Phát triển kinh tế- xã hội thiếu bền vững làm gia tăng các rủi ro thiên tai

29/11/2017 00:00

Ông Hoàng Văn Thắng: Với mạng lưới sông suối rất dày đặc trên cả nước, cùng với việc chúng ta nằm ở vùng hạ du của 2 con sông lớn nên Việt Nam từ xưa đến nay luôn luôn phải ứng phó với các thiên tai. Lịch sử xây dựng, phát triển đất nước của Việt Nam cũng luôn gắn liền với việc trị thủy, chống chọi với hạn hán, bão lũ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thiên tai đang diễn biến phức tạp hơn.

Vài năm gần đây, Việt Nam đã liên tục phải đón nhận hàng loạt thiên tai, gây thiệt hại lớn cả về người và tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Vậy nguyên nhân do đâu mà tình hình thiên tai tại Việt Nam diễn biến bất thường như vậy và làm sao để hạn chế được những thiệt hại do thiên tai gây ra? Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, cần phải đưa các hành động giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu vào trong tất cả các hoạt động của các ngành, các cấp.
 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng

PV: Theo ông, nguyên nhân vì sao thời gian qua Việt Nam liên tiếp hứng chịu nhiều cơn bão lớn như vậy?

Theo phân tích của các nhà khoa học, tác động của biến đổi khí hậu trước mắt đã làm gia tăng các rủi ro thiên tai, cường độ của các thiên tai có xu hướng tăng không những ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, ví dụ như cường độ của các cơn bão có xu hướng tăng. Chúng ta cũng đang chứng kiến các nước ở khu vực châu Mỹ những năm gần đây xuất hiện các cơn bão lịch sử, tức là trước đây chưa từng có, ở Việt Nam thì những thiên tai như lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại… cường độ có xu hướng gia tăng rất cao.

Bên cạnh đó, tần suất xuất hiện nhiều hơn, thời gian diễn biến và địa điểm cũng khác hơn. Chúng tôi cũng nhận thấy tác động của kinh tế - xã hội phát triển ở một số mặt nào đó thiếu bền vững là một nguyên nhân làm gia tăng các rủi ro thiên tai hoặc là xuất hiện thiên tai mới. Cụ thể, rõ ràng chúng ta có thể thấy việc phát triển thượng nguồn Mê Kông với các hồ chứa giữ lại phù sa bùn cát là một trong những nguyên nhân gây ra xói lở bờ sông, bờ biển, cộng với chúng ta khai thác cát quá mức, tình trạng khai thác rừng tràn lan làm giảm khả năng ngăn và trữ nước đã làm gia tăng lũ và hạn hán. Và còn rất nhiều nguyên nhân khác do phát triển thiếu bền vững đã làm gia tăng rủi ro thiên tai như vậy chúng ta thấy rằng để giảm nhẹ rủi to thiên tai thì phải gắn liền với tăng cường năng lực thích ứng biến đổi khí hậu gắn với quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Có thể nói đây là cả một hệ thống hành động rất lớn, và như vậy không chỉ nằm ở riêng trong lực lượng phòng chống thiên tai mà chúng ta phải đưa các hành động giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hành động thích ứng biến đổi khí hậu vào trong tất cả các hoạt động của tất cả các ngành, các cấp thì chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu là giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

PV: Sau các cơn bão vừa qua thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những kế hoạch, hành động như thế nào để giảm thiểu tác hại?

Ông Hoàng Văn Thắng: Thời gian vừa qua, chúng ta đã từng bước hoàn thiện, hình thành hệ thống thể chế về ứng phó với thiên tai, xây dựng các kế hoạch, sau Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 thì hiện nay chúng ta đang xây dựng các kế hoạch cho từng vùng một và ưu tiên những thiên tai có tính chất phổ biến ở vùng đấy để làm trước từ đó tìm mọi biện pháp huy động các nguồn lực khác nhau để nâng cao năng lực ứng phó thiên tai.

Rõ ràng năm 2016-2017 đã bộc lộ hầu hết các hình thái thiên tai từ hạn đến lũ lụt đến bão lớn đến bão xuất hiện ở những vùng ít bão như là Khánh Hòa và áp thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long và lũ cực lớn ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, miền Trung Trung bộ rồi những vụ sạt lở lớn, rét đậm rét hại ở vùng núi phía Bắc. Kế hoạch của chúng tôi là tiến hành rộng trên cả nước nhưng cũng có những nhiệm vụ ưu tiên được thực hiện trước phù hợp với nguồn lực của chúng ta hiện nay.

Nếu mức độ xây dựng cơ sở hạ tầng chỉ ở một mức độ nhất định thì cần nâng cao năng lực mềm, trong đó tập trung nâng cao kỹ năng của người dân, chính quyền cấp cơ sở, nâng cao năng lực dự báo cảnh báo sớm để thực hiện các giải pháp như né tránh để ứng phó được với những thiên tai và từng bước một hoàn thiện, hoàn chỉnh bức tranh tổng thể trong ứng phó với thiên tai.

PV: Thời gian vừa qua bão đổ vào khu vực miền Nam nhiều hơn và gây thiệt hại rất lớn nhất là đối với khu vực ven biển vì vậy nhiều ý kiến cho rằng kĩ năng phòng chống bão của người dân miền vẫn còn rất kém. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào và cần làm thế nào để cải thiện được vấn đề này?

Ông Hoàng Văn Thắng: Đó là một nhận xét rất đúng, chúng ta luôn luôn thấy rằng cộng đồng dễ bị tổn thương vì vậy nếu cộng đồng này được nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai thì chúng ta sẽ giảm nhẹ được rủi ro thiên tai. Hiện Chính phủ cũng có một đề án gọi là đề án 1002 quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Trong thời gian vừa qua chúng ta đã huy động rát nhiều nguồn lực từ trong nước đến quốc tế để hỗ trợ hàng ngàn xã nâng cao năng lực phòng chống thiên tai nhưng qua những thiên tai đã xảy ra trong năm 2017 ở miền núi và qua thiệt hại ở ven biển vùng Nam Trung bộ thì chúng ta thấy rằng cẩn phải khẩn trương hơn nữa rà soát những xã, thôn bản có khả năng cao về rủi ro thiên tai để làm tốt hơn việc phòng chống thiên tai. Trong đó có những nhiệm vụ trọng tâm sau: Một là nâng cao năng lực cảnh báo sớm để người dân biết, thứ hai là nâng cao năng lực, kĩ năng của người dân, thứ ba là nâng cao năng lực của chính quyền cấp cơ sở. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo baohaiquan

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế- xã hội thiếu bền vững làm gia tăng các rủi ro thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO