Phát triển gạch không nung: Cần những chính sách ưu đãi

15/06/2016 00:00

(TN&MT) - Sản xuất gạch không nung tại Việt nam bước đầu đã có thành công. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu phát triển vật liệu xây không nung thay thế dần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 25% vào năm 2015 và 40 % vào năm 2020; sử dụng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp; tiết kiệm hàng năm khoảng 1000 ha đất nông nghiệp cần có những chính sách ưu đãi cho sản phẩm này.

 Đó là nhận định của các chủ cơ sở sản xuất gạch không nung tại hội thảo “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên tổ chức cuối tuần qua.

Tăng cường sản xuất gạch không nung cắt giảm khí nhà kính

Nhu cầu vật liệu xây dựng ở nước ta trong những năm qua tăng với tốc độ 8-10%/năm. Theo dự báo nhu cầu vật liệu xây dựng vào năm 2020 là 30-33 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC). Như vậy, để đáp ứng nhu cầu cung cấp vật liệu xây, cần phải duy trì sản xuất cả vật liệu nung và vật liệu không nung. Tuy nhiên, để sản xuất 1 tỉ viên gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất, tương đương 75 ha đất (độ sâu khai thác là 2m); 150.000 tấn than; thải ra 0,75 triệu tấn CO2 - gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhằm cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính thông qua giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Danh mục Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là Cơ quan chủ quản Dự án, Bộ Xây dựng là Cơ quan đồng thực hiện.  Mục tiêu dự án là giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383.000 tấn CO2; giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13,4triệu tấn CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.

Bước đầu đã có thành công

Để đạt những mục tiêu đề ra, đã có 4 hợp phần được triển khai thông qua Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” bao gồm hỗ trợ chính sách đối với việc phát triển công nghệ; xây dựng năng lực kỹ thuật để ứng dụng, vận hành sản xuất và sử dụng sản phẩm; hỗ trợ tài chính bền vững cho việc ứng dụng công nghệ; trình diễn công nghệ sản xuất và đầu tư nhân rộng. Đến nay, đã có 52 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành lộ trình, kế hoạch xóa bỏ lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; 25 tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Nhiều tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai rất cụ thể về lĩnh vực quản lý vật liệt xây dựng nên hiệu quả công tác quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn rất cao như: TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Thái Nguyên…

Bên cạnh đó Dự án thành công trong việc lựa chọn 3 dự án trình diễn công nghệ sản xuất GKN, trong đó tiên phong đi trước là dự án trình diễn sản xuất gạch bê tông bằng công nghệ ép rung tại Nhà máy Xi măng Lưu Xá, Thành phố Thái Nguyên. Sau một tháng (12/2015) sản xuất thử nghiệm, từ tháng 01/2016 nhà máy chính thức đi vào sản xuất, đến nay đã sản xuất và tiêu thụ được trên 6 triệu viên GKN. Sản phẩm GKN xi măng Lưu Xá đưa ra thị trường là loại sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ tốt, giá cạnh tranh, được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao. Sản phẩm GKN của nhà máy đã được cấp Chứng nhận hợp quy QCVN 16: 2014/BXD – Một tiêu chí bắt buộc đối với mọi sản phẩm GKN và các Chứng nhận về môi trường, Chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Sản phẩm gạch không nung được sử dụng trong các công trình xây dựng trong đó có nhà điều hành Trung tâm Bến xe khách của Tỉnh Thái Nguyên, Trường mầm non Cao Ngạn Thái Nguyên…

ác đại biểu tham quan mô hình sản xuất gạch không nung tại Nhà máy xi măng Lưu Xá.
ác đại biểu tham quan mô hình sản xuất gạch không nung tại Nhà máy xi măng Lưu Xá.

Ông Nguyễn Công Bằng, Giám Đốc Nhà máy xi măng Lưu Xá cho biết: Dự án có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, hiệu quả năng lượng và môi trường. Khi sản xuất đủ 40 triệu viên gạch quy tiêu chuẩn/năm thì hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính là 10.000 tấn CO2/năm và tiết kiệm 2.165 TOE/năm (Tấn dầu quy đổi/năm) so với công nghệ sản xuất gạch đất nung bằng lò tuy-nen”

Tính đến nay, cả nước đã có trên 1500 dây chuyền có công suất dưới 7 triệu viên/năm, khoảng trên 100 dây chuyền có công suất từ 7-40 triệu viên/năm; đặc biệt có nhà máy đầu tư 3 dây chuyền có tổng công suất lên đến 180 triệu viên/năm.

Vẫn khó khăn: Do đâu?

Việc tăng cường sản xuất gạch không nung bước đầu đã có những thành công tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn. Tại hội thảo “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung” do Bộ Khoa học và Công nghệ, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng, chính việc thiếu thông tin về những ưu điểm gạch không nung mang lại cộng với giá thành cao khiến việc tiêu thụ loại gạch này còn gặp muôn vàn khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Chung – Giám đốc Công ty CP Bê tông khí Viglacera cho rằng, giá sản phẩm gạch không nung đang còn cao hơn từ 15 – 25% gạch nung chính là nguyên nhân khiến không ít khách hàng mặn mà dùng loại gạch này.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Công chia sẻ, gạch đất nung sản xuất lò thủ công giá rẻ thậm chí tiêu thụ không cần hóa đơn làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạch không nung khi đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, theo quy định, sản phẩm gạch không nung phải có chứng nhận hợp quy mới được phép đưa vào công trình xây dựng nhưng trên thực tế nhiều sản phẩm gạch không nung chất lượng thấp, chất lượng không ổn định, không có chứng nhận hợp quy vẫn tiêu thụ trên thị trường mà không bị xử lý dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng.

Vì vậy, theo ông bằng “Nhà nước nên có những hỗ trợ kịp thời về vốn vay đầu tư, vốn để sản xuất kinh doanh, chính sách ưu đãi về thuế đối với việc tiêu thụ gạch không nung. Bên cạnh đó cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa về việc xoá bỏ dứt điểm các lò gạch đất nung thủ công hiện đang còn tồn tại làm mất đất canh tác và gây ô nhiễm môi trường theo đúng chủ trương của nhà nước và của tỉnh Thái Nguyên có như vậy mới thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sản xuất loại vật liệu này”.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Cho đến nay chưa có doanh nghiệp nào tại Việt Nam được hưởng các ưu đãi cho sản xuất gạch không nung. Để đạt được mục tiêu của chương trình là phát triển vật liệu xây không nung thay thế dần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 25% vào năm 2015 và 40 % vào năm 2020; sử dụng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp; tiết kiệm hàng năm khoảng 1000 ha đất nông nghiệp mà quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010  của Thủ tướng đề ra, Nhà nước cần không chung tay với doanh nghiệp giải quyết bài toán về vốn, lãi vay; thực hiện nghiêm túc việc sử dụng vật liệu gạch không nung trong các công trình vốn nhà nước theo chỉ thị của Thủ tướng.

M. Dung

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển gạch không nung: Cần những chính sách ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO