Phạm vi bảo vệ sản xuất, môi trường quanh đê bao ở tỉnh Đắk Lắk

13/08/2018 16:42

(TN&MT) – Gia đình tôi mới chuyển vào Đắk Lắk làm ăn kinh tế mới. Chúng tôi đã thuê 500m2 đất của xã để trồng cây cà phê và chăn nuôi. Để phục vụ cho sản xuất cây này, chúng tôi có xây 1 số công trình phụ được sự cho phép của xã. Tuy nhiên, 1 trong số các công trình này đang vướng vào vùng đất phụ cận đê bao của địa phương. Xin hỏi, phạm vi vùng phụ cận đối với đê bao trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là bao nhiêu m? Người dân chúng tôi làm sao có thể biết được những quy định này, hàng năm, chính quyền địa phương có thông báo cho người dân không?

dat trong pham vi de dieu thuoc quyen su dung cua ai
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Theo Quyết định số 13/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh, đê bao là đê bảo vệ cho một khu vực riêng biệt, làm nhiệm vụ ngăn nước, bảo vệ sản xuất, dân sinh kinh tế và môi trường khu vực đó, bao gồm:

- Đê bao liên huyện là đê bảo vệ cho khu vực liên quan từ hai huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là huyện) trở lên;

- Đê bao liên xã là đê bảo vệ cho khu vực liên quan từ hai xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) trở lên trong một huyện;

- Đê bao độc lập là đê bảo vệ cho khu vực trong phạm vi một xã.

Trong đó, phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái đê bao trở ra về phía sông và phía đồng như sau: Ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch, phạm vi vùng phụ cận được tính từ chân đê trở ra 5 m đối với: Đê bao liên huyện; Đê bao liên xã và Đê bao độc lập. Đối với các vị trí khác:

- Đối với Đê bao liên huyện: Phạm vi vùng phụ cận tối thiểu là 7 m.

- Đê bao liên xã: Phạm vi vùng phụ cận tối thiểu là 6 m.

- Đê bao độc lập: Phạm vi vùng phụ cận tối thiểu là 5 m.

Tại Quyết định này, UBND tỉnh đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện và các tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác công trình thủy lợi rà soát hiện trạng sử dụng đất trong hành lang bảo vệ công trình. Đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo thẩm quyền; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan thực hiện việc quản lý và sử dụng đất theo quy định.

Để người dân nắm được thông tin về phạm vi vùng phụ cận các công trình thủy lợi nói chung và các đê bao nói riêng, UBND cấp xã phải tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân địa phương thực hiện các quy định của Pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình này.

Đồng thời, UBND xã phải ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tại địa phương, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý; thực hiện các biện pháp phối hợp quản lý, bảo vệ chặt chẽ các mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, không để xảy ra tái vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND xã  sẽ giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, để biết công trình xây dựng nhà bạn có lấn chiếm phạm vi vùng phụ cận đê bao của địa phương hay không bạn cần đến UBND xã hỏi cụ thể. Tại đây, cán bộ địa địa phương sẽ cho bạn biết về hành vi vi phạm và hướng giải quyết.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạm vi bảo vệ sản xuất, môi trường quanh đê bao ở tỉnh Đắk Lắk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO