Phát triển thực chất

Ngọc Lý| 25/03/2021 15:27

(TN&MT) - Trên bản đồ kinh tế Thế giới, Việt Nam đang đứng ở thứ hạng quá khiêm tốn. Lựa chọn nào đây trước sự phát triển như vũ bão của các nền kinh tế trên thế giới. Đó là điều không dễ trong thời điểm này, mặc dù tiềm năng và thế mạnh đã có.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có thế mạnh là nguồn cung khối lượng lớn cái ăn, cái mặc và một phần cái ở… cho cả thế giới, nhưng còn ở mức độ “thô”, giá trị và hiệu quả thấp.

Những ngành sản xuất đang lớn mạnh như may mặc, giày dép, trang trí nội thất, cần phải chuyển mạnh từ vị thế gia công sang vị thế người chủ sáng tạo, sản xuất và bán sản phẩm thời trang, bán sự sành điệu.

Ngành nông sản và thủy sản cần phát triển những sản phẩm đặc sản (kể cả sản phẩm tươi sống và sản phẩm chế biến tinh) có đặc tính hoàn toàn tự nhiên, an toàn và tốt cho sức khỏe, những sản phẩm như vậy có giá trị thương mại rất cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Song song với việc xây dựng các ngành sản xuất xanh, dịch vụ xanh là một hệ thống đồng bộ nghiên cứu thị trường, quảng bá, tiếp thị, bán hàng, xây dựng chuỗi cửa hàng Việt Nam xanh (Vietnam Green Store) trên khắp thế giới, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia dựa trên chuỗi của hàng này và tạo ra hiệu ứng hình ảnh bùng nổ toàn cầu về các giá trị xanh hấp dẫn, độc đáo của Việt Nam trong thời đại mới.

Xu hướng sống xanh đang lên ngôi

Thực tiễn đã cho thấy, trong phát triển kinh tế phải có sự tăng trưởng liên tục và ổn định lâu dài; tăng trưởng kinh tế phải hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các tiêu chí về dịch vụ đô thị. Sự hài lòng của người dân về dịch vụ đô thị và dịch vụ công là cơ sở để đánh giá chất lượng phát triển. Để đạt được yếu tố bền vững trong phát triển thì mọi kế hoạch và chương trình mục tiêu luôn phải đảm bảo thỏa mãn được tất cả các tiêu chí bền vững về: xã hội, môi trường, kỹ thuật và tài chính. Song nhìn lại, chúng ta còn thiếu nhiều tiêu chí cho một đô thị bền vững.

Nổi bật nhất có lẽ là ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Mỗi khi gặp phải những vấn đề khó khăn, nhiều người lại đặt câu hỏi: “Diện mạo của thành phố trong 10 năm hay 20 năm nữa sẽ như thế nào?”. Và rồi “người ta” đưa ra hàng loạt các đề xuất, kiến nghị. Chưa nói đến tính khả thi của các đề xuất, nhưng có thể hiểu, những bức bối của đô thị hôm nay là hệ quả của một quá trình phát triển vô tội vạ, quản lý đô thị, quy hoạch và thực hiện quy hoạch yếu kém… Ngay hiện tại, nhiều khi tiếng nói của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc để giành lại từng khoảng không gian đô thị công cộng cho người dân đã không thể cản được đường đi của những dự án triệu đô.

Đã có nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: Xu hướng tương lai của người tiêu dùng toàn cầu là chăm sóc sức khỏe, ăn sạch, ở sạch, được sống trong môi trường trong lành và an ninh. Xu hướng tiêu dùng cũng chính là xu hướng của nền kinh tế vì phát triển kinh tế để phục vụ nhu cầu của con người. Điều đó trùng với quan điểm phát triển nền kinh tế xanh dựa trên rất nhiều lợi thế của Việt Nam, chúng ta không nên tốn tiền lao vào cuộc tranh giành lợi thế với ai, chỉ cần đầu tư đúng các lợi thế riêng sẽ tạo được thay đổi rất lớn cho đất nước.

Nhà nước cần chú trọng đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn song song với việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ phục vụ cho kinh tế xanh. Bởi lẽ, các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, xây dựng công nghiệp phụ trợ để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… là cuộc đua rất tốn kém, mệt mỏi, để lại hậu quả khó lường về môi trường, và không tạo được lợi thế so sánh lâu dài.

Thêm nữa, cần có một cái nhìn mới về chiến lược phát triển, mà chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Lương lao động đủ sống phải được coi là đầu tư vào con người. Chính con người là vốn quan trọng nhất trong phát triển. Khi lương không đủ sống, con người sẽ rất dễ làm những điều bình thường họ không làm, do đó mà đạo đức xã hội xuống dốc. Chúng ta cần xét lại chính sách tăng cường thặng dư nhằm tăng tích lũy để chạy theo tốc độ tăng GDP bất chấp hậu quả hiện nay và quay trở lại với một Nhà nước có trách nhiệm xã hội.

Đưa đất nước thăng tiến trên bậc thang xếp hạng của thế giới là một mục tiêu và sứ mệnh cao cả. Nhưng đó nên là trên bảng xếp hạng của các chỉ số thực, chứ không phải trên bảng của các chỉ số danh nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thực chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO