Nông dân chân đất ở Hà Tĩnh: Mượn tiền tỷ để giải cứu các dòng sông

06/05/2014 00:00

(TN&MT) - Trước thực trạng cây bèo lục bình ngày càng chen lấn, phủ kín các dòng sông và đồng ruộng, nông dân Phạm Đình Quỳnh đã quyết tâm tìm ra cách để loại...

(TN&MT) - Trước thực trạng cây bèo lục bình ngày càng chen lấn, phủ kín các dòng sông và đồng ruộng, anh Phạm Đình Quỳnh - một giáo dân ở xóm Ban Long, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã quyết tâm tìm ra cách để loại trừ vấn nạn này.
   
  Bèo lục bình (hay còn gọi là bèo Tây, bèo Nhật Bản) có tốc độ sinh trưởng, phát triển và lây lan rất nhanh. Trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung và các xã huyện Can Lộc nói riêng, bèo lục bình phát triển với mật độ khá dày đặc, trên các dòng sông, ao hồ, thậm chí còn lấn vào các ruộng lúa của người dân. Chính quyền các cấp gặp nhiều khó khăn trong xử lý và ngăn chặn sự lây lan, phát triển của bèo lục bình. Theo thông kê trên địa bàn xã Quang Lộc có khoảng 15 ha bèo lục bình, hàng năm vào mùa mưa lũ bèo bị trôi lên lúa gây rất nhiều thiệt hại cho người nông dân, vào mùa khô nước xuống vì số lượng bèo quá dày nên ngăn dòng chạy của các sông.
   
Chiếc máy gần 1 tỷ đồng được anh Phạm Đình Quỳnh trang bị
    
   
  Anh Phạm Đình Quỳnh chia sẻ: “Đây là một việc rất nan giải mà các cấp, ngành tỉnh, huyện, địa phương đang tìm mọi cách để xử lý, nhưng tôi thấy không có hiệu quả. Một lần tình cờ tôi có nghe được thông tin trên truyền hình về máy băm bèo này ở miền Nam, từ đó tôi đã nảy sinh ý tưởng và mong muốn sớm  diệt được số bèo lục bình này trên địa bàn”.
   
  Lúc đầu gặp phải sự ngăn cản của gia đình, nhưng với ham muốn và đam mê anh Quỳnh đã  quyết tâm thực hiện. Để có vốn, anh Quỳnh đã vay tiền anh, em trong họ hàng để tìm đến nơi sản xuất. Lúc bấy giờ một chiếc máy băm bèo có giá 1,8 tỷ đồng,số tiền quá lớn đối với người nông dân. Khó khăn tìm tiền mua máy, nhưng không làm anh nản ý chí. Anh Quỳnh đã trực tiếp đến gặp, trao đổi với nhà máy sản xuất và xin được cho sản xuất thử chiếc máy được thiết kế nhỏ hơn, rẻ tiền hợp với địa hình ở quê. Sau nhiều tháng trời ở miền nam, cuối cùng anh đã mua được chiếc máy sản xuất theo nguyện vọng của mình với giá 800 triệu đồng.
   
   Đã có máy băm bèo nhưng còn bao nhiêu khó khăn khác đó là điều kiện địa hình và độ bám của bèo đối với sông ngòi ở Can Lộc lại không được thuận tiện trong khi vốn đầu tư cao lại không được hỗ trợ về lãi suất vay vốn đang là điều làm anh Phạm Đình Quỳnh trăn trở sau khi đưa máy băm bèo về địa phương.
   
  Trước đây, với quy trình vớt bèo thủ công lượng bèo được vớt lên rất ít, không thể tiêu diệt triệt để. Thực tế chính quyền địa phương, các ban ngành huyện Can Lộc đã nhiều lần triển khai lực lượng để trục vớt bèo nhưng kết quả chỉ là con số không. Với máy băm bèo thì khác, chỉ với 3 lao động, mỗi ngày có thể băm nát 4ha bèo lục bình, tiết kiệm được thời gian công sức, số bèo được băm nát bị tiêu diệt hoàn toàn không thể tái sinh lại.
   
  “Khi máy mới đưa về bèo băm ra chưa thể vớt lên bờ, hiện tôi đang nghiên cứu để làm sao đưa số bèo đã băm lên bờ và bán cho các công ty làm phân bón vi sinh. Chúng tôi mong rằng các cấp, ngành có sự quan tâm, hỗ trợ để gia đình có thể thực hiện tốt việc diệt bèo lục bình”, anh Phạm Đình Quỳnh chia sẻ thêm.
   
  Hiện anh đã ký hợp đồng với HTX Thanh Hương, Quang Lộc để băm bèo với mỗi ha giá 15 triệu đồng, xác bèo sau khi băm sẽ được vớt lên làm phân vi sinh hoặc tự hủy. Dẫu còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng với cách diệt bèo bằng máy, anh Quỳnh xứng đáng với danh hiệu Người giải cứu dòng sông.
   
  Bài và ảnh: Đức Cảnh - Hồng Thiệu
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân chân đất ở Hà Tĩnh: Mượn tiền tỷ để giải cứu các dòng sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO