Phát triển sản phẩm du lịch gắn với Đà Nẵng - Hội An

22/06/2015 00:00

(TN&MT) - Nằm trong khu vực trọng điểm du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) là khu vực sở hữu nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn hết sức phong phú cùng với các yếu tố về cơ sở hạ tầng, dịch vụ cũng như môi trường du lịch an toàn, thân thiện, khu vực này đang thu hút một cách bền vững khách du lịch trong và ngoài nước, trở thành cửa ngõ thứ ba (sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) cho các nguồn khách vào Việt Nam.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, du lịch quận Cẩm Lệ vẫn chưa thực sự phát triển. Để khai thác và tận dụng triệt để tiềm năng và thế mạnh của khu vực, quận Cẩm Lệ đang tìm giải pháp liên kết phát triển sản phẩm du lịch Cẩm Lệ gắn liền với Đà Nẵng - Hội An.

Xác định đây là điểm đến phát sinh

Thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ đến các di sản miền Trung nhờ hệ thống giao thông đa dạng và thuận tiện, tài nguyên du lịch tập trung chủ yếu vào tài nguyên biển, du lịch sinh thái, các trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm… Phố cổ Hội An là một trong những di sản văn hóa thế giới được biết đến một cách rộng rãi, được xem là hạt nhân trong chiến lược xúc tiến quốc gia đến một số thị trường trọng điểm, tài nguyên du lịch rất đa dạng cả về tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên.

Ảnh minh họa
Di tích lịch sử quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang

Hai thành phố đang rất thu hút khách du lịch nhưng đều có những hạn chế chung: thiếu các chương trình du lịch đường sông, thiếu không gian cho dịch vụ homestay, thiếu các làng nghề truyền thống làm điểm dừng chân trên đường. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn thiếu các sản phẩm văn hóa đặc thù, phố cổ Hội An có không gian chật hẹp. Trong khi đó, Cẩm Lệ nằm ngay trong thành phố Đà Nẵng và trên đường từ Đà Nẵng đi Hội An, lại đang sở hữu những lợi thế có thể bổ sung rất tốt cho Đà Nẵng và Hội An nên đây được coi là điểm đến phát sinh cho hai trung tâm du lịch này.

Lợi thế thứ nhất, với vị trí nằm giữa các trung tâm du lịch và các điểm di sản, Cẩm Lệ là điểm dừng chân lý tưởng cho các tuyến hành trình: Hành trình đường bộ Bắc - Nam; tuyến du lịch Huế - Hội An - Mỹ Sơn và Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn. Thứ hai, các tài nguyên sinh thái sông nước và giá trị văn hóa làng xã mà nơi đây sở hữu có thể đưa Cẩm Lệ trở thành trung tâm homestay của cả khu vực miền Trung. Thứ ba, con sông Cẩm Lệ nối liền với sông Hàn và sắp tới, khi sông Cổ Cò được khai thông nối liền Đà Nẵng - Hội An, Cẩm Lệ sẽ là một nhánh quan trọng trong kế hoạch phát triển du lịch đường sông của cả Đà Nẵng và Hội An.

Ngoài ra, Cẩm Lệ còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Khu lăng mộ Ông Ích Khiêm, Nghĩa trủng Hòa Vang, đài tưởng niệm liệt sỹ Hòa Vang, đình Trung Lương, đình Tùng Lâm, đình Phong Lệ Bắc, đình Hòa An, nhờ thờ tộc Thái, miếu Cây Sung,… đặc biệt là di tích tháp Chăm mới được phát hiện là những lợi thế mà ít nơi có được.

Từ những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Cẩm Lệ đang định hướng phát triển du lịch bền vững xuất phát từ một điểm đến phát sinh.

Phát triển bền vững từ điểm đến phát sinh

Để du lịch Cẩm Lệ thu hút khách một cách bền vững, trong định hướng phát triển đến năm 2020, quận Cẩm Lệ đã xác định phát triển ngành du lịch theo hướng liên kết phát triển sản phẩm du lịch Cẩm Lệ gắn với Đà Nẵng - Hội An xuất phát từ những điểm đến phát sinh.

Đầu tiên, từ các điểm du lịch riêng lẻ chưa có các dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm… sẽ được khai thác, đầu tư bằng cách xây dựng hệ thống dịch vụ phục vụ thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của khách để giữ chân du khách. Và các điểm du lịch như vậy dần dần được nhân rộng ra rồi liên kết lại với nhau để mở rộng quy mô hình thành một điểm đến du lịch thực sự.

Hiện tại, quận cũng đã khai thác những tài nguyên du lịch đặc trưng của vùng mà Đà Nẵng và Hội An không có để thu hút lượng khách đông đúc của hai thành phố này.

Quận dự kiến sẽ xây dựng tour du lịch đường sông kết hợp tham quan Bảo tàng Chăm với tháp Chăm vừa mới được phát hiện tại làng Phong Lệ (quận Cẩm Lệ). Theo đó, loại hình thuyền cổ của người Chăm sẽ được tái hiện để phục vụ du khách. Ngoài ra, làng bánh khô mè truyền thống cũng sẽ được quy hoạch đầu tư, xây dựng với nhiều loại sản phẩm đa dạng, quy mô lớn để có thể phục vụ được cả khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, quận cũng tận dụng những nét quê truyền thống của vùng rau chuyên canh La Hường kết hợp với những tài nguyên sinh thái và các giá trị văn hóa để xây dựng dịch vụ homestay.

Không chỉ khai thác các nguồn tài nguyên sẵn có, quận Cẩm Lệ còn đầu tư xúc tiến khai thác khách bằng cách: chuẩn bị các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, giới thiệu điểm đến; tham gia các hội chợ du lịch chuyên đề; tham gia các chương trình giới thiệu sản phẩm ở các thị trường tiềm năng; mời các đoàn Famtrip, Mediatrip; quảng bá hình ảnh trên các kênh truyền thông.

Với nguồn lực có hạn, các hoạt động xúc tiến của Cẩm Lệ cần được triển khai cùng với các hoạt động xúc tiến của Đà Nẵng - Hội An cũng như nhóm liên kết vùng Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, tranh thủ nguồn kinh phí xúc tiến từ Tổng cục Du lịch, các nhà tài trợ, xã hội hóa các hoạt động xúc tiến,…Có như vậy, Cẩm Lệ mới nhanh chóng trở thành một điểm du lịch có sức hút đối với nhiều nguồn khách.    

Bài và ảnh: Phạm Yến – Quỳnh Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển sản phẩm du lịch gắn với Đà Nẵng - Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO