Phân loại rác thải tại nguồn: Vẫn là con số không!

03/04/2014 00:00

(TN&MT) - Phân loại rác tại nguồn từng được giới thiệu, tuyên truyền tại Việt Nam từ chục năm qua, nhưng công tác này vẫn chưa thể triển khai trên diện rộng.

(TN&MT) - Phân loại rác tại nguồn từng được giới thiệu, tuyên truyền tại Việt Nam từ chục năm qua, nhưng đến nay, công tác này vẫn chưa thể triển khai trên diện rộng một cách thường xuyên.
   
   
   
Dừng lại ở thí điểm
   
  Báo cáo của Bộ TN&MT đã chỉ ra lượng chất thải rắn (CTR) tại các khu vực của nền kinh tế đã không ngừng gia tăng trong những năm qua (trung bình 10%/năm) với tỷ lệ  46% là CTR từ các đô thị, 17% từ hoạt động sản xuất công nghiệp và dự báo đến năm 2015 tỷ trọng này sẽ tăng lên 51% đối với các đô thị và 22 % đối với các khu sản xuất công nghiệp. Chỉ riêng Hà Nội và TP. HCM mỗi năm thải ra khoảng hơn 30.000 tấn chất thải, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó có đến 50% - 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới, nhưng chỉ có khoảng 10% trong số này được tái chế và tái sử dụng.
   
  Hoạt động phân loại chất thải tại nguồn được TP.  Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng áp dụng thử nghiệm và đã có những kết quả nhất định. Đặc biệt, Dự án 3R-HN do Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ triển khai trên địa bàn Hà Nội đã mang lại kết quả tích cực trong giai đoạn 2006 - 2010. Tuy nhiên, cho đến nay, đa số các chương trình phân loại chất thải tại nguồn vẫn chưa được triển khai rộng rãi và duy trì lâu dài do thiếu nguồn lực tài chính để mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng như nguồn nhân lực triển khai thực hiện.
   
  Nguyên nhân là sau một thời gian tiến hành chương trình thử nghiệm người dân không còn được cung cấp các bao bì để bỏ rác khác nhau thì họ lại dùng mọi phương tiện có sẵn để chứa tất cả rác thải trong nhà trước khi bỏ ra ngòai cho đơn vị thu gom mang đi. Tại một số nơi triển khai thí điểm mô hình, do hạn chế, thiếu đầu tư cho công tác thu gom vận chuyển và xử lý CTR theo từng loại, nên sau khi người dân tiến hành phân loại tại nguồn, rác thải được thu gom và đổ lẫn vào xe vận chuyển để mang đến bãi chôn lấp chung dẫn đến việc mục tiêu của chương trình phân loại rác tại nguồn không được thực hiện triệt để. Thêm vào đó, do chưa thực sự quen với việc phân loại CTR tại nguồn nên tỷ lệ người dân tự nguyện tham gia phân loại rác chỉ khoảng 70%. Kinh phí dành cho công tác tuyên truyền vận động ban đầu thì có nhưng đến khi kết thúc dự án thì không còn duy trì tuyên truyền.
   
Cần thay đổi ý thức người dân
   
  Các chuyên gia môi trường nhận định, hoạt động phân loại rác thải tại nguồn chỉ thực sự thành công khi chính các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà khoa học và người dân Việt Nam có chuyển biến về nhận thức và sẵn sàng tham gia hành động phân loại, tái chế rác thải.
   
  Theo đó, với các khu vực dân cư phát triển về nhận thức xã hội và có mức sống tương đối cao như các phường, quận trung tâm của các thành phố, cần song song đầu tư các cơ sở tái chế rác có đủ năng lực tiếp nhận và tiếp tục phân loại, tái chế toàn bộ lượng rác thải được phân loại sơ bộ từ nguồn được đưa đến hàng ngày, thanh toán phí xử lý hợp lý, đồng thời ban hành các chính sách khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, khuyến khích sử dụng các sản phẩm tái chế từ rác. Phải bảo đảm cho các cơ sở tái chế rác có thể tự cân đối về mặt kinh tế để tồn tại và phát triển ổn định.
   
  Với các khu vực còn lại, Nhà nước với vai trò “bà đỡ” của một phong trào lớn có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển bền vững đất nước sẽ chủ động giảm đầu tư các khu chôn lấp rác, thay vào đó là đầu tư các nhà máy xử lý rác có dây chuyền tách lọc và tái chế rác thải chưa phân loại tại nguồn tạo thành các sản phẩm mới. Khi các nhà máy này được đầu tư và đi vào hoạt động, số lượng rác chôn lấp sẽ giảm mạnh, tác động tích cực đến môi trường, tạo thêm việc làm cho xã hội. Đồng thời với việc đầu tư cho các nhà máy tái chế, cần tăng cường vận động và bắt buộc các cơ quan, gia đình và từng người dân tham gia phân loại rác tại nguồn. Khi đó, rác tập kết đến nhà máy xử lý sẽ được phân loại và chất lượng sản phẩm tái chế sẽ tốt.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân loại rác thải tại nguồn: Vẫn là con số không!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO