Phát triển bền vững ĐBSCL: Nhiều áp lực về nước và BĐKH 

Bạch thanh| 18/03/2021 10:50

(TN&MT) - Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển bền vững do thường xuyên phải đối diện với những yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nguồn nước, tạo áp lực lớn đến vựa lúa của vùng ĐBSCL.

Nguy cơ tác động tiêu cực

Vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản… Tuy vậy, trong những năm gần đây, ĐBSCL đã phải đối mặt với những tác động ngày càng gia tăng do BĐKH cực đoan; tình trạng sụt lún đất, xói lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến toàn vùng,… Đỉnh điểm nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2015 - 2016 và gần đây nhất là mùa khô 2019 - 2020, mặn đã xâm nhập sâu đến khoảng hơn 100 km vào các tỉnh/thành ven biển trong vùng, ảnh hưởng trực tiếp gần 100 nghìn ha đất sản xuất và khoảng 96 nghìn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Một mô hình nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với BĐKH tại Bến Tre

Trong đó, Kiên Giang là tỉnh ở hạ lưu sông Hậu và tiếp giáp với biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy triều biển Tây khiến cho Kiên Giang là một trong những tỉnh dễ bị tổn thương bởi BĐKH. Từ năm 2015 đến nay, BĐKH đối với Kiên Giang không còn là dự báo, kịch bản mà đã được biểu hiện rõ nét bởi sự xâm nhập mặn, sự khan hiếm nước ngọt trong mùa khô và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở vùng ven biển cũng như hải đảo vào mùa mưa. Tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng, nhiều đai rừng phòng hộ ven biển cũng bị sóng đánh trôi.

Còn tại Bến Tre, một tỉnh giàu tiềm năng về phát triển nông nghiệp và kinh tế biển; với vị thế cù lao bao bọc bởi các con sông lớn và 65 km bờ biển, sông rạch chằng chịt, Bến Tre cũng là địa phương dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH và nước biển dâng. Đợt hạn năm 2019 - 2020, xâm nhập sâu gần như bao phủ cùng với hạn hán kéo dài, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không chỉ sản xuất nông nghiệp mà toàn bộ nền kinh tế của tỉnh và cuộc sống sinh hoạt của người dân do không đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước ngọt.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đều nhận định, BĐKH ngày càng khó lường, tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo; tình trạng sụt lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển; tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng. Do đó, nếu không có những giải pháp phù hợp, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân trong khu vực và có những tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an ninh lương thực không những của đất nước mà cả thế giới.

Tạo động lực để phát triển bền vững

Ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, một trong những thách thức lớn mà tỉnh Bến Tre nói riêng và ĐBSCL nói chung đang phải đối mặt là BĐKH. Là một châu thổ trẻ, BĐSCL rất mẫn cảm trước tác động mang tính toàn cầu của BĐKH, dẫn đến những ưu thế về điều kiện tự nhiên cho sự phát triển trước đây và hiện nay của vùng ĐBSCL sẽ phải thay đổi.

Vì vậy, Bến Tre xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả là nền tảng; phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng và xây dựng đô thị là động lực tăng trưởng; tập trung phát triển các ngành kinh tế biển gắn với định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông; liên kết vùng ĐBSCL và chủ động thích ứng với BĐKH là mũi đột phá tương lai.

Theo ông Lê Quân - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nước biển dâng và BĐKH, khiến lượng phù sa giảm mạnh, rừng ven biển của Cà Mau bị giảm nhanh chóng. Trên nhiều tuyến đê biển Tây đã không còn rừng ven biển. “Vấn đề thiếu nước ngọt vào mùa khô và thừa nước ngọt vào mùa mưa đang ngày càng nghiêm trọng. Ưu tiên của tỉnh là tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp, hình thành các tiểu vùng khép kín gắn với hệ thống thủy lợi nội đồng thích ứng với BĐKH, tích nước ngọt thông qua xây dựng hệ thống ao, hồ nội đồng”, ông Quân nhấn mạnh.

“Các yếu tố cực đoan của BĐKH đã làm gia tăng, tạo áp lực lớn đến vựa lúa của vùng ĐBSCL. BĐKH là một quá trình dài, do đó để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH như kỳ vọng thì các Bộ, ngành, địa phương phải có tầm nhìn quy hoạch dài hạn và mang tính tích hợp; phải có “nhạc trưởng” để hỗ trợ cho các liên kết của các tỉnh, thành với nhau”.

PGS. TS. Lê Anh Tuấn 

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ

Còn theo ông Lê Quang Mạnh - Bí Thư Thành ủy Cần Thơ, thời gian qua, TP. Cần Thơ đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 theo phương pháp tích hợp. Qua đó, tăng cường liên kết, hợp tác một cách thực chất với các địa phương khác để phát huy hiệu quả, sức mạnh tổng hợp của vùng.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; đồng thời, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao. TP. Cần Thơ đã chủ động thích ứng với BĐKH, tập trung các nguồn lực, kể cả các vốn vay ODA để đầu tư các công trình, dự án nâng cấp đô thị, điều tiết nước, đê kè sông rạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững ĐBSCL: Nhiều áp lực về nước và BĐKH 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO