Ngày 20/8, tại TP. Tam Kỳ, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Cơ quan thường trú Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các đối tác phát triển tổ chức Diễn đàn Phát triển DTTS năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng 400 đại biểu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, khoa học tham dự.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, tỷ lệ nghèo đã giảm 13% trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Tỷ lệ trẻ em tiếp cận mầm non tăng nhanh chóng. Chấm dứt nghèo cùng cực là lĩnh vực ưu tiên tại Việt Nam và mở rộng cơ hội tăng thu nhập phi nông nghiệp là bước thoát nghèo của đồng bào DTTS được ưu tiên. Cần suy nghĩ khác và điều chỉnh chương trình sinh kế phù hợp với các nguồn tài nguyên và từng vùng dân tộc.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe những chia sẻ về phương pháp tiếp cận phát triển chuỗi giá trị trong phát tiển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; những khuyến nghị về thay đổi phương pháp tiếp cận từ “giảm nghèo” sang “làm giàu” vừa bảo đảm phù hợp nền kinh tế thị trường vừa dựa trên những lợi thế của khu vực miền núi.
Những mô hình mà đại diện của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế đã chia sẻ cho thấy cơ hội phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ ở khu vực miền núi mà chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh của Quảng Nam đã khẳng định rằng nếu có phương pháp tiếp cận đúng, có chiến lược phát triển đồng bộ cùng với quyết tâm cao của chính quyền các địa phương và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, những thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có lời giải với hiệu quả cao.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng diễn đàn lần này thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Từ cảm hứng làm giàu của những tỷ phú sâm Việt Nam trên rừng đại ngàn Ngọc Linh, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu những đề xuất về di thực và phát triển cây sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu quý, các lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao đến các khu vực miền núi có điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, tán rừng tương đồng, tạo việc làm, thu nhập.
Đồng thời, Phó Thủ tướng khuyến khích Quảng Nam và các địa phương khác cùng liên kết, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển cây sâm Ngọc Linh cho xứng tầm với một loại dược liệu quý đã được công nhận là sản phẩm quốc gia.
Nhằm xây dựng hệ thống chính sách dân tộc một cách đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn sau năm 2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá, phát huy những kết quả đạt được, đề ra các giải pháp, chính sách đột phá hơn nữa cho thời gian tới, nhất là huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi.
“Tôi yêu cầu Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh Quảng Nam cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp thu và cụ thể hóa trong các đề xuất, quản lý và triển khai thực hiện chính sách của mình trong thời gian tới”- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nói.