Ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên 2019, đang diễn ra tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu khai mạc |
Thứ trưởng cũng đánh giá cao vai trò tích cực, chủ động vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong thị trường BĐS. “Có thể nói, những thay đổi tích cực về diện mạo đô thị, về khả năng đáp ứng nguồn cung nhà ở cho người dân; sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng du lịch, dịch vụ thương mại, văn phòng; hạ tầng khu công nghiệp…đều có sự góp công rất lớn của cộng đồng các doanh nghiệp”, Thứ trưởng nói.
Phát biểu tổng quan về thị trường BĐS trong 3 năm qua, ông Nguyễn Trần Nam – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động, song nhìn chung, thị trường BĐS Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp hơn và giảm thiểu các nguy cơ rủi ro so với thời kỳ trước.
“Thị trường BĐS Việt Nam đang ngày càng thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong nền kinh tế và là động lực phát triển cho nhiều ngành, nghề và thị trường khác”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định |
Nhận diện những diễn biến của thị trường, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, theo xu hướng của nền kinh tế, từ cuối năm 2018, thị trường BĐS đã và sẽ gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút. Thách thức đặt ra là hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường BĐS còn chưa đồng bộ, những khó khăn về thủ tục hành chính và những sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới; doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
Thậm chí, gần đây, còn tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan, các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương, việc lừa đảo bán “dự án ma” trở nên phổ biến; thiếu hụt hệ thống thông tin về thị trường bất động sản (BĐS) và những lo ngại về tính minh bạch của thị trường này.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Trần Nam, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Hệ thống thông tin, dự báo về tình hình thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch. Chưa có hệ thống quản lý và thống kê dữ liệu về sở hữu bất động sản, giao dịch bất động sản đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản.
Cùng với đó, thị trường bất động sản phát triển chưa thật sự ổn định. Vẫn còn khá nhiều dự án chậm hoàn thành hoặc không đủ điều kiện hạ tầng để đưa vào sử dụng, bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở (tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh,...) còn mất cân đối, chưa phù hợp với nhu cầu của đa số người dân. Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, khá cao so với thu nhập của người dân.
Các đại biểu tham gia tọa đàm cấp cao về thị trường BĐS Việt Nam |
Trước những bất cập đó, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng đồng thời phân tích những cơ hội của thị trường BĐS Việt Nam trong những năm tới. Theo ông Nguyễn Trần Nam, có 5 cơ hội mở ra, đó là thị trường BĐS vẫn giữ được sự ổn định, dựa vào các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô; nhu cầu về nhà ở của Việt Nam còn rất lớn; dư địa phát triển rất lớn cho phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, BĐS công nghiệp; vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng mạnh và ngày một thực chất hơn; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mới.
Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường BĐS năm 2020 sẽ không có nhiều biến động, nhu cầu về nhà ở tiếp tục gia tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Thị trường bất động sản 2020 dự báo tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.