Phát triển nghề bánh cáy gắn với bảo vệ môi trường

30/11/2015 00:00

(TN&MT) – Ghé thăm Thái Bình những ngày chớm đông, chúng tôi được tận hưởng mùi thơm nhẹ của hương nếp cái hoa vàng - hương vị đặc trưng của bánh cáy làng...

 

(TN&MT) – Ghé thăm Thái Bình những ngày chớm đông, chúng tôi được tận hưởng mùi thơm nhẹ của hương nếp cái hoa vàng dọc theo con đường quốc lộ 10 và quốc lộ 39A (đoạn đi qua thị trấn Đông Hưng). Đó là hương vị đặc trưng của bánh cáy – đặc sản nổi tiếng của làng Nguyễn.

Dân giàu nhờ nghề tổ

Vừa đặt chân đến vùng “đất tổ” của làng nghề bánh cáy truyền thống Nguyên Xá (làng Nguyễn), chúng tôi được vị cán bộ văn hóa xã Nguyên Xá dẫn đi tham quan một số cơ sở sản xuất bánh cáy truyền thống lâu đời. Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là cơ sở của ông Nguyễn Trọng Cường – thế hệ thứ 14 của tổ nghề bánh cáy làng Nguyễn.  

Tiếp đón chúng tôi, ông Cường hồ hởi kể rằng làng nghề đã có cách đây hơn 250 năm. Dẫn chúng tôi đi thăm đền thờ tổ nghề bánh cáy, ông Cường cho biết: Tháng 5 năm nay, dòng họ Nguyễn vừa đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho đền thờ, từ đường và lăng mộ tổ nghề bánh cáy. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, sản phẩm bánh cáy vẫn được lưu truyền, tồn tại, phát triển và trở thành sản phẩm đặc trưng của làng Nguyên Xá.

ảnh 1: Bảng xếp hạng di tích cấp tỉnh thành phố đền thờ, từ đường và lăng mộ tổ nghề bánh cáy xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình
Bảng xếp hạng di tích cấp tỉnh thành phố đền thờ, từ đường và lăng mộ tổ nghề bánh cáy xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình

Những năm gần đây, các hộ dân làng Nguyễn đã đổi mới công nghệ làm bánh, chú trọng tới chất lượng sản phẩm, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại thay thế một số công đoạn làm thủ công trước đây. Ông Nguyễn Hữu Viên – Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Đến nay toàn xã có khoảng 350 hộ làm nghề, thu hút hàng trăm lao động trong toàn xã. Trong đó, có 24 cơ sở lớn sản xuất quanh năm, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, nhiều năm gần đây làng nghề cải tiến theo hình thức chuyên môn hóa các khâu (rang hoa, làm con, đóng bánh…) và liên kết thành một dây chuyền sản xuất. Gắn bó 10 năm với nghề rang hoa nẻ - một công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất bánh cáy, anh Nguyễn Trọng Công chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã thấy cha ông làm nghề này, sau khi lập gia đình riêng, chúng tôi đã coi đó là nghề không thể thiếu trong cuộc sống gia đình. Từ làm thô sơ đến đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, nghề làm hoa nẻ đã là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Đến nay, bình quân mỗi ngày gia đình sản xuất khoảng 2,5 – 3 tạ hoa nẻ, đem lại thu nhập ổn định 150 nghìn đồng/ ngày/người”.

Hoa nẻ làm từ nếp cái hoa vàng là một trong những nguyên liệu tạo hương vị đặc biệt cho bánh cáy làng Nguyễn
Hoa nẻ làm từ nếp cái hoa vàng là một trong những nguyên liệu tạo hương vị đặc biệt cho bánh cáy làng Nguyễn

Nhấp chén trà trong tiết trời se lạnh, Phó Trưởng phòng Công thương huyện Đông Hưng – ông Bùi Văn Duyệt phấn khởi chia sẻ: “Nhà báo cứ đi khắp làng Nguyễn mà xem, hầu như các hộ gia đình làm nghề bánh cáy đều có kinh tế khá giả, đặc biệt những năm gần đây nhiều hộ gia đình sản xuất với quy mô lớn đã đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại thay thế một số công đoạn làm thủ công trước đây nhưng vẫn gìn giữ và phát triển nghề mang đậm nét truyền thống. Trong số đó, phải kể đến những cơ sở sản xuất bánh cáy Việt Hương, Tiến Đức, Đình Mạnh, Nguyễn Bốn, Dân Liên… - những cơ sở điển hình làm giàu từ nghề này với hơn 10 nhân công sản xuất liên tục trong năm”.

“Nhờ có “nghề tổ” mà cuộc sống vật chất của bà con trong làng ngày càng được cải thiện hơn. Thế nhưng, khi làng nghề phát triển, chất lượng cuộc sống của bà con được nâng cao thì cũng là lúc thương hiệu của làng nghề vẫn đang “loay hoay tìm hướng đi”. Mỗi cơ sở sản xuất bánh cáy đều muốn có thương hiệu độc quyền của riêng mình nên việc tạo dựng thương hiệu chung của làng nghề bánh cáy truyền thống Nguyên Xá từ lâu vẫn chỉ là “bản thảo” – ông Bùi Văn Duyệt chia sẻ.

Phó Trưởng phòng Công thương huyện Đông Hưng – ông Bùi Văn Duyệt cho biết những năm gần đây nhiều hộ gia đình sản xuất bánh cáy với quy mô lớn đã đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại thay thế một số công đoạn làm thủ công trước đây nhưng vẫn gìn giữ và phát triển nghề mang đậm nét truyền thống
Phó Trưởng phòng Công thương huyện Đông Hưng – ông Bùi Văn Duyệt cho biết những năm gần đây nhiều hộ gia đình sản xuất bánh cáy với quy mô lớn đã đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại thay thế một số công đoạn làm thủ công trước đây nhưng vẫn gìn giữ và phát triển nghề mang đậm nét truyền thống

Phát triển nghề gắn với bảo vệ môi trường

Ông Bùi Văn Duyệt, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng Vũ Quý Nhật trăn trở: Xây dựng thương hiệu làng nghề đã khó nhưng việc bảo đảm môi trường làng nghề còn khó hơn! Quy mô sản xuất chất nhỏ lẻ, manh mún gây nhiều khó khăn trong việc quản lý chất lượng sản phẩm và vệ sinh môi trường.

Theo ông Vũ Quý Nhật, năm 2008 UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo quy hoạch Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Nguyên Xá rộng 11ha, hướng đến loại bỏ các hình thức sản xuất nhỏ lẻ, nhằm nâng cao chất lượng môi trường làng nghề.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng Vũ Quý Nhật trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên báo TN&MT
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng Vũ Quý Nhật cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT làng nghề của các hộ sản xuất. 

Với mong muốn cải thiện môi trường làng nghề, Trưởng phòng TN&MT Vũ Qúy Nhật cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường làng nghề của các hộ sản xuất. “Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian qua, Phòng TN&MT huyện Đông Hưng đã tổ chức các chương trình hội thảo, phối hợp với đoàn thể nhân dân triển khai công tác vệ sinh môi trường, phối hợp với cảnh sát môi trường xử lý triệt để các hộ sản xuất gây ô nhiễm.”

Về giải pháp lâu dài, Phòng TN&MT đã đề ra mục tiêu tổng quát BVMT huyện Đông Hưng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 là xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất làng nghề; di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào CCN.

Bánh cáy – đặc sản của làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình
Bánh cáy – đặc sản của làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình được các hộ sản xuất đóng hộp cẩn thận trước khi bán ra thị trường

Chia tay làng nghề vào lúc chiều tà, trở lại cuộc sống nhộn nhịp thường ngày của Thủ đô, chúng tôi không ngừng suy nghĩ đến những trăn trở về việc xây dựng thương hiệu làng nghề của các cấp chính quyền, đặc biệt là phòng Công thương cũng như những khó khăn của Phòng TN&MT trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường của làng Nguyễn nói chung và làng bánh cáy Nguyên Xá nói riêng.

Thiết nghĩ, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo VSATTP và xây dựng thương hiệu làng nghề thì việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và hướng đến lợi ích chung của làng nghề cũng là những yếu tố hết sức quan trọng giúp đặc sản bánh cáy làng Nguyễn vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.


Bài & ảnh: Tuyết Chinh – Mai Đan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nghề bánh cáy gắn với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO