Nông thôn mới phải xanh

Thiên Trường| 05/12/2019 09:58

(TN&MT) - Trong bối cảnh hiện nay, môi trường được xác định là 1 trong 4 tiêu chí cơ bản trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM (thu nhập, việc làm, hộ nghèo, môi trường) thế nhưng đây lại là một trong những tiêu chí nhiều địa phương đạt tỷ lệ thấp.

Nông thôn Việt Nam là khu vực rộng lớn và đông dân nhất, đa dạng về thành phần tộc người, về văn hóa, là nơi bảo tồn, lưu giữ các phong tục, tập quán của cộng đồng, là nơi sản xuất quan trọng, làm ra các sản phẩm cần thiết cho cuộc sống con người.

Trong xu thế phát triển hiện nay, không thể có một nước công nghiệp nếu nông nghiệp, nông thôn còn lạc hậu, ô nhiễm môi trường và đời sống nông dân còn thấp. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới được Đảng và Nhà nước Việt Nam cho là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Huyện Hải Hậu (Nam Định) trồng hoa ven đường để tạo cảnh quan môi trường thêm xanh – sạch – đẹp. Ảnh: Hoàng Minh

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai, thực sự là luồng gió đổi mới, tích cực cho sự phát triển toàn diện vùng nông thôn. Đây là sự tất yếu của tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân. Những kết quả xây dựng nông thôn mới, những thành tựu phát triển nông nghiệp thời gian qua không thể vượt bậc, tỏa sáng nếu không có phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 (là thời điểm tổng kết giai đoạn 1) và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010 - 2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Tuy vậy, ẩn chứa trong toàn cảnh bức tranh xây dựng nông thôn mới trên cả nước, chúng ta nhận thấy, mặc dù, đã có những chuyển biến nhưng việc thực hiện tiêu chí môi trường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh nhiều các địa phương chưa quan tâm vào cuộc, dường như các mục tiêu về môi trường vẫn còn mang tính hình thức. Đến hết tháng 7/2019, cả nước có có 5.443 xã đạt tiêu chí môi trường, đạt 61,1%, tăng 3,9% so với cuối năm 2018 (năm 2015 là 42,2%, năm 2010 là 6,7%).

Trong khi đó, đáng ngại là tại nông thôn, lượng rác thải ra của mỗi người dân cũng vào khoảng 0,6 - 0,7kg rác/ngày. Với khoảng 60 triệu dân đang sống ở các vùng nông thôn Việt Nam, mỗi ngày, sẽ có khoảng 30 - 35.000 tấn rác thải cần được xử lý, thu gom. Tuy vậy, do ý thức của người dân còn kém, cho nên lượng rác thu gom mới chỉ đạt 50%, hiện nay, chủ yếu người dân tự xử lý rác bằng cách đào hố chôn, đốt, hoặc thải bừa bãi ra các sông, ao, hồ.

Chưa dừng lại ở đó, với khoảng 70% dân số ở khu vực nông thôn, mỗi năm phát sinh 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt và khoảng 7.500 tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, khoảng 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom xử lý hợp vệ sinh, xả trực tiếp ra môi trường.

Chưa kể, mặt trái và hệ lụy của quá trình đô thị hóa tăng nhanh đã tác động rất lớn đến môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó, không thể tránh khỏi môi trường sống của con người đang bị đe dọa, suy thoái nghiêm trọng bởi ô nhiễm từ các chất thải, nước thải của các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư...

Vì vậy, việc xây dựng nông thôn mới đặt ra mục tiêu, tiêu chí cho các vùng nông thôn cũng vừa là thách thức vừa là động lực, là cơ hội để bộ mặt nông thôn khởi sắc trên đà phát triển. Song, vấn đề cốt lõi là suy nghĩ và hành xử đúng mực của con người đối với thiên nhiên, môi trường.

Để cải thiện tiến tới đạt được tiêu chí về môi trường nông thôn, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, rất cần ý thức tự giác của chính người dân. Thu gom, xử lý rác thải là một trong những yếu tố quan trọng giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.

Trong giai đoạn tới, nông thôn Việt Nam cần nhiều hơn mô hình cải tạo cảnh quan được áp dụng sáng tạo, góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn như: Mô hình trồng hoa, cây xanh “Từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông (Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long...); mô hình con đường bích họa (Đan Phượng, Hà Nội; Tam Kỳ, Quảng Nam); làng bích họa của đồng bào dân tộc Dao (Móng Cái, Quảng Ninh)...

Tại một số địa phương, chính quyền đang phát động người dân xây các bể xử lý rác quy mô hộ gia đình với chi phí thấp. Đây là cách làm mới, tuy vậy, để đạt hiệu quả cao, người dân cần được hướng dẫn cụ thể để việc xử lý rác trong các bể chứa ít gây hại tới môi trường. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần được nhắc nhở, ký cam kết bảo vệ môi trường...

Môi trường là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân và bộ mặt nông thôn. Do vậy cấp ủy và chính quyền cơ sở cần vào cuộc, chỉ đạo sát sao để các tầng lớp nhân dân thấy rõ được trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường nói riêng và công cuộc xây dựng nông thôn mới nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông thôn mới phải xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO