Phá rừng ở khu du lịch Tam Đảo, chính quyền địa phương 'bó tay'

31/08/2017 00:00

(TN&MT) - Rừng thông ở khu du lịch thị trấn Tam Đảo bị phá hoại nhưng nhiều năm nay UBND thị trấn không xử lý. Bí thư Huyện ủy nói rằng đó là trách nhiệm của...

(TN&MT) - Rừng thông ở khu du lịch thị trấn Tam Đảo bị phá hoại nhưng nhiều năm nay UBND thị trấn không xử lý. Bí thư Huyện ủy nói rằng đó là trách nhiệm của UBND.
 
Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn của người dân tố cáo lãnh đạo thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) dung túng cho người thân quen phá rừng chiếm đất xây nhà, làm vườn. Sự việc diễn ra đã nhiều năm, người dân nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền địa phương vẫn không xử lý.
 
Người dân thị trấn Tam Đảo cho biết, rừng thông 327 (theo cách mà người dân thường gọi) được UBND thị trấn Tam Đảo trồng năm 1998 theo Quyết định 327 ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
 
Ông Trần Quang Thà (Phó Chủ tịch xã, ngày đó là cán bộ khuyến nông) làm đại diện ký hợp đồng với lâm trường thực hiện dự án trồng hơn 8ha rừng thông. Tuy nhiên từ năm 2004 đến nay, nhiều hộ dân đã kéo vào chặt phá rừng thông 327 và lấn chiếm đất biến thành vườn trồng su su. Một số hộ dân xây cả nhà ở đây. Thậm chí có người chiếm đất xong còn bán cho người khác. 
 
Khu vực đồi bị người dân lấn chiếm và phá rừng.
Rừng thông của nhà nước biến thành những vườn su su của cá nhân
 
Theo người dân, hầu hết những người phá rừng là người thân của cán bộ lãnh đạo tại vị từ lâu trong thị trấn. Người dân kể tên một số hộ dân đang chiếm dụng đất rừng là người nhà của ông Đinh Tuấn Khanh (xã đội trưởng, trước đây là cán bộ địa chính); ông Nguyễn Quang Hải (nguyên Bí thư TT Tam Đảo, nay là Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Tam Đảo),...
 
"Trước cảnh tượng xót xa mất mát tài nguyên rừng, từ năm 2005 đến nay, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị UBND, HĐND thị trấn điều tra làm rõ, ngăn chặn. Nhưng ngán ngẩm thay, những lời đề nghị đều bị bỏ qua lần này cho đến lần khác." - Một người dân đại diện viết trong đơn.
 
Qua hình ảnh người dân cung cấp, một số cây thông bị bóc hết vỏ ngoài và bôi bột trắng vào. Theo họ, làm như vậy là để cho cây thông tự chết.
 
Một thanh niên trong thị trấn du lịch Tam Đảo dẫn chúng tôi đi men rừng thông. Theo quan sát, hiện nay cả khoảnh rừng bạt ngàn là những vườn su su. Đầu lối vào rừng Thông, một ngôi nhà kiên cố với cổng vào hoành tráng mọc từ lâu. 

 

Muốn đi vào khu vực bị chặt phá phải đi qua chiếc cổng đã được dựng sẵn.
Một hộ gia đình xây nhà phía trên rừng thông với cổng vào hoành tráng
 
Trong một văn bản trả lời người dân, ông Đỗ Văn Chúc (Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo, nay là Phó Bí thư thị trấn) tuyên bố rằng: Hiện vẫn còn khoảng 5,1ha rừng, phần dùng làm đường khoảng 1ha, còn 1,9ha là bị các hộ phá để trồng su su (đã hết thời hiệu xử phạt hành chính). Lãnh đạo thị trấn còn cho rằng phần lớn rừng nằm trong địa giới hành chính xã Tam Quan.
 
Trả lời PV, ông Trần Quang Thà (Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Tam Đảo) thừa nhận rừng 327 bị người dân chặt phá. Ông Thà cho rằng, rừng thông bị mất một phần vì mưa bão, phần vì làm đường, một phần nhỏ là người dân lấn chiếm.
 
Tuy nhiên, theo ông Thà không có chuyện người dân làm nhà ở đây. Khi PV cho xem ảnh một ngôi nhà ở đây, ông Thà mới thừa nhận là đúng. Với giải thích về việc làm đường, chúng tôi đề nghị được xem phần diện tích rừng bị cắt bao nhiêu theo quy hoạch, ông Thà nói không biết.
 
PV đặt câu hỏi về văn bản trả lời của ông Đỗ Văn Chúc (Chủ tịch UBND xã lúc đó) có thỏa đáng hay không? Ông Thà không trả lời được.Việc rừng bị người dân lấn chiếm đã được xử lý ra sao và có được xử lý hay không, lãnh đạo UBND thị trấn Tam Đảo cũng im lặng.
 
PV báo Tài nguyên & Môi trường đã liên hệ điện thoại với ông Phạm Quang Nguyên (Bí thư Huyện ủy huyện Tam Đảo). Khi chúng tôi phán ánh về việc rừng 327 ở Tam Đảo bị phá, ông Bí thư nói rằng "cái đó UBND huyện, UBND thị trấn hoặc Vườn Quốc gia có trách nhiệm". Ông Nguyên cũng nói rằng bận họp, không làm việc qua điện thoại rồi dập máy.
 
Thái Bảo
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phá rừng ở khu du lịch Tam Đảo, chính quyền địa phương 'bó tay'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO