Phát triển cụm công nghiệp: Chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường

Phúc Khang| 15/06/2020 15:20

(TN&MT) - Khi xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp, các địa phương cần gắn với các chính sách, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn trong từng thời kỳ, trên cơ sở bảo vệ môi trường, tiết kiệm, hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lực, tài nguyên khác của địa phương.

Những nội dung này được thể hiện cụ thể tại Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên

Theo Nghị định số 66/2020/NĐ-CP, nội dung chủ yếu của phương án phát triển cụm công nghiệp gồm có: Căn cứ pháp lý, sự cần thiết xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp; Đánh giá thực hiện các mục tiêu, nội dung chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trên địa bàn; dự kiến mục tiêu, nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ yếu, ưu tiên và dự báo các yếu tố thuận lợi, khó khăn tác động đến phát triển các cụm công nghiệp trong thời kỳ quy hoạch; dự báo nhu cầu mặt bằng của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các cụm công nghiệp.

Ưu tiên bố trí vốn xây dựng, hoàn thiện công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Ngoài ra còn có đánh giá hiện trạng, tiến độ xây dựng, hiệu quả đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn; tình hình thu hút đầu tư, tỷ lệ lấp đầy, quản lý cụm công nghiệp; đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường, biện pháp xử lý môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội của từng cụm công nghiệp; những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân.

Đồng thời, phải xây dựng các kịch bản phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; trong mỗi kịch bản có thuyết minh đối với từng cụm công nghiệp gồm tên gọi, vị trí, diện tích, hiện trạng đất đai trên nguyên tắc hạn chế sử dụng đất đã quy hoạch trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; ngành nghề hoạt động (định hướng các ngành, nghề có tính liên kết, trong cùng chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ); giải trình cơ sở điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp; giải pháp thu hút đầu tư, dự kiến tiến độ thành lập, đầu tư hạ tầng, thu hút lấp đầy và tạo việc làm cho người lao động địa phương; đánh giá khả năng kết nối hạ tầng kinh tế - xã hội ngoài cụm công nghiệp và các yếu tố thuận lợi, khó khăn.

Đặc biệt, phải có giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; giải pháp đánh giá, xử lý hiện trạng môi trường, dự báo tác động, biện pháp xử lý môi trường của các cụm công nghiệp dự kiến trong phương án phát triển, đặc biệt cụm công nghiệp đã thành lập, hoạt động trên địa bàn và tổ chức thực hiện.

Tiêu chí bảo vệ môi trường được chấm điểm cao

Nghị định mới nêu rõ, các địa phương khuyến khích, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp khi có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đáp ứng quy định của pháp luật.

Trong quá trình thẩm định, Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư để chấm điểm với thang điểm 100 cho các tiêu chí: phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 15 điểm); phương án quản lý, bảo vệ môi trường cụm công nghiệp (tối đa 15 điểm); năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 40 điểm).

Doanh nghiệp, hợp tác xã có số điểm từ 50 trở lên được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Trong quá trình thực hiện, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau 12 tháng kể từ ngày thành lập, mở rộng cụm công nghiệp hoặc ngừng thực hiện, chậm triển khai dự án 12 tháng so với tiến độ tại quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét gia hạn hoặc quyết định lựa chọn chủ đầu tư khác.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, tích hợp vào quy hoạch tỉnh, lấy ý kiến đối với phương án phát triển cụm công nghiệp theo quy định để hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, các cơ chế, chính sách, kế hoạch hoạt động phát triển cụm công nghiệp; trình Hội đồng nhân dân cùng cấp về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp do ngân sách địa phương đảm bảo (ưu tiên bố trí vốn xây dựng, hoàn thiện công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cụm công nghiệp: Chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO