Phát triển nhiệt điện than - mâu thuẫn tăng trưởng xanh?

21/07/2015 00:00

(TN&MT) - Hiện nay, nhiệt điện dùng than đang chiếm tỷ lệ quá lớn và vẫn tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong cung ứng nguồn điện cho những năm tiếp theo. Sau giai đoạn phát triển vừa qua, đa số các chuyên gia nhận định rằng, dường như Chiến lược phát triển nhiệt điện đang đi ngược với Chiến lược tăng trưởng xanh mà Việt Nam đang hướng tới bởi mối nguy hại với môi trường mà nó gây ra...

Lựa chọn tối ưu vì rẻ!

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), Việt Nam đã xác định nhiệt điện (chiếm đa số là nhiệt điện đốt than) làm trọng tâm phát triển nguồn điện. Cụ thể, công suất nhiệt điện than năm 2020 là 36.000 MW, chiếm 48% cơ cấu nguồn điện; và công suất nhiệt điện than năm 2030 là 75.000 MW, chiếm 51% cơ cấu nguồn điện. Như vậy, nếu so với tổng công suất các nhà máy điện than của cả nước năm 2010 là 4.250 MW, chỉ trong vòng 10 năm, tổng công suất các nhà máy điện than tăng gấp 8,5 lần và sau 20 năm tăng gấp 17,6 lần.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc trung tâm năng lượng thuộc Viện năng lượng, Bộ Công Thương cho hay: Hiện nay, bên cạnh các nguồn khai thác điện như dầu khí, thủy điện; điện gió thì nhiệt điện đang là một lựa chọn tối ưu để tạo ra điện bởi công nghệ nhiệt điện đơn giản và rẻ hơn nhiều so với dầu khí hoặc khí đốt.

Theo đó, cơ cấu điện năng theo dạng năng lượng sơ cấp đến năm 2015, nhiệt điện than sẽ chiếm khoảng 58% và năm 2030 sẽ chiếm đến 60%. Trong khi đó, thủy điện và các loại hình khác có xu hướng giảm.

Kiểm soát môi trường đang là bài toán khó tại nhà máy nhiệt điện than
Kiểm soát môi trường đang là bài toán khó tại nhà máy nhiệt điện than

Song trên thực tế có rẻ hay không khi sau 1 năm thực hiện theo Quy hoạch điện VII, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lựa chọn phát triển nhiệt điện than đang mâu thuẫn với chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh? Bởi thực tế hiện nay các nhà máy nhiệt điện than được phân bố trên khắp cả nước, trải dài khắp Việt Nam từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Kiên Giang, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang... đang cho thấy rõ nguy cơ ô nhiễm môi trường từ khí thải, tro xỉ và nước thải từ các nhà máy.

Đăc biệt, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, những khu vực có nhà máy nhiệt điện hoạt động thường có nguy cơ về mưa axit,  khói mù và ô nhiễm kim loại nặng vào chuỗi thức ăn; nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và đất đai cho nông nghiệp,  suy giảm nguồn lợi thủy sản, suy giảm năng suất nuôi trồng thủy sản, năng suất trồng trọt.

Sự lựa chọn khó khăn

Bà Hoàng Thanh Bình, đại diện Tổ chức Hòa Bình Xanh (Green ID) - đơn vị vừa có cuộc khảo sát tác động đến môi trường, xã hội của các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam cho biết: Việc phát triển các nhà nhiệt điện than có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường và đời sống của người dân. Qua những số liệu thu thập được, phát thải khí nhà kính từ các nhà máy nhiệt điện than giai đoạn 2014-2022 ước chiếm khoảng 63% tổng lượng phát thải khí nhà kính của các nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó, số liệu được Green ID công bố cũng cho thấy việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro xỉ khồng lồ, ước khoảng 14,8 triệu tấn mỗi năm từ năm 2020 và lên đến 29,1 triệu tấn mỗi năm từ năm 2030.

Đứng trước thực trạng nêu trên, ông Lâm Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang nêu vấn đề: Nhiệt điện than tuy có điều kiện phát triển, nhưng qua phân tích của một số nhà chuyên môn, nó là mối đe dọa, thế giới đang bỏ dần. Như vậy, tại sao chúng ta lại đi theo điện than (theo quy hoạch, nhiệt điện than sẽ chiếm khoảng 60% công suất ngành điện cả nước) mà không tìm giải pháp phát triển điện khí, điện sinh khối, điện gió hay điện mặt trời?

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm năng lượng thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) khẳng định: Chúng ta phải phát triển nhiệt điện than bởi không có cách nào khác, đối với điện mặt trời, điện gió thì phụ thuộc vào thời tiết  đó là chưa kể chi phí đầu tư cũng như giá thành sẽ rất cao. Chẳng hạn, đối với điện mặt trời, lắp đặt 1MW cần khoảng 15-18 héc ta đất, rất tốn kém. Theo ông Cường, sau khi xem xét các vấn đề có liên quan và cả dự báo giá than nhập khẩu thời gian tới, thì nhiệt điện than vẫn là ưu tiên. Tuy nhiên, bài toán cần phải giải quyết ở đây là lựa chọn nhà máy đặt ở đâu để không ảnh hưởng đến cộng đồng; làm sao kiểm soát được chất lượng, lựa chọn công nghệ nào… để vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân.

Bài & ảnh:Minh Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nhiệt điện than - mâu thuẫn tăng trưởng xanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO