Ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp: Khó kiểm soát

20/12/2016 00:00

(TN&MT) - Việt Nam đạt được tăng trưởng ấn tượng về nông nghiệp trong 20 năm qua. Tuy vậy, kéo theo đó là hệ lụy về ô nhiễm môi trường mà theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại hội thảo tham vấn về ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp là đang phát triển nhanh nhất ở hầu hết các địa phương trên cả nước.

Ô nhiễm từ chăn nuôi

Không thể phủ nhận ngành nông nghiệp đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 70% dân cư. Tuy vậy, sự gia tăng lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, phát triển nuôi trồng thủy sản ở nhiều nơi còn tự phát, không phù hợp với quy hoạch và chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; thiếu các quy định về thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường.

Thiếu các quy định về thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Ảnh: MH
Thiếu các quy định về thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Ảnh: MH

Theo Cục Chăn nuôi, chất thải chăn nuôi là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp. Mỗi con bò có thể thải ra 10 -15kg phân/ngày; 1 con lợn thải 2,5-3,5kg phân/ngày; mỗi gia cầm thải 90g phân/ngày, theo đó tổng khối lượng chất thải chăn nuôi khoảng 73 triệu tấn/năm. Chưa kể ở nước ta hiện nay, phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, vì vậy việc xử lý và quản lý chất thải chăn nuôi ngày càng khó khăn. Cả nước có 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình, 18.000 trang trại chăn nuôi tập trung, nhưng mới chỉ có 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas). Vẫn còn khoảng 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài.

Báo cáo nghiên cứu của WB cũng chỉ rõ, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày càng dựa vào nguồn thức ăn công nghiệp và dược phẩm đang đặt ra báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, hoạt động chăn nuôi bò sữa thương mại ở các địa phương như Hà Nội, Nghệ An và TP. HCM đang khiến nguồn chất thải vượt quá khả năng chịu tải, gây ô nhiễm môi trường mặt đất và mặt nước nghiêm trọng.

Tại hội thảo tham vấn về ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, TS. Nguyễn Thế Hinh, chuyên gia nông nghiệp nhận định: Ngành chăn nuôi đang có xu hướng dịch chuyển, chuyển đổi sang chăn nuôi thâm canh. Cùng xu hướng này là sự gia tăng ô nhiễm nguồn nước, đất đai và không khí ngày càng nghiêm trọng.

Triển khai các biện pháp cấp bách

Ghi nhận của nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, mức độ ô nhiễm trong ngành nông nghiệp đang ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người nông dân. Ông Nguyễn Hồng Tín, chuyên gia tư vấn WB hợp phần cây trồng cũng dẫn chứng: Trong quá trình tiếp xúc với thuốc BVTV, người dân thường mắc những dạng ngộ độc cấp tính phổ biến như: nôn ói, đau đầu... và chứng bệnh ngoài da, phụ khoa... Nếu tiếp xúc trong thời gian dài còn có thể gây biến đổi gen, vô sinh. Hiện tại, Việt Nam xếp thứ 2 trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ người mắc ung thư nhiều nhất trên thế giới. Nhiều nguyên nhân được dẫn ra, trong đó có việc tiếp xúc với thuốc BVTV. Hiện, các nước có nền nông nghiệp tiên tiến có khuynh hướng sử dụng các thuốc trừ sâu nguồn gốc tự nhiên, phân bón hữu cơ... nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường.

Mới đây, để ngăn chặn gia tăng ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường trong các lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao nhận thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án. Cùng với đó là rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Các đơn vị chức năng cũng phải tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo yêu cầu cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân sinh nông thôn và các ngành kinh tế khác. Hướng dẫn người dân sử dụng phân hữu cơ; xử lý và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ. Tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, từng bước giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải trong giết mổ, sơ chế và chế biến động vật, sản phẩm động vật.

Thảo Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp: Khó kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO