Nước thải đang đầu độc khắp nơi

04/12/2014 00:00

(TN&MT) - Nguồn tài nguyên nước đang phải đối mặt với tình trạng ngày càng bị ô nhiễm và không kiểm soát được và “độc tố” của nó đang là những “sát thủ” hủy...

   
(TN&MT) - Tại Việt Nam nguồn tài nguyên nước đang phải đối mặt với tình trạng ngày càng bị ô nhiễm và không kiểm soát được và “độc tố” của nó  đang là những “sát thủ” hủy hoại sức khỏe của con người và môi trường.
   
Nguyên nhân của  “làng ung thư”
   
  Quá trình công nghiệp hóa (CNH), đô thị hóa với sự gia tăng dân số đã gây áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước ở Việt Nam, dẫn đến môi trường nước mặt ở nhiều đô thị, khu công nghiệp, các làng nghề ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải và chất thải rắn. Theo thống kê của Bộ Y tế, gần một nửa trong số 26 bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân liên quan tới nguồn nước bị ô nhiễm. Điển hình là bệnh tiêu chảy cấp, dịch tả, thương hàn, đau mắt đỏ, viên não, viên gan A, các bệnh về đường tiêu hóa… Đặc biệt, các trường hợp bệnh nhân ung thư, viêm nhiễm phụ khoa có đến 40 - 50% là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
   
   
Những nguồn nước bị ô nhiễm là một trong những tác nhân hủy hoại sức khỏe con người
   
  Tính trung bình ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Cũng theo đó, hàng năm có khoảng 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm…Theo bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đưa ra kết quả nghiên cứu: Ở Việt Nam, gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện hàng năm có nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
   
  Còn theo kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên & Môi trường), đến nay cả nước có 37 “làng ung thư”. Một trong những nguyên nhân tạo nên “làng ung thư” là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm từ chất độc chiến tranh, chất thải công nghiệp, hoặc các công trình cung cấp nước sạch bị nhiễm bẩn.
   
  Theo các nhà khoa học được biết, tác hại của ô nhiễm nguồn nước mặt đối với sức khỏe con người, chủ yếu do môi trường nước bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm các hợp chất hữu cơ, các hóa chất độc hại và ô nhiễm kim loại nặng. Ảnh hưởng của ô nhiễm nước mặt đối với sức khỏe cộng đồng chủ yếu thông qua hai con đường, do ăn uống phải nước bị ô nhiễm hay các loại rau quả, thủy hải sản được nuôi trồng trong nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với môi trường nước bị ô nhiễm trong quá trình sinh hoạt và lao động do con người gây ra. Ô nhiễm các kim loại nặng trong nước với hàm lượng cao là nguyên nhân gây bệnh hiểm nghèo cho con người như: Ung thư, dị tật bẩm sinh, đẻ non… và là nguyên nhân gây lên các “làng ung thư”.
   
Cấn sự chung tay của cộng đồng
   
  Trong những năm gần đây, tại một số địa phương Việt Nam các dịch bệnh có liên quan đến ô nhiễm nguồn nước mặt đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy,  tại hội thảo “Ô nhiễm nước và các ảnh hưởng về sức khỏe – kinh tế - Góc nhìn chính sách” vừa được tổ chức, một số đại biểu là những chuyên gia, nhà khoa học cho rằng để giảm thiểu ô nhiễm nước mặt tới sức khỏe con người cần sự chung tay của cả cộng đồng thực hiện một số giải pháp mà  trước hết các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước mặt.
   
  Theo đó, cần  áp dụng các biện pháp hạn chế xả chất thải ra nguồn nước; Nghiên cứu nhằm xác định rõ mức độ ảnh hưởng của các yếu tố môi trường nước mặt có nguy cơ cao đối với sức khỏe cộng đồng; xây dựng và công bố Báo cáo sức khỏe môi trường quốc gia, trong đó, nêu chi tiết các nội dung liên quan đến ô nhiễm nước mặt và sức khỏe cộng đồng.
  Các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở có phát sinh nước thải cần tăng cường tái sử dụng nước trong sản xuất; lắp đặt hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra nguồn tiếp nhận; thay đổi công nghệ sản xuất, tăng cường suất sử dụng nước trong dây truyền công nghệ nhằm tiết kiệm nước.
   
  Mặt khác, các cá nhân, hộ gia đình hàng ngày cần tiết kiệm tối đa lượng nước sử dụng trong sinh hoạt; có ý thức tránh nhiệm trong hoạt động BVMT nói chung và bảo vệ nguồn nước mặt ngay tại khu dân cư mình sống; không sử dụng nguồn nước mặt bị ô nhiễm cho ăn uống, sinh hoạt và hạn chế sử dụng nguồn nước mặt bị ô nhiễm cho các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt.
   
Thanh Thủy – Nguyễn Cường
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước thải đang đầu độc khắp nơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO