Phân khúc condotel quay đầu sụt giảm

17/10/2018 12:01

(TN&MT) - Bắt đầu "bùng nổ" tại Việt Nam từ khoảng năm 2016, phân khúc condotel nhanh chóng thu hút nhiều “đại gia” bất động sản (BĐS) rót vốn. Tuy nhiên sau một thời gian lên “cơn sốt”, xu hướng đầu tư condotel đang sụt giảm nhanh chóng.

duong 1
Ảnh minh họa

Báo cáo quý III/2018 của Hiệp Hội môi giới Bất động sản cho thấy, thị trường BĐS vẫn giữ ổn định về giao dịch, chưa có dấu hiệu nào cho thấy có biểu hiện "sốt" ảo hoặc bong bóng BĐS. Hà Nội và TP.HCM vẫn là 2 thị trường phát triển bền vững và giữ tốc độ ổn định nhất. Chỉ tính riêng trong quý III năm 2018, hai Thành phố này đã đưa 20.328 sản phẩm mới vào thị trường.

Tuy nhiên, thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong quý III/2018 ghi nhận sự sụt giảm của cả nguồn cung và lượng giao dịch. Cụ thể, trong Quý III/2018 hầu hết ở các vùng phát triển mạnh về BĐS nghỉ dưỡng đều không có nguồn cung mới chào hàng, ngoại trừ ở Nha Trang có dự án Lanuna mở bán lần đầu ra thị trường. Lượng giao dịch cả nước về sản phẩm Condotel chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm

Nhận định về việc phân khúc condotel đi xuống, một chuyên gia BĐS cho biết, hiện nay, thị trường chậm lại do cần thanh lọc, điều chỉnh. Bên cạnh đó, việc thị trường BĐS nghỉ dưỡng nở rộ nhanh nhưng lắng xuống rất nhanh là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư đã có nghiên cứu kỹ và cẩn trọng hơn, trong khi đó condotel được xem như ‘con lai’ khi pháp lý không rõ ràng, rủi ro cao nên các nhà đầu tư không còn mặn mà.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt vốn nên dòng vốn đầu tư đặc biệt là dòng vốn về BĐS nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, giá bán của sản phẩm nghỉ dưỡng hiện đã được các chủ dự án đẩy lên ở mức cao, bình quân từ 35 - 50 triệu đồng/m2 thậm chí có những dự án có giá trên 70 triệu đồng/m2. Ở mức giá cao này, nhà đầu tư khó tạo thanh khoản khi có nhu cầu chuyển nhượng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định, rất nhiều người vì nghĩ lợi nhuận từ condotel 10 - 12%, thậm chí 15%, lãi hơn bất kỳ loại hình kinh doanh nào khác nên đổ vào condotel số tiền quá lớn, nhưng đến khi đưa vào sử dụng thì thực tế không được như vậy. Khách hàng mua condotel có thể được trả lợi tức 10 - 12%/năm trong một vài năm đầu, nhưng một vài năm sau việc trả lãi chậm dần vì các khu resort của Việt Nam chưa đủ khả năng thu hút nhiều khách đến như vậy dẫn đến thu nhập chưa nhiều để trả lãi cho người mua. Cuối cùng, khi chủ đầu tư không trả tiền nữa sẽ xảy ra nhiều đổ vỡ

Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, cam kết lợi nhuận của condotel là con dao 2 lưỡi. Bởi đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin về pháp lý của căn hộ nghỉ dưỡng. Mỗi chủ đầu tư lại đưa ra những quy định khác nhau. Cam kết lợi nhuận là một công cụ bán hàng rất tốt với chủ đầu tư. Tuy nhiên, nguồn cung tung ra thị trường không phải ai cũng có nhu cầu, nhất là trong điều kiện thị trường đang thừa cung, thiếu cầu. Sẽ không có chủ đầu tư nào nói với khách trong bao năm nữa thị trường sẽ đón nhận bao nhiêu nguồn cung.

“Cam kết của chủ đầu tư sẽ trả cho người mua căn hộ condotel là 8 - 10% trong vòng 8 - 10 năm. Theo cam kết này, dù thị trường có biến động ra sao thì khách hàng vẫn được nhận. Nhưng trong trường hợp, chủ đầu tư vẫn có nhiều vốn thì khách hàng có cơ hội nhận được hoa hồng nhưng rủi ro, chủ đầu tư khó khăn, không có tiền chi trả thì hợp đồng sẽ bị phá vỡ” - bà Dương Thùy Dung cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân khúc condotel quay đầu sụt giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO