Phát triển năng lượng tái tạo chỉ mới giới hạn trong ngành điện

Khánh Ly| 17/06/2020 14:07

(TN&MT) - Đó là nhận định trong Báo cáo tình hình năng lượng tái tạo toàn cầu 2020 do tổ chức REN21 vừa công bố ngày 16/6. Báo cáo chỉ ra, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong ngành điện trên toàn thế giới là 26%, trong khi tỷ lệ tương ứng ở lĩnh vực sưởi ấm và làm mát, vận tải chỉ là 10% và 3%.

Bà Rana Adib, Giám đốc điều hành của REN21 cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành năng lượng tái tạo đã có những bước phát triển ấn tượng, đánh bại tất cả các loại nhiên liệu khác về mặt tăng trưởng và khả năng cạnh tranh.

Những bước tiến hiện nay phần lớn là kết quả của các chính sách và quy định khởi xướng từ nhiều năm trước và tập trung vào ngành điện. Năm 2019, khu vực tư nhân đã ký các thỏa thuận mua bán điện (PPA) tạo mức tăng trưởng kỷ lục hơn 43% cho công suất điện tái tạo mới.

Tuy vậy, trong các lĩnh vực năng lượng cho sưởi ấm, làm mát và vận tải, những rào cản chuyển đổi vẫn gần như nguyên vẹn suốt 10 năm nay. Điều này dẫn đến tỷ lệ năng lượng tái tạo trong các ngành này hầu như không có thay đổi lớn.

Năng lượng tái tạo trong ngành điện được đầu tư nhiều nhất

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế đặc biệt do COVID-19, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA dự báo phát thải CO2 liên quan đến năng lượng sẽ giảm tới 8% vào năm 2020, nhưng chỉ là tạm thời.

Để đáp ứng các mục tiêu của Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, thế giới sẽ cần duy trì mức giảm hàng năm ít nhất là 7,6% trong 10 năm tới. Báo cáo nhấn mạnh, thế giới cần một cuộc phong toả toàn diện đối với nhiên liệu hóa thạch để đi đến cách mạng khí hậu.

Các cuộc biểu tình vì khí hậu toàn cầu đã lan rộng ở phạm vi chưa từng thấy, với hàng triệu người tham gia ở 150 quốc gia. Tính đến tháng 4/2020, 1.490 khu vực trải rộng trên 29 quốc gia đã ban hành các tuyên bố khẩn cấp về khí hậu, trong đó bao gồm các kế hoạch và mục tiêu cho các hệ thống năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo.

Trong khi một số quốc gia đang dần loại bỏ than trong sản xuất điện, nhiều nước khác vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than. Kể từ khi các nước ký Thỏa thuận Paris, mức tài trợ các ngân hàng tư nhân cho những dự án nhiên liệu hóa thạch vẫn tăng lên mỗi năm, với tổng trị giá 2,7 nghìn tỷ USD trong ba năm qua.

Theo bà Rana Adib, các quốc gia đang đứng trước cơ hội chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp khi ban hành gói phục hồi kinh tế để ứng phó với dịch Covid-19. Tuy vậy, vẫn có một số gói phục hồi trực tiếp thúc đẩy khí đốt tự nhiên, than hoặc dầu mỏ. Hoặc có quốc gia dù tuyên bố đặt trọng tâm xanh, lại chỉ xây phần mái mà quên đi nền móng. “Lấy ví dụ xe ô tô chạy bằng điện và hydrogen chẳng hạn. Những công nghệ này chỉ được tính là xanh nếu có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo”, bà Rana Adib nhận định.

Báo cáo tình hình năng lượng tái tạo toàn cầu 2020 chỉ ra rằng, các biện pháp phục hồi “xanh” (như đầu tư vào năng lượng tái tạo và vào hiệu suất năng lượng của các tòa nhà) tiết kiệm chi phí tốt hơn các biện pháp kích thích kinh tế truyền thống và cũng mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Báo cáo cũng ghi nhận năng lượng tái tạo cung cấp cơ hội việc làm, quyền tự quyết năng lượng, tăng tốc quá trình tiếp cận năng lượng ở các nước đang phát triển, giảm khí thải và ô nhiễm không khí.

“Chính phủ các nước cần hành động mạnh mẽ hơn, không chỉ dừng ở gói phục hồi kinh tế.  Họ cũng cần tạo ra các quy tắc và môi trường phù hợp để chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng hiệu quả và dựa trên nhiên liệu tái tạo để thực hiện trên toàn cầu. Ngay từ bây giờ."  Arthouros Zervos, Chủ tịch của REN21 nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển năng lượng tái tạo chỉ mới giới hạn trong ngành điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO