Nước sạch Hà Nội: Đang sử dụng công nghệ lọc gần... 100 năm tuổi

02/06/2015 00:00

(TN&MT) - Trong khi giá nước sinh hoạt tại Hà Nội không ngừng tăng thì đi kèm với đó là chất lượng nước dường như không hề thay đổi. Hiện nay, phần lớn công nghệ lọc nước của các nhà máy nước sạch khai thác giếng khoan ở Hà Nội tồn tại cách đây đã 100 năm và không loại bỏ hết được nhiều loại chất độc hại trong nước.

Bỏ sót nhiều chất độc

PGS.TS Cao Thế Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: Các mẫu xét nghiệm cho thấy, nước đã qua xử lý vẫn có tỷ lệ nhiễm asen (thạch tín), mangan, clo dư… vượt tiêu chuẩn của Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các nhà máy nước sạch đang hoạt động tại Hà Nội có rất ít nhà máy chủ động công nghệ loại bỏ các chất asen, đạt tiêu chuẩn (dưới 0,01mg/lít), có thể kể ra nhiều địa phương của Hà Nội mà ở đó tỉ lệ nhiễm asen tương đối cao như: Khu Pháp Vân, Lương Yên, Thanh Trì, Vạn Phúc (Hà Đông) và một số vùng khác thuộc Hà Tây cũ...

Nước sạch không chỉ cần loại asen mà còn phải lọc nhiều chất rắn khác như: Mangan, canxi, magie, bari… mặc dù vậy, công nghệ để xử lý các loại chất này tại các nhà máy lọc nước của Hà Nội vẫn chưa có nhiều thay đổi so với trước kia, vẫn chỉ sử dụng bằng: Giàn phun mưa, lọc cát, khử trùng bằng clo... Việc sử dụng bằng cách này chủ yếu để loại sắt, qua đó may mắn loại được một phần asen (sắt hấp phụ asen trong quá trình ô xi hóa). Tuy nhiên cách lọc trên chỉ có tác dụng với vùng nhiễm asen mức nhẹ, theo tỷ lệ 1 - 7 (1 asen - 7 sắt), còn nhiễm asen nặng hơn sẽ không thể loại bỏ hết được chất này.

Theo thống kê của nhiều chuyên gia nghiên cứu về các chất có trong nước gồm cả asen năm 2006, với công trình nghiên cứu tại 8 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam… Kết quả cho thấy, dù đã qua bể lọc cát, Hà Nội vẫn có 20% số giếng khảo sát bị nhiễm asen, tiếp đến là Hà Tây cũ với 17%...

Công nghệ lọc nước đã gần 100 năm là trở ngại để nâng cao chất lượng nước sạch thủ đô
Công nghệ lọc nước đã gần 100 năm là trở ngại để nâng cao chất lượng nước sạch thủ đô

Anh Hùng sống tại Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội cho hay, một mặt người dân cảm thấy chưa thực an tâm đối với công nghệ mà các nhà máy nước sạch trên địa bàn thành phố đang áp dụng, vì bản thân các công nghệ được sử dụng đã lâu tới gần 1 thế kỷ. Mặt khác người sử dụng nước sạch không khỏi lo ngại và bức xúc bởi trong nước mà các nhà máy nói là nước sạch thỉnh thoảng lại có nhiều cặn bẩn lẫn trong đó, đặc biệt là mùi thuốc tẩy.

Theo các chuyên gia nước có mùi thuốc tẩy là do lượng Clo dư vượt tiêu chuẩn. Bộ Y tế từng kiểm tra, lấy mẫu và phân tích chất lượng nước vào tháng 6/2014 tại 16 nhà máy nước và 7 trạm cấp nước trên địa bàn Hà Nội, kết quả cho thấy có 5 tiêu chí không đạt ngưỡng theo QCVN01/2009-BYT là: Clo dư, amoni, pecmanganat, asen, mangan.Trong đó có 20/20 mẫu tại 20 cơ sở cấp nước được lấy đều có nồng độ clo dư cao hơn ngưỡng cho phép. Cũng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, lượng clo dư cần được duy trì đúng mức quy định từ 0,3 - 0,5mg/l với mục đích diệt khuẩn. Nếu nước ăn uống có nồng độ clo dư thấp 0,3mg/l sẽ dẫn đến nguy cơ ô nhiễm, xảy ra dịch bệnh tiêu chảy và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, ngược lại nếu cao hơn tỉ lệ 0,5mg/lít nhiều lần thì có khả năng clo hóa một số chất hữu cơ thành các chất clo hữu cơ độc hại.

Chờ công nghệ mới đến bao giờ?

Trao đổi với ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng kế hoạch công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông cho biết: Thực tế công nghệ lọc nước tại nhà máy vẫn là công nghệ được sử dụng nhiều năm qua. Để cải thiện tình trạng nước sạch công ty đã trích nguồn ngân sách từ việc kinh doanh, tập trung đầu tư trang thiết bị cải tạo, thay mới một số khâu, một số bộ phận lọc nước như: Xây dựng, mở rộng bể lắng, màng lọc, giàn phun mưa...

Trước thực trạng nguồn nước ngầm ngày càng có nguy cơ ô nhiễm, cũng như để nâng cao chất lượng nước đến người tiêu dùng, công ty mong các cơ quan chức năng, cùng các sở ngành cần có biện pháp quản lý chặt nguồn nước ngầm, ngăn chặn hiện tượng thẩm thấu ô nhiễm xuống mực nước ngầm, đồng thời công ty cũng mong muốn tới đây các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cùng các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước cùng phối kết hợp đưa ra công nghệ lọc tốt hơn, chủ động loại bỏ các tạp chất có trong nước.

Bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng phòng Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết: Sở chỉ cấp phép công nghệ lọc nước cho một số nhà máy, xí nghiệp và các dự án thuộc quyền quản lý của thành phố, còn lại các doanh nghiệp kinh doanh khác Sở không giám sát hết được chất lượng nước của các doanh nghiệp này.

Bà Hiếu nhấn mạnh,  khi Sở đã cấp phép về mặt công nghệ nếu đơn vị, nhà máy nào không đảm bảo được quy trình cũng như trong quá trình vận hành không theo đúng những gì được cấp phép thì đơn vị đó, chủ đầu tư ở đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước các cơ quan Nhà nước. Vấn đề thay đổi công nghệ rất khó diễn ra trong thời gian ngắn và nếu có sự thay đổi thì cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, một mình Sở không thể làm được.

Việc công nghệ lọc nước trong các nhà máy vẫn được duy trì gần 100 năm nay, đang đặt ra nhiều mối nghi ngại về mức độ đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng nước sạch. Khi giá nước ngày một tăng thì đi liền với nó là đòi hỏi chất lượng nước cũng phải được tăng lên tương ứng. Đây là yêu cầu chính đáng từ phía người dân, rất cần câu trả lời của các cơ quan quản lý cùng các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội.

Bài và ảnh: HUY AN 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước sạch Hà Nội: Đang sử dụng công nghệ lọc gần... 100 năm tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO