Phát triển DN nông nghiệp trong tái cơ cấu gắn với xây dựng NTM

08/09/2016 00:00

(TN&MT) – Đó là chủ đề Diễn đàn Phát huy vai trò của Doanh nghiệp trong nông thôn mới do Ban Kinh tế Trung ương – Bộ NN&PTNT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 8/9, tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Cao Đức Phát – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng đông đảo đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, lãnh đạo địa phương và các cơ quan báo chí.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã liên tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thấp, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp những năm gần đây có xu hướng giảm, phát triển kém bền vững.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Theo ông Nguyễn Văn Bình, một trong nghững nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết. Do vậy, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, BĐKH ngày càng gay gắt, cần rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, nguyên nhân sâu xa để có giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đánh giá tình hình phát triển nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn luôn là 3 mục tiêu lớn trong suốt quá trình chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã ban hành 2 chương trình cụ thể: tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Diễn đàn này tôn vinh, ghi nhận, đánh giá sự phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đồng thời, xác định rõ vai trò của doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình xây dựng nông thông mới…

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội thảo

Mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện trong giai đoạn 2010 – 2020 trên quy mô cả nước với gần 9000 xã. Đây là mô hình đầu tiên xây dựng theo cách lượng hóa với 19 tiêu chí. Bằng sự cố gắng vượt bậc đã tạo ra một cao trào sôi động trong toàn dân, thành phần kinh tế và hệ thống chính trị; hình thành gần 20000 mô hình sản xuất tốt là nền tảng cho sự phát triển…

Về chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường chỉ ra 3 thách thức lớn mà nước ta đang phải đối mặt là khó khăn khi đưa công nghiệp hóa vào nông nghiệp thời kỳ hội nhập quốc tế; khó khăn trong kiểm soát sản xuất; đối mặt với BĐKH diễn ra hết sức khắc nghiệt. Điều này đòi hỏi phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Và 3416 doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay đóng vai trò hạt nhân, vừa là cầu nối để hướng đến tái cơ cấu và nền sản xuất hàng hóa hội nhập.

Tại diễn đàn, các ý kiến đóng góp tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Nâng cao nhận thức về vai trò doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó nhấn mạnh kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển doanh nghiệp nông nghiệp và phát huy vai trò doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới; Vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành trong phát triển doanh nghiệp nông nghiệp tập trung đưa ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo điều kiện để giúp các doanh nghiệp nông nghiệp chủ động vươn lên; Giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Chú trọng mô hình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, ông Lê Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Nhà máy đường Lam Sơn cho rằng, cần xây dựng thành công mối liên kết 4 nhà: nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông trong nông nghiệp. Muốn đi vào sản xuất lớn, chất lượng cao, giá trị gia tăng mạnh, cần nhanh chóng đổi mới phương thức sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ lên sản xuất hàng hóa hội nhập, liên kết quốc tế; đổi mới phương tiện sản xuất từ thủ công sang cơ giới hóa…

Mặt khác, Nhà nước cần đổi mới chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới như thuế, chính sách lãi suất theo cơ chế hoàn trả…Đổi mới cơ chế đào tạo người nông dân trên nhiều phương diện, đặc biệt là trong kỹ thuật sản xuất. Hơn nữa, tập trung cao vào xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp.

Tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào thị trường nông sản thế giới. Những nội dung, đánh giá, ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được chắt lọc, xã hội hóa, vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tin & ảnh: Tuyết Chinh – Thái Học

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển DN nông nghiệp trong tái cơ cấu gắn với xây dựng NTM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO