ trương thu phí vào nội đô của chính quyền TP. Hà Nội là chuyện không mới của nhiều đô thị trên thế giới. Điều cần bàn ở đây chính là thời gian thực hiện, xác định đâu là khu vực nội đô để đặt các trạm thu phí hợp lý và công nghệ thu phí sẽ được áp dụng để tạo thuận lợi cho người dân. Một vấn đề khá băn khoăn khác mà dư luận lưu tâm, đó là việc đảm bảo các phương tiện giao thông công cộng đủ khả năng vận chuyển hành khách từ ngoại thành vào nội đô (và ngược lại) đảm bảo 24/24, đúng giờ, đúng tất cả các tuyến để người dân kịp thời gian đi làm và về lại nơi sinh sống. Bởi nếu thực hiện thu phí mà giao thông công cộng không đảm bảo, người dân vẫn phải dùng phương tiện cá nhân để chủ động di chuyển thì chỉ thêm phiền, thêm tốn kém cho dân.
Vẫn xung quanh chủ đề thu phí vào nội đô Hà Nội, cánh báo chí đang khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau và đưa ra nhiều quan điểm đồng tình có, phản bác có.
Đúng là nói thì luôn dễ hơn làm. Để yên không làm gì thì ngay lập tức sẽ có những bài báo tựa chính quyền làm ngơ, chính quyền không có giải pháp cho tình trạng ùn tắc giao thông. Nhưng để tìm ra giải pháp thì chê ỏng chê eo, chưa làm nhưng cứ thích bàn lùi, không nêu ra sáng kiến, giải pháp nhưng luôn tìm chỗ để bới móc và phủ nhận.
Đã gọi là thí điểm thì có nghĩa là được phép sai số. Để tìm ra cái đúng, chúng ta sẽ phải có cái sai. Ngay trong triển khai thu phí, chính quyền không triển khai ồ ạt mà sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Hơn nữa, đây là thí điểm ở Hà Nội, còn trên thế giới, rất nhiều đô thị lớn đã triển khai và kết quả rất khả quan.
Tắc đường, chuyện không mới và là vấn nạn của bất kỳ đô thị nào trên thế giới. Tìm ra các giải pháp để cải thiện giao thông luôn là những cơn đau đầu của các nhà quản lý. So với việc ngồi yên thì hành động, tìm tòi luôn là sự đúng đắn. Đừng chỉ nói, nói một cách bàn lùi, nói một cách thiếu xây dựng, nói một cách bâng quơ như thế. Nói thì dễ, làm mới là khó. Hãy góp ý kiến để có một Hà Nội văn minh, thông thoáng và sạch đẹp hơn.