Ốc đảo Thuận Hòa (Quảng Bình): Thấp thỏm mùa mưa lũ

06/10/2015 00:00

(TN&MT) - Chiếc cầu phao tạm chồng chềnh trên mặt nước là con đường duy nhất của người dân thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) lưu thông qua sông Gianh nhiều năm nay. Tuy nhiên, qua gần 15 năm, chiếc cầu phao tạm bợ này đã xuống cấp, hư hỏng nặng, người dân nơi đây lại nơm nớp nỗi lo về cầu trước mùa mưa bão.

 Nằm cách trung tâm xã Quảng Trường khoảng 1km, thôn Thuận Hòa được ví như một “ốc đảo” cô độc giữa dòng Gianh bởi bốn bề sông nước. Vì quá khó khăn và nguy hiểm khi qua sông bằng đò, năm 1999, người dân ở đây đã tự quyên góp kinh phí, vật liệu và được sự hỗ trở từ chính quyền địa phương để làm một cây cầu phao tạm qua sông.

Với chiều dài gần 200m, rộng 2m, cầu được kết cấu bằng những thùng phuy nhựa rồi lát ván lên trên mặt và cố định bằng dây cáp ở 2 đầu cầu để thuận tiện cho việc qua lại. Nhìn chiếc cầu phao, chúng tôi không thể không rùng mình bởi sự cũ kỹ, nguy hiểm của nó. Cầu đã đứt dây cáp một bên, từng tấm ván gỗ trên bề mặt cầu mục nát, bong tróc thiếu sự gắn kết, lan can cầu là những thanh gỗ tre bó buộc lại bằng những sợi thép đã hoen rỉ. Phía dưới nước là những chiếc thùng phuy phần lớn được nối kết với nhau bằng những sợi dây cao su tạm bợ khiến bề mặt cầu có đoạn nổi, đoạn chìm.

Ông Nguyễn Văn Hùng thôn Thuận Hòa tâm sự: “Nhiều năm qua, người dân ốc đảo luôn mong mỏi, chờ một cây cầu vững chắc, kiên cố, đạt tiêu chuẩn nối liền hai bờ sông, đáp ứng nhu cầu đi lại để an tâm sinh sống, sản xuất nhưng vẫn chưa thể thành hiện thực”

Cầu phao tạm là con đường duy nhất người dân qua sông Gianh
Cầu phao tạm là con đường duy nhất người dân qua sông Gianh

Thôn Thuận Hòa có gần 800 khẩu, hằng ngày, người dân đều phải lưu thông qua đây để sang đất liền. Điều đáng nói, gần 200 học sinh các cấp từ các cháu mầm non đến cấp THPT đều phải vượt cầu phao qua sông tới trường.

Ông Hoàng Anh Vũ - Trưởng thôn Thuận Hòa cho biết: “Cứ đến mùa mưa lũ là người dân chúng tôi ở đây lại phải sống trong lo âu, thấp thỏm. Tất cả mọi hoạt động công việc sản xuất, buôn bán, sinh sống đều phải qua cầu. Nếu mưa lũ lớn là thu cầu lại rồi kéo lên, khi đó thôn Thuận Hòa sẽ bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, phải cả tuần nước mới rút hết”.

Không chỉ đối mặt với vượt sông bằng cầu phao tạm xuống cấp nguy hiểm nay người dân còn phải lo lắng với sạt lở đất. Cứ mỗi đợt lũ lên, 2 - 3m đất chiều rộng, khoảng 300m chiều dài đất canh tác hoa màu của người dân bị sạt xuống sông Gianh. “Trong 5 năm lại đây, thôn Thuận Hòa bị sạt lở hơn chục mét đất xuống sông Gianh. Lúc mưa lũ lớn phải đối mặt với biết bao hiểm nguy, từ qua cầu phao cho đến sạt lở đất. Nếu như ít năm nữa mà không xây dựng được bờ kè, đất sản xuất sẽ bị cuốn trôi và sạt dần vào nhà dân”, ông Mai Xuân Hán, Phó Trưởng thôn Thuận Hòa chia sẻ.

Đất canh tác  của người dân trôi theo dòng Gianh mỗi khi lũ về
Đất canh tác của người dân trôi theo dòng Gianh mỗi khi lũ về

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trường cho biết: “Vào mùa lũ thì việc qua lại trên chiếc cầu càng vất vả và nguy hiểm, người dân không thể qua cầu phải chờ nước rút, còn học sinh thì nghỉ học. Trong trận lũ lịch sử vào năm 2013, chiếc cầu phao bị cuốn trôi khiến người dân thôn Thuận Hòa cô lập trong một thời gian dài. Sau đó, vận động người dân trong xã quyên góp xây dựng lại cầu. Để xây dựng một cây cầu vững chắc, an toàn, kiên cố hơn, kinh phí quá lớn, người dân và địa phương không thể thực hiện được”.

Gần 15 năm qua, người dân chỉ có một cách duy nhất để sang sông là đi trên cầu tạm này. Thế nhưng nay cầu phao đã có hiện tượng xuống cấp đều khiến cho người cảm thấy dân nơm nớp khi lưu thông qua đây. Lúc xảy ra mưa lũ lớn cầu phao được kéo lên, thôn Thuận Hòa cô lập với bên ngoài, do vậy, người dân phải chuẩn bị từ giữ trữ lương thực, cho đến đưa gia súc, gia cầm lên vùng đất liền cho an toàn.

“Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chúng tôi đã đề xuất, nhưng đến nay, vẫn chưa có dự án hay hỗ trở xây dựng cầu. Cầu phao chỉ là biện pháp tạm thời, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ước mong của bao năm của người Thuận Hòa và địa phương nơi đây là các cấp, ngành, nhà hảo tâm, hỗ trở xây dựng cầu chắc chắn hơn, để người dân đi lại thuận lợi, an toàn, yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế - xã hội. Một cây cầu kiên cố, vững chắc thực sự đang là một niềm mơ ước của bà con nơi đây.”, ông Thủy chia sẻ thêm.

Bài và ảnh:  Hồng Thiệu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ốc đảo Thuận Hòa (Quảng Bình): Thấp thỏm mùa mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO