PCB – “Quả bom ô nhiễm” cần tháo ngòi nổ

27/08/2013 00:00

Các chuyên gia môi trường nhận định, công tác quản lý chất thải nguy hại nói chung và hợp chất PCB trong các thiết bị điện nói riêng cần được quan tâm đúng...

Các chuyên gia môi trường nhận định, công tác quản lý chất thải nguy hại nói chung và hợp chất PCB trong các thiết bị điện nói riêng cần được quan tâm đúng mức, kiểm soát tốt và tránh nguy cơ ảnh hưởng tác hại đến sức khỏe con người và môi trường.
   
Doanh nghip cùng vào cuc
   
  PCB là một trong danh sách 21 nhóm hợp chất hữu cơ nguy hại được sử dụng chủ yếu như chất điện môi trong các thiết bị điện như máy biến áp, tụ điện. Ngoài ra, chất này còn được sử dụng trong dầu công nghiệp như dầu máy thủy lực, dầu turbin khí và phụ gia cho chất dẻo. Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện ra những mặt trái của PCB làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.
   
  Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm, trong đó, Việt Nam cam kết thực hiện “loại bỏ việc sử dụng PCB trong các thiết bị, máy móc vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn PCB vào năm 2028”. Đề án về quản lý an toàn, loại bỏ sử dụng và tiêu hủy hợp chất PCB, các sản phẩm chứa hợp chất PCB trong ngành điện và các sản phẩm công nghiệp được xác định là một trong những đề án ưu tiên thuộc Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm của Việt Nam.
   
PCB được sử dụng chủ yếu như chất điện môi trong các thiết bị điện
    
   
   Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong những đơn vị sử dụng nhiều dầu cách điện. Đại diện EVN cho biết, việc quản lý PCB đã được giới thiệu và triển khai áp dụng tại EVN từ năm 2003 thông qua các quy định nội bộ. Hàng năm, EVN đều phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp thành viên; cho các cán bộ, công nhân về các quy định pháp luật trong quản lý POP/PCB; cách nhận biết, xác định thiết bị chứa PCB, dán nhãn cảnh báo, thu gom, cách ly, lưu giữ thiết bị nghi nhiễm trong kho chuyên dụng, thay thế dầu thải, thiết bị chứa PCB, cách ứng phó với sự cố....
   
  Nhiều năm qua, Công ty Điện lực Gia Lai (PC Gia Lai) đã quan tâm đến việc quản lý các thiết bị điện có sử dụng dầu cách điện, đặc biệt trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng. Các thiết bị điện trong phạm vi quản lý của Công ty thường xuyên được kiểm tra, thí nghiệm, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ theo qui trình kỹ thuật đã giảm thiểu các khả năng rò rỉ dầu cách điện từ các thiết bị ra môi trường bên ngoài. Đối với các thiết bị hỏng, PC Gia Lai đã có điểm sửa chữa tập trung (tại Xí Nghiệp Điện Cơ), thuận tiện cho việc quản lý dầu cách điện hỏng. Bằng cách thu gom hợp lý trong quá trình sửa chữa, dầu cách điện hỏng đã được chứa bảo quản trong kho quản lý chất thải lỏng nguy hại đúng qui định. Khi lượng dầu thu hồi tồn kho lớn (15.330 lít), Công ty đã hợp đồng với cơ quan chức năng là Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng II - Đà Nẵng để thí nghiệm. Kết quả, lượng dầu cách điện hỏng nêu trên có chứa chất PCB nhưng nồng độ dưới 5 ppm và đã được thanh lý theo đúng qui định của Nhà nước.
   
   Hiện nay, đối với dầu cách điện dùng cho việc thay hỏng, bổ sung cho các thiết bị điện, PC Gia Lai áp dụng các tiêu chuẩn chứng chỉ không chứa PCB. Ngoài ra, PC Gia Lai cũng đã quan tâm phổ biến các văn bản về chất PCB đến các cán bộ công nhân có liên quan, những người trực tiếp tiếp xúc với dầu cách điện có chứa PCB nhằm nâng cao ý thức thực hiện đúng các quy trình, an toàn và ngăn ngừa phát tán ra môi trường.
   
Hoàn thin quy chun đ qun lý
   
  Tổng cục Môi trường cho hay, PCB được xếp vào nhóm 2A các chất có khả năng gây ung thư. Khi phơi nhiễm, PCB sẽ ngấm dần vào cơ thể và chỉ khi đạt một ngưỡng nhất định mới phát sinh các triệu chứng có thể nhận biết. Theo Nghị định 104/2009/NĐ-CP, đây là hàng nguy hiểm. Theo Thông tư 12/2011/TT-BTNMT, đây là chất thải nguy hại.
   
  Các chuyên gia môi trường đánh giá, Việt Nam tuy không sản xuất PCB, nhưng nhập khẩu 27.000 - 30.000 tấn dầu chứa PCB, chủ yếu dưới dạng dầu cách điện trong các thiết bị điện như máy biến áp và tụ điện. Khảo sát ban đầu của Tổng cục Môi trường cho thấy, ở Việt Nam tồn tại hàng chục nghìn tấn dầu có khả năng chứa PCB.
   
  Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, do tính chất độc hại, PCB và các vật liệu có chứa PCB phải luôn được đảm bảo lưu giữ, vận chuyển an toàn với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước. Việc cấp phép lưu giữ, vận chuyển PCB và các vật liệu chứa PCB sẽ tùy theo tính năng sử dụng của PCB vào thời điểm xin cấp phép.
   
  Hiện nay, Bộ TN&MT quản lý việc lưu giữ, vận chuyển PCB và các vật liệu chứa PCB như một loại hóa chất độc hại và chất thải nguy hại. Bộ Công an quản lý việc vận chuyển PCB và các vật liệu chứa PCB như hàng hóa nguy hiểm. Tổng cục Môi trường, UBND cấp tỉnh (Sở TN&MT hoặc Chi cục Bảo vệ môi trường nếu được phân cấp) có trách nhiệm cấp phép quản lý chất thải nguy hại, trong đó có PCB.
   
  Nhằm giúp các doanh nghiệp có các quy chuẩn, thông số kỹ thuật để thực hiện theo đúng tiêu chuẩn về môi trường, thời gian qua, Bộ TN&MT đã xây dựng một số quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến quản lý PCB và CTNH trong chất thải, nước thải công nghiệp và trong nguồn cấp cho lò nung xi măng. Để công tác quản lý PCB đạt hiệu quả, khung pháp lý về quản lý PCB đã, đang và sẽ được tiếp tục hoàn thiện với các giai đoạn của vòng đời hóa chất từ nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán tới sử dụng và tiêu hủy, cùng với đó là xây dựng các tiêu chuẩn về nồng độ PCB trong không khí, đất, nước, trong thực phẩm.
   
Phương Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PCB – “Quả bom ô nhiễm” cần tháo ngòi nổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO