Phải làm vững cái gốc của phòng chống dịch bệnh

02/01/2014 00:00

Y tế dự phòng là gốc của phòng, chống dịch bệnh, nhưng hiện nay, cán bộ làm công tác này còn nhiều tâm tư, sinh viên cũng không muốn học ngành này...

Y tế dự phòng là gốc của phòng, chống dịch bệnh, nhưng hiện nay, cán bộ làm công tác này còn nhiều tâm tư, sinh viên cũng không muốn học ngành này, bác sĩ giỏi chỉ muốn vào khối điều trị. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
   
  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ điều này cùng nhiều đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2014, sáng 2/1.
  Báo cáo của Bộ Y tế cho biết hiện nhân lực cho y tế dự phòng tại nhiều tỉnh, huyện rất thiếu, bác sỹ không về, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cũng không đạt, đầu tư của địa phương thấp.
   
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Y tế dự phòng là gốc của phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: VGP/Minh Khôi
    
   
  Giám đốc Sở Y tế Lai Châu Nguyễn Công Huấn chia sẻ: Trung tâm Y tế dự phòng tuyến huyện của Lai Châu đang phải “ở nhờ” bệnh viện huyện; gần như chưa có trang thiết bị; khi có ổ dịch nhỏ xảy ra để chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây dịch thì phải gửi về Trung ương xét nghiệm từ 5-7 ngày, gây khó khăn trong phòng chống dịch. Nhân lực thiếu, nhưng bác sĩ ra trường không về nhận công tác hệ dự phòng, hoặc nếu có về cũng chỉ được 1-2 năm lại xin sang hệ điều trị. 

  Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết Quốc hội đã có Nghị quyết yêu cầu hằng năm ngân sách phải tăng đầu tư cho y tế, trong đó y tế dự phòng phải chiếm ít nhất 30%, nhưng do ngành Y tế vẫn chưa hướng dẫn chi cụ thể nên các địa phương hiểu khác nhau và chỉ dành 16-26% cho dự phòng,
  Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Khá, Bộ Y tế cần có hướng dẫn để các địa phương thực hiện đúng theo quy định. Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra tình trạng đầu tư cho y tế dự phòng.
   
  Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thế Phương cho rằng nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế không nhỏ nhưng cần sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, mục tiêu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Ví dụ, đối với bệnh ung thư, dù chúng ta có đầu tư mỗi tỉnh 1 bệnh viện thì cũng không giải quyết hết được bệnh nhân, nhưng nếu chúng ta tăng cường công tác dự phòng thông qua cải thiện môi trường sống, thói quen sinh hoạt của người dân thì bệnh tật sẽ ít hơn và chi phí điều trị sẽ giảm đi, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.

  Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực y tế dự phòng, từ năm 2012 đã có mã ngành đào tạo bác sĩ ngành này, đồng thời tạo điều kiện tối đa đào tạo liên thông cho cán bộ y tế dự phòng, mở lại hệ bác sĩ nội trú y tế dự phòng. Ở một số tỉnh như Bình Dương, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Quảng Ninh đã thí điểm mô hình tập trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện huyện, các trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng về một mối, chung một trụ sở…
   
  Bên cạnh đó, giải pháp để thu hút nhân lực cho y tế dự phòng được nhiều địa phương kiến nghị trực tiếp tại Hội nghị là tăng mức thu nhập; thống nhất các đơn vị phòng, chống dịch bệnh ở cấp cơ sở về một đầu mối để sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho hoạt động này.
   
  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các tỉnh cần rà soát lại chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế dự phòng, phản ánh bất cập lên Bộ Y tế để xem xét, xử lý hoặc báo cáo Chính phủ.
   
  Theo Phó Thủ tướng, những kiến nghị, đề xuất của các địa phương nếu đã chín muồi thì cần giải quyết sớm, vì nếu càng để chậm thì sinh viên không chịu theo học, người giỏi không về y tế dự phòng, sẽ ảnh hưởng rất lớn, thậm chí lâu dài đến công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
   
   
Không chủ quan với dịch bệnh
   
  Đánh giá về tình hình dịch bệnh năm 2013, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết một số dịch bệnh truyền nhiễm như tay-chân-miệng, sốt xuất huyết trong nước tiếp tục giảm, trong khi ở nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)… lại tăng mạnh. Hoạt động giám sát các dịch cúm theo mùa tiếp tục được tăng cường; ngành Y tế cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất vaccine cúm (nhà máy thứ 12 trên thế giới) để chủ động trong phòng chống dịch bệnh.
   
  Nhiều địa phương đã đóng góp các kinh nghiệm liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của y tế cơ sở trong ghi nhận tình hình dịch bệnh, triển khai kịp thời hoạt động điều tra, khoanh vùng, dập dịch; huy động các phòng mạch tư nhân trong phòng, chống dịch bệnh, vì đây là các cơ sở phát hiện bệnh nhân sớm.
   
  Tuy nhiên, tình hình các bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và thế giới, đặc biệt là các bệnh dịch nguy hiểm mới phát sinh, mới nổi như cúm A (H5N1), cúm A (H7N9), MERS-CoV có tỷ lệ tử vong cao, luôn có nguy cơ xâm nhập, bùng phát tại Việt Nam.
   
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2014, sáng 2/1. Ảnh: VGP/Minh Khôi
    
   
  Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý ngành Y tế, nhất là các địa phương, không thể chủ quan, lơ là, đặc biệt với những bệnh lây nhiễm cao, tử vong nhiều. Các hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh đã có đủ, vấn đề là triển khai ra ngoài xã hội, nhất là tuyến cơ sở, đặc biệt phải chú trọng công tác tuyên truyền, thông tin về vấn đề này để thay đổi môi trường, nhận thức, thói quen sinh hoạt của người dân.
   
  Vừa qua, nhờ tuyên truyền mạnh về cách phòng bệnh tay-chân-miệng chỉ đơn giản nhờ rửa tay xà phòng nên đã phòng chống được rất nhiều nguy cơ lây bệnh. Hay đối với bệnh dại (năm 2013 có 102 người tử vong), nếu vận động, thậm chí bắt buộc, người nuôi tiêm phòng tốt cho đàn chó nuôi (chỉ 8.500 đồng/liều) thì dịch sẽ giảm mạnh.
   
  Phó Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta phải làm thật tốt những gì có thể làm được trong phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh.
   
  Theo Minh Khôi/Chinhphu.vn
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải làm vững cái gốc của phòng chống dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO