Nữ quan trắc viên Chợ Rã

08/03/2017 00:00

(TN&MT) - Nhắc đến nghề khí tượng thủy văn, nhiều người sẽ nghĩ đến truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, kể về anh thanh niên sống một mình trên đỉnh núi, âm thầm làm công việc đếm nắng, đo mưa phục vụ chiến đấu, sản xuất. Và có lẽ ít ai nghĩ rằng công việc vất vả và cần sự kiên trì, bền bỉ này lại có không ít nữ giới tham gia đảm nhiệm. 

Tình yêu nghề từ người mẹ

Chúng tôi lên thăm quan Trạm khí tượng Chợ Rã (thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) vào những ngày cuối tháng 2, khi miền Bắc bắt đầu đón đợt không khí lạnh tràn về.

Cô gái trẻ Ma Thị Minh Hảo (sinh năm 1994, người dân tộc Tày) cùng với người đồng nghiệp và cũng là người mẹ của mình, chị Hoàng Thị Tính là 2 nhân viên duy nhất làm việc ở đây. Tốt nghiệp khoa Khí tượng học, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng là lúc Trạm khí tượng Chợ Rã thiếu nhân lực, Hảo quyết định quay về trạm làm việc với mẹ. Mới trở thành nhân viên khí tượng không lâu nhưng với Hảo đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với mẹ.

Hàng ngày, Hảo cùng mẹ lấy số liệu cẩn thận. Ảnh: Đức Thiện
Hàng ngày, Hảo cùng mẹ lấy số liệu cẩn thận. Ảnh: Đức Thiện

Hảo chia sẻ, từ bé, em đã được theo mẹ lên trạm mỗi ngày. Em còn không nhớ là mình ngủ ở nhà hay ở trạm nhiều hơn vì hầu như khi nào mẹ trực ở trạm, em cũng ngủ lại đây. Lớn hơn một chút, nhìn mẹ đo đạc, lấy số liệu từ “quả cầu pha lê” (nhật quang ký – thiết bị đo số giờ nắng trong ngày), rồi ngày nào cũng nhìn lên trời, ghi chép lại đã khiến em cảm thấy rất tò mò và hứng thú với công việc mẹ đang làm. Những câu hỏi ngô nghê, hồn nhiên của Hảo về mưa, gió, nắng, mây, về những thiết bị đo đạc luôn  được mẹ giải đáp dễ hiểu, gần gũi nhất. Có lẽ việc thường xuyên được theo mẹ đến trạm cùng với sự tò mò, ham thích học hỏi đã vun đắp nên tình yêu đặc biệt với nghề khí tượng của Hảo.

Những kỷ niệm đáng nhớ

Khoảng thời gian 25 năm làm quan trắc viên của mình, chị Tính không thể đo đếm được mình đã trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả. Nhưng có những kỷ niệm mà có lẽ cả đời chị sẽ không bao giờ quên. “Cái vất vả nhất của khí tượng là phải đo đạc cả ban đêm, nhất là những hôm mưa bão hay thời tiết thất thường thì phải đo từ 30 phút - 1 tiếng 1 lần để cập nhật thông tin. Hồi đó, con gái tôi chưa đầy 1 tuổi, đêm ngủ không thấy mẹ là khóc nên làm ca đêm tôi cũng phải mang con đến trạm, 1 giờ sáng đi đo phải địu con trên lưng lên vườn khí tượng. Nhiều hôm, con theo mẹ lên trạm, chơi loanh quanh rồi té ngã lúc nào không biết. Thương con mà cũng không biết làm cách nào khác”, chị Tính kể.

Hay cách đây vài tuần, trong ca đo đạc ban đêm, trời mưa bão, đường trơn nên chị Tính bị trượt chân ngã, lăn từ đỉnh đồi xuống dưới nhưng đến giờ phải truyền dữ liệu nên vẫn phải làm ngay, chuyển tin xong chị mới thấy mình đang rét run, quần áo rách lúc nào không biết, tay chân xước xát, rớm máu, đến giờ vẫn phải lấy dầu xoa bóp.

Đồng cảm với những chia sẻ của mẹ, Hảo cho biết, em rất thương và cảm phục sự hy sinh, trách nhiệm với công việc của mẹ mình. Với Hảo, chị Tính không chỉ là mẹ, là đồng nghiệp mà còn là người thầy lớn, là tấm gương bình dị mà cao quý cho em học hỏi và noi theo mỗi ngày. Kể về kỷ niệm đáng nhớ của mình, Hảo nói ở đây hay bị sét đánh, riêng năm ngoái bị 3 lần, 1 lần làm tê liệt cả trạm; đêm hôm cũng chẳng sợ gì ma vì em đã mang họ “Ma” rồi.

Dù trời nắng hay mưa, ngày thường hay Lễ, Tết, 2 mẹ con Hảo đều phải thay nhau túc trực ở đây để đảm bảo đủ 4 lần đo đạc trong ngày, với ca đầu tiên từ 1giờ sáng. Vì trạm chỉ có 2 người, lại cùng trong 1 gia đình nên khi ở nhà có việc gì thì cũng luôn có chị Tính hoặc Hảo ở lại trực.

Ngoài việc đo đạc theo khung giờ cố định, lấy số liệu trong vườn khí tượng, những người quan trắc viên như Hảo còn liên tục phải quan sát, ghi chép lại những biến động bất thường của thời tiết xung quanh. Thậm chí, những hôm thời tiết xấu như có tố lốc, mưa giông phải đo đạc trung bình 30 phút đến 1 tiếng một lần.

Trạm khí tượng Chợ Rã nằm trên một ngọn đồi bao quanh bởi cỏ cây um tùm xen với hàng chuối xanh. Từ phòng làm việc lên đến vườn quan trắc khí tượng phải leo lên ngọn đồi. Đường lên là những bậc thang đất, dốc gần như thẳng đứng, người chưa quen phải cẩn thận bước từng bước nếu không dễ sảy chân ngã. Hiện tại, trạm đã tương đối cũ kỹ, xuống cấp nhưng chỉ khoảng 4 tháng nữa, hai mẹ con Hảo sẽ được chuyển sang trạm mới kiên cố, khang trang hơn.

Quyết Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ quan trắc viên Chợ Rã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO